Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Làm nông nghiệp thôi thì chỉ ổn, không giàu

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy tại hội nghị đánh giá hoạt động KHCN thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp nông dân và nông thôn. Hội nghị do Ủy ban Khoa học và Công nghệ (KHCN) của Quốc hội, Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT tổ chức.

Mô hình cánh đồng nguyên liệu tại trang trại bò sữa của Tập đoàn TH.
Bức tranh KHCN trong lĩnh vực tam nông sau 5 năm nghị quyết đi vào cuộc sống được đánh giá là sôi động, khởi sắc. Bộ KHCN đề ra và thực hiện nhiều chương trình lớn như: Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN trong nông thôn, miền núi; Phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao…
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi đưa ra thống kê của quốc tế mới đây cho thấy, KHCN Việt Nam đang đứng thứ 76/141 và đứng thứ 4 trong khối ASEAN. KHCN giúp tăng năng suất; đơn cử như cao su, dù chỉ tăng 2 lần diện tích nhưng sản lượng mủ cao su tăng 17 lần.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho rằng, thông qua nhiều khóa tập huấn, cuộc thi, nông dân thể hiện và hiện thực hóa nhiều ý tưởng. Từ những ý tưởng đơn giản như chế tạo máy bóc hành, tẽ ngô, gieo sạ đến ý tưởng táo bạo như chế tạo máy bay chuyên dùng trong nông nghiệp…
Tuy nhiên, KHCN vẫn chưa cải thiện được bức tranh đời sống nông thôn. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nông sản vẫn thiếu sức cạnh tranh, chất lượng chưa cao, giá thành đắt, nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm… Điều đó dẫn đến đời sống nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp nông nghiệp còn khó khăn.
Tình trạng này có nguyên nhân từ các nghiên cứu khoa học thiếu tính thực tiễn, không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí trùng lắp trong đề tài nghiên cứu. Vì thế, việc đi tắt đón đầu, mua công nghệ nước ngoài là đáng khuyến khích, tránh hiện tượng mò mẫm. Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết: “Trong giai đoạn đầu này, chúng ta nên chấp nhận nhập khẩu công nghệ của nước ngoài để tránh những rủi ro, hiệu quả và nhanh chóng hơn”. Đồng tình quan điểm này, Viện trưởng Khoa học nông nghiệp Nguyễn Văn Bộ đề nghị Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ cho các tham tán khoa học tìm hiểu, đưa về nước các tiến bộ KHCN để tránh trùng lắp với nghiên cứu trong nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng cho rằng, nước ta đi sau, cần phải biết đứng trên vai người khổng lồ, không nên mò mẫm những cái thế giới đã làm. Trên nền tảng KHCN nhập khẩu sẽ cải tiến để phù hợp với tình hình trong nước. Về chuyện nông dân làm máy bay, tàu ngầm, ông Quân cho là đáng khâm phục. Tuy nhiên, máy bay có thể bay, tàu ngầm có thể lặn nhưng khó có khả năng áp dụng trong thực tế. Ông Quân cho rằng, cần hướng dẫn nông dân thực hiện những vấn đề có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
SỸ LỰC (TPO)

Bình luận (0)