Đốt rơm để chuẩn bị cho mùa sau |
Cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số, Đông Anh đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đất nông nghiệp phần nhiều được thay bằng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chung cư. Nhiều người nông dân thời nửa quê nửa phố ấy dù ít, dù nhiều vẫn đang cố gắng bám trụ lấy ruộng lấy vườn để mưu sinh.
1.Đã lập thu mà Hà Nội xem chừng vẫn nắng quá. Chạy xe cái nóng hầm hập bốc lên tận mặt. Trên những cung đường ngoại ô, gặp màu vàng ươm còn rực rỡ hơn cả nắng thu, cái màu của lúa mới, của rạ rơm, của đồng ruộng, màu của tuổi thơ lam lũ. Thế nên cứ phải xắn quần móng heo, lăn lóc cùng rạ rơm mới thấy Hà Nội không chỉ có ánh đèn vàng rực rỡ, xanh đỏ, những tòa cao ốc với cộ xe nườm nượp. Hà Nội còn là cả những gam màu dân dã ruộng đồng.
Bên kia cầu Nhật Tân, tính ra, cách bờ hồ chừng 15 cây số, là con đường đến Sân bay quốc tế Nội Bài. Vậy mà bao đời nay vẫn cứ là vùng thâm canh lúa má, ruộng vườn ao cá, chăn heo nuôi gà, cung cấp thực phẩm sạch cho cả Hà Nội, mặc cơn lốc đô thị hóa đang ầm ào chen lấn.
Tháng 8 âm đã bước vào vụ thu hoạch hè thu. Trên những thửa ruộng ít ỏi còn sót lại, người nông dân hối hả gặt lúa cho kịp chín. Ven cầu Nhật Tân, khu đường Sáu cây, lúa cười gật gù dưới nắng. Lác đác những thửa bỏ hoang, cỏ mọc ngút chân, những thửa trồng cau vua cao chót vót.
Mùa thu hoạch lúa tháng 7 ở H.Đông Anh, Hà Nội |
Ông Nguyễn Văn Bổn đã 67 tuổi (xã Cổ Điển, huyện Đông Anh), dưới cái nắng chiều thu hanh hao, vẫn cần mẫn hối hả gặt chạy nắng, lưng áo mồ hôi rịn cả một vùng. Vụ này nhà ông cấy 3 sào ruộng, trồng toàn thứ lúa PC, loại hạt dài và dẻo. Ông giải thích, thứ lúa này được hạt mà lại dẻo thơm, nhiều người ăn, bán còn được giá. Ước chừng, mỗi sào cũng được trên dưới 2 tạ rưỡi lúa, theo ông nói thì như thế là được mùa rồi.
Với giá bán hiện nay khoảng 3.200 đồng/kg, tính ra người nông dân cũng chỉ thu về chưa được 1 triệu đồng/sào ruộng. So với tất tần tật các chi phí để làm ra hạt lúa thì thu nhập đó chẳng thấm tháp vào đâu. “Nào tiền phân tro, tiền thuốc diệt sâu bọ, tiền giống má, tiền thuế, chưa kể tiền thuê nhân công… mỗi sào ruộng chẳng lời lãi gì mà quần quật suốt ngày”.
Người đàn ông đã quá dốc cuộc đời, gạt vệt mồ hôi khóe mắt trầm ngâm lý giải, lẽ nào sinh ra trên đất nông nghiệp mà lại phải bỏ tiền đong gạo về ăn. Trồng lúa trước hết là để có hạt cơm vào bụng, sau mới tính đến chuyện dư ra mà bán.
Hai người con trai của ông đều đã lập gia đình. Vợ ông ngày ngày chạy chợ bán rau trong thửa ruộng rau xanh của nhà. “Con cái thì cả vợ cả chồng đều ra khu công nghiệp làm hết, chẳng đứa nào thiết tha ruộng đồng. Chúng nó kêu, cực mà chẳng đủ ăn. Chắc hết đời già này thì ruộng vườn bỏ không thôi”.
Cái tâm sự buồn như tiếng thở dài của ông Bổn có lẽ là tiếng lòng chung của rất nhiều người dân còn nặng lòng với ruộng đồng rơm rạ ở vùng ven đô này.
2. Hiếm hoi lắm mới có người trẻ quyết tâm làm giàu bằng những thước đất bờ sôi ruộng mật. Anh Nguyễn Thành Công (xã Hải Bối), mới 27 tuổi, tốt nghiệp CĐ Điện lực, không chọn con đường ra khu công nghiệp làm như chúng bạn, anh mạnh dạn thuê lại hơn mười mẫu ruộng của những hộ bỏ hoang để trồng trọt. Mùa nào thứ đó, anh mày mò trồng đủ thứ, nào ớt, nào mía, nào bí ngô, cả ổi, chuối, ngô, khoai…
“Chi phí bỏ ra cao, tiền thuê đất mỗi vụ vài trăm ngàn đồng/sào, tiền giống má, phân do tưới tiêu bỏ ra, tiền thuê nhân công chăm sóc rồi thu hoạch. Tính ra mỗi vụ cũng mất ngót trăm triệu nhưng thu về chưa được bao. Vì mình chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, chủ yếu là bán nhỏ lẻ cho các lái buôn. Thời tiết không phải lúc nào cũng chiều lòng người, nhiều vụ ngô bỏ trắng, không có hạt. Bí ngô được mùa thì không được giá, có vụ cho không không ai lấy”. Giọng người thanh niên trẻ nghèn nghẹn khi nói về công việc của mình.
Cái chòi cất tạm của anh giữa khu đồng mênh mông lúc nào cũng xào xạc gió. Người thanh niên ấy sáng tối đều ríu rít với từng gốc ngô, gốc chuối…, bận bịu đến không có thời gian để nghĩ đến chuyện vợ con. “Bố mẹ mình hay phàn nàn, mày yêu ngô sắn còn hơn cả vợ. Thực lòng mình không biết có cô gái nào chịu gắn bó cùng mình với đồng ruộng không nữa” – anh Công trầm ngâm.
3. Ruộng nhà anh Trần Thành Hiếu (50 tuổi, xã Vân Nội) nằm ven con mương nhỏ. Tôi gặp anh khi trời đã nhá nhem tối, gà trong xóm đã chuẩn bị lên chuồng. Anh Hiếu đang lụi cụi bên đống rơm cháy nỏ. Nhà anh trồng hơn 3 sào ruộng, đã gặt được phân nửa. Gặt được đến đâu thì phụt lúa đến đó, thành thử rơm rạ phơi khô và đốt hết ở ngoài đồng.
Người đàn ông quê lam lũ vừa lụi cụi bên đống tro rơm rạ vừa kể “Nhà có 5 miệng ăn mà chỉ trông vào có mấy sào ruộng. Vợ thì nay ốm mai đau, chỉ chạy chợ với mớ rau, con cá, 3 đứa nhỏ, đứa lớn mới hơn chục tuổi đầu. Tôi không được mạnh khỏe như người ta để đi làm thuê, làm mướn đành phải nhờ cậy hết vào mấy sào ruộng”.
|
Sáng nay, anh ra đồng sớm lắm. Hết vụ gặt này, là anh lại chuyển sang làm rau sạch để phục vụ tết nhất. Trước mỗi vụ canh nông, anh đều phải đi vay nóng vài triệu với lãi suất cao để lo tiền phân tro, giống má, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, trừ chuột bọ… Khi nào gặt hái xong xuôi, bán lúa đi thì trả tiền.
Trời về tối, gió từ cánh đồng ùa vào mát rượi. Vạt lưng áo anh Hiếu loang lổ bạc phếch tựa như những làn khói rơm rạ đang bay ngút về phía chân trời. Anh nói, con trai anh ngoan và học giỏi lắm, năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi. Anh nói, sau này anh sẽ chẳng để con trai anh làm nông đâu, sẽ làm thầy giáo, sẽ làm bác sĩ chứ chẳng như ba nó, ngày ngày lam lũ. Khuôn mặt người đàn ông khắc khổ, lấm tấm những vệt bùn khô đọng lại và cả những nếp nhăn xô nhau như nếp gấp cuộc đời cứ giãn ra rạng ngời khi nói về những điều đó.
Gió ven sông Hồng thao thiết thổi, tiếng sà lan chở cát, đá hụ còi ầm ào chạy. Những hạt thóc đựng đầy trong mấy bao tải, bên ngọn lửa bập bùng như mỉm cười với người nông dân chân lấm. Tôi giúp anh bưng từng tải thóc lên xe cải tiến, chở cả mùa vụ về nhà.
Người nông dân trên mảnh đất ven đô này, ít nhiều đã bị cơn lốc đô thị hóa cuốn đến một vùng đất mới, mà những cây lúa, cây ngô chỉ còn lại trong kí ức. Những anh Công, anh Hiếu kia rồi cũng sẽ có ngày chẳng còn ruộng đồng mà bấu víu.
Yến Hoa
Bình luận (0)