Người làm nông nghiệp ở Đắk Lắk, nhất là cây cà phê, xưa nay dựa vào kinh nghiệm và “trời cho” là chính nên năng suất thấp, chất lượng không ổn định, giá cả thất thường… Một cách làm mới vừa được triển khai tại đây đã khắc phục được những hạn chế trên.
Mô hình này được gọi là Liên minh sản xuất nông sản bền vững, trong đó liên minh sản xuất cà phê đang được triển khai khá thành công.
Nông dân tham gia liên minh này được nghe về phương án sản xuất cà phê trong năm, chi tiết đến từng tháng. Các chuyên gia còn hướng dẫn nông dân các quy trình chăm sóc cây cà phê như trồng cây chắn gió, bón phân, tránh thất thoát sau thu hoạch, phơi sấy… như thế nào để đạt hiệu quả. Việc lập kế hoạch chi tiết tháng nhằm chăm sóc cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững.
Già làng Ma Ven (bìa trái) trình bày cách thức canh tác cà phê của mình với các chuyên gia dự án – Ảnh: TR.T.
Trồng cà phê… khoa học
Già làng Ma Ven, xã Cư Êbua – Chư Bua, TP Buôn Ma Thuột, một trong những nông dân tham gia Liên minh sản xuất cà phê bền vững Cư Êbur – Simexco, tâm sự: “Lâu nay dân làng làm cà phê cứ tận dụng có gì bón nấy, có tiền nhiều thì bón phân, tưới nước nhiều, không có thì ít hơn. Việc chăm sóc cây cũng không có quy trình mà chỉ dựa vào kinh nghiệm”.
Vẫn theo già làng Ma Ven, cách làm cũ cà phê cho năng suất không cao, chất lượng thấp mà hay bị bệnh. Từ khi tham gia liên minh, tháng nào làm cành, tháng nào bón phân và theo tỉ lệ thế nào đều có kế hoạch nên năng suất, chất lượng tốt hơn hẳn. Đặc biệt, dân làng biết phơi cà phê trên sân gạch, biết loại kỹ hạt đen lại, do đó công ty thu mua hết sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài (giá thị trường).
Ông Phạm Ngọc Bằng, giám đốc Công ty Chế biến và xuất nhập khẩu cà phê Đắk Man, phân tích liên minh hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp sẽ tạo ra một vùng nguyên liệu cà phê ổn định, đáp ứng yêu cầu chất lượng và được cấp chứng nhận Utz (chương trình chứng nhận cà phê toàn cầu). Nông dân tham gia liên minh sẽ được tập huấn kỹ thuật canh tác tốt, được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, sân phơi, máy sấy…
“Cái được lớn nhất từ mô hình này là chúng tôi sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và được hỗ trợ một phần kinh phí để phổ biến kỹ thuật cho nông dân”, ông Bằng phấn khởi. Khi vào các liên minh, theo ông Bằng, ngoài những hỗ trợ từ dự án thì người dân được bao tiêu 100% sản phẩm cuối vụ. Đặc biệt, sản phẩm cà phê nhân được giá cao hơn thị trường 200-300 đồng/kg. Đó là chưa kể những lợi ích khác về kinh tế như được ứng vốn, được mua phân đảm bảo và giá rẻ…
Các liên minh cùng có lời
Dự án triển khai ở 8 tỉnh
Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ Chính phủ Việt Nam trong thời gian 2009 – 2013 được triển khai tại tám tỉnh gồm: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Gia Lai với tổng nguồn tài trợ từ WB hơn 59,7 triệu USD. Nguồn vốn ghi cho dự án tại các tỉnh khoảng 8 triệu USD nhưng cũng có thể tăng, giảm so với mức ban đầu tùy thuộc năng lực thực hiện dự án của từng địa phương.
|
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có bốn liên minh sản xuất hàng nông sản bền vững gồm: Liên minh sản xuất bơ sáp Dakado, Liên minh sản xuất cà phê bền vững Êbur – Simexco, Liên minh sản xuất cà phê Đắk Man – Hòa Đông & Ea Tu và Liên minh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo rừng (nuôi). Đây là kết quả bước đầu của Dự án cạnh tranh nông nghiệp triển khai tại tỉnh Đắk Lắk từ giữa năm 2009 với tổng kinh phí 8,53 triệu USD.
Theo ông Đỗ Thành Chung, chuyên gia tư vấn Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, dự án này tài trợ không hoàn lại khoảng 40% tổng kinh phí trong một liên minh nhằm hỗ trợ các chi tiêu hợp lệ. Ngoài ra, dự án còn giúp đầu tư cơ sở hạ tầng công ích thiết yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất nông nghiệp và giảm chi phí thị trường. “Đây cũng có thể coi là những gói kích cầu cho nông nghiệp, hi vọng sau đó nông dân và doanh nghiệp liên kết nhau mạnh mẽ hơn nữa để tăng tính cạnh tranh cho nông sản trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Chung cho hay.
Những liên minh này là sự kết hợp giữa những nhóm nông dân và doanh nghiệp cùng sự hoạch định của địa phương và sự tham gia của các nhà khoa học. Kết quả của sự liên minh, hợp tác đó là đem đến những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có tính cạnh tranh. Sự liên kết còn giúp doanh nghiệp và nông dân chủ động với nông sản và cùng có lời.
Ngoài bốn liên minh sản xuất cà phê, nuôi heo rừng đang triển khai, sắp tới tại Đắk Lắk tiếp tục cho ra mắt các liên minh sản xuất rau sạch, liên minh sản xuất mật ong nhằm đem lại sự ổn định giá nông sản giúp nông dân có lời và doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu.
TRUNG TÂN – TTO
Bình luận (0)