Tác hại của phân bón dỏm là vô cùng nghiêm trọng nhưng cho đến nay công tác kiểm soát mặt hàng này vẫn còn rất lỏng lẻo.
Phân bón nhập khẩu tại bến Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM Ảnh: Hồng Thúy
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN – PTNT), tình hình sản xuất kinh doanh phân bón đang hết sức phức tạp. Hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mặt hàng này với khoảng 5.000 sản phẩm. Việc kiểm tra, kiểm soát còn hết sức lỏng lẻo nên hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.
Gần 50% phân bón kém chất lượng
Theo các nhà chuyên môn, nông dân thường đang phải mua phân bón ở mức từ 30%- 50% trên tổng chi phí sản xuất nhằm tăng năng suất từ 35%- 45%. Tuy nhiên, do phân bón dỏm tràn lan nên nhiều hộ nông dân đã mua phải phân kém chất lượng dẫn đến năng suất thấp, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng trong nhiều năm liền.
Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng của 31 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã xây dựng kế hoạch, lập đoàn kiểm tra cũng như lấy mẫu các loại phân bón để phân tích chất lượng. Theo báo cáo tại hội nghị “Sơ kết công tác thanh tra, kiểm tra phân bón năm 2009 và một số giải pháp năm 2010 cho các tỉnh Nam Bộ” vừa được Cục Trồng trọt tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), hiện 17 tỉnh, thành có kết quả kiểm tra với 859 mẫu, trong đó có 419 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 48,78%).
Những mẫu không đạt này có thành phần dinh dưỡng quá thấp, thậm chí nhiều mẫu có từ 3- 4 thành phần dinh dưỡng không đạt, nhiều mẫu có thành phần dinh dưỡng (đạm, lân, kali, hữu cơ) chỉ bằng 40% – 50% so với công bố.
Những mẫu không đạt này có thành phần dinh dưỡng quá thấp, thậm chí nhiều mẫu có từ 3- 4 thành phần dinh dưỡng không đạt, nhiều mẫu có thành phần dinh dưỡng (đạm, lân, kali, hữu cơ) chỉ bằng 40% – 50% so với công bố.
Tại khu vực tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng đã lấy tổng cộng 195 mẫu phân bón các loại để kiểm tra thì có đến 97 mẫu chất lượng kém. Kế đến là Long An với 136 mẫu thì có 89 mẫu không đạt. Tương tự, tỉ lệ các mẫu không đạt chất lượng ở các địa phương khác là: Bến Tre (31/70 mẫu), An Giang (22/47 mẫu), Trà Vinh (26/58 mẫu), Bình Phước (21/40 mẫu), Tiền Giang (25/38 mẫu), Vĩnh Long (12/44 mẫu)…
Ông Nguyễn Văn Hinh, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT An Giang, bức xúc: Gần đây xuất hiện tình trạng DN nhập khẩu phân bón kém chất lượng, không có trong danh mục cho phép về bán khá nhiều trên thị trường. Khi bị kiểm tra, xử lý thì họ bỏ trốn. Còn tại Bến Tre, lực lượng kiểm tra đã phát hiện nhiều loại phân bón kém chất lượng nhưng khi truy nguồn gốc theo địa chỉ ghi trên bao bì thì không có thật. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cũng cho biết nhiều DN sản xuất phân bón còn cố tình ghi nhãn sai về công dụng để lừa người mua như phân bón thông thường nhưng lại ghi trên bao bì là “dùng để trị bệnh cho lúa; kháng, chống, loại trừ bệnh vàng lùn, xoắn lá, đạo ôn, đốm vằn, thối nhũng…”.
Ba bộ quản lý vẫn… lỏng
Theo phân tích từ Cục Trồng trọt, sở dĩ phân bón kém chất lượng ngày càng lộng hành là do công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý ở các địa phương chưa nghiêm; các văn bản pháp quy chuyên ngành chưa được phổ biến; các quy định xử lý vi phạm không đủ sức răn đe… nên hầu hết các DN vi phạm chấp nhận nộp phạt và tiếp tục sản xuất hàng kém chất lượng mà không có biện pháp xử lý đến nơi đến chốn. Chưa kể các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, công thương có cách xử lý khác nhau, không thống nhất.
Hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều ý kiến cho rằng: Chất lượng phân bón quá thấp chẳng khác nào phân bón giả. Do đó cần có văn bản quy định phân bón kém chất lượng đến bao nhiêu phần trăm thì được xem là hàng giả và xử lý như tội sản xuất hàng giả. Hiện nay cũng chưa có tổ chức nào thực hiện việc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm phân bón nên DN sản xuất cũng không “thèm” công bố và cơ quan chức năng cũng không làm gì được… Nghị định số 15/2010-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đã có hiệu lực thi hành từ ngày 14- 4- 2010.
Theo đó, các hành vi vi phạm về sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tiền từ 40 triệu – 150 triệu đồng; sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón không bảo đảm chất lượng phạt từ 20 triệu- 100 triệu đồng… Tuy nhiên, nghị định này cũng chưa đồng bộ, cụ thể. Cần phải phân biệt rõ ràng như thế nào là hàng giả, hàng kém chất lượng để có mức xử phạt thích đáng…
Ông Phạm Hoài An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, bức xúc: Mặt hàng phân bón hiện nay có quá nhiều đầu mối quản lý nên không chặt. Bộ Công Thương quản lý phân vô cơ, Bộ NN-PTNT quản lý phân hữu cơ, còn Bộ Khoa học và Công nghệ thì quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chuyển giao công nghệ.
Chất lượng phân bón quá thấp chẳng khác nào phân bón giả. Do đó cần có văn bản quy định phân bón kém chất lượng đến bao nhiêu phần trăm thì được xem là hàng giả và xử lý như tội sản xuất hàng giả. |
Theo Long Giang
NLĐ
Bình luận (0)