Về quy định giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 29-1-2018 của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật, đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập không quá 2 người khuyết tật.
Theo tác giả, đối tượng học sinh hòa nhập rất cần sự yêu thương, sẻ chia của người dạy và người học. Trong ảnh: Học sinh THPT hứng thú với một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Y.Hoa
Như vậy, nếu trước năm 2018, học sinh khuyết tật được bố trí học riêng ở những lớp, trường chuyên biệt, thì từ năm 2018, người khuyết tật được học chung với học sinh bình thường ở các trường phổ thông. Vì vậy, diện học sinh này được gọi theo cách mới là “học sinh hòa nhập”.
Ngày càng tăng về số lượng
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh hòa nhập không hề giảm xuống, mà ngược lại có phần tăng lên. Đáng chú ý, số em bị khuyết tật về thân thể giảm nhưng những học sinh bị khiếm khuyết về tinh thần lại tăng. Trong đó chủ yếu trẻ mắc các bệnh như tự kỷ, trầm cảm, rối loạn hành vi tâm lý… Chỉ tính riêng quận Tân Phú (TP.HCM), nếu năm học trước, nhiều trường THPT trên địa bàn chỉ nhận giáo dục diện học sinh này chưa đến 10 em, một số trường không có. Thì năm học này, trừ Trường THPT Trần Phú là không có học sinh đăng ký học, còn lại 3 trường Tây Thạnh, Tân Bình, Lê Trọng Tấn – mỗi trường đều nhận trên 20 em nhập học vào lớp 10, không qua xét tuyển. Lý giải về điều này, một chuyên gia tâm lý học đường cho rằng do ngày nay trẻ có quá nhiều sự tác động bên ngoài từ gia đình, xã hội, và từ sự tự hình thành nhân cách bản thân. Trên hành trình phát triển ấy, chỉ cần trẻ “đi chệch đường ray” là sẽ dễ phát sinh tiêu cực về tâm sinh lý, về nhân cách.
Nhiều bất cập trong giảng dạy
Nhiều giáo viên sau khi chấm bài kiểm tra học kỳ diện học sinh này đã phải thở ngắn than dài trước thực tế bài làm rất kém của các em. Chẳng hạn như môn văn, một giáo viên dạy văn ở một trường phổ thông tại TP.HCM cho biết đa số các em diện này chỉ được 1 đến 1,5 điểm trên mặt bằng chung là thang điểm 10. Các em mắc hầu hết các lỗi từ kỹ năng đến kiến thức, thậm chí không viết được, không biết viết gì cả. Đáng nói là, với đối tượng hòa nhập này, đáng lẽ phải có một dạng đề kiểm tra với mức yêu cầu riêng cho các em. Nên cách làm “cào bằng” như trên là chưa hợp lý.
Học sinh hòa nhập bị khiếm khuyết rất nhiều mặt về trí tuệ cũng như hành vi nhưng được bố trí chung với lớp học bình thường, trong đó có nhiều học sinh khá giỏi. Điều này khiến giáo viên lúng túng trong phương pháp giảng dạy. Nếu quá quan tâm đến các em thì sẽ mất quyền lợi cho số đông còn lại. Nhưng nếu “bỏ rơi” thì các em sẽ bị thiệt thòi. Đa số các trường phổ thông hiện nay chọn theo cách ứng xử thứ hai. Việc này làm cho mục đích việc học hòa nhập của người học hòa nhập càng xa hơn với mục tiêu đề ra ban đầu. Học sinh hòa nhập khiếm khuyết về tâm sinh lý, để giáo dục các em phải là những người thật sự am hiểu. Trong khi đó hầu hết giáo viên phổ thông hiện nay chưa được bồi dưỡng, hướng dẫn để giáo dục thật hiệu quả diện học sinh này.
Cần sự yêu thương, sẻ chia của người dạy
Học sinh hòa nhập khiếm khuyết về tâm sinh lý, để giáo dục các em phải là những người thật sự am hiểu. Trong khi đó hầu hết giáo viên phổ thông hiện nay chưa được bồi dưỡng, hướng dẫn để giáo dục thật hiệu quả diện học sinh này. |
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, để cho việc giáo dục học sinh hòa nhập được hòa nhập ở trường phổ thông, các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả về chương trình, kiểm tra đánh giá; phương pháp; mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và địa phương; kể cả chế độ thù lao cho giáo viên… Làm sao để các em có được sự quan tâm đặc biệt.
Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục học sinh hòa nhập, nhiều giáo viên cho rằng cần có sự kiên trì, nhẫn nại, nhất là phương pháp giáo dục mới mong có hiệu quả. Trước hết phải tìm hiểu kỹ đối tượng; tìm hiểu kỹ nhu cầu, khả năng của người học để xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho từng em, và có các hoạt động giáo dục hỗ trợ kèm theo khác. Từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Quan trọng nhất là, trên cơ sở đặc thù của từng em, người dạy cần đưa ra phương hướng, mục tiêu riêng, trên cơ sở mục tiêu chung của cả lớp. Nếu không, các em sẽ dễ bị “bỏ rơi” vì học sinh hòa nhập cùng học chung với học sinh bình thường khác trong lớp.
Thầy Nguyễn Quang Đạt (Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM) cho rằng: “Phải coi việc giáo dục học sinh hòa nhập là một hoạt động nhân đạo của nhà trường. Nhà trường và giáo viên không nên quá áp lực, nặng nề về thành tích thi đua. Phải có sự nhiệt tâm, sự đồng cảm, chia sẻ, dành tình thương yêu cho các em như cha mẹ, anh chị… Có như vậy mới mong mục tiêu giáo dục học sinh hòa nhập đạt được kết quả!”.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)