Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lạm phát, có nên tăng gấp đôi mức đóng BHYT?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

ĐBQH kiến nghị chỉ tập trung cho nông dân làm nông - lâm - ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Ảnh: Lê Anh DũngGóp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sáng 21/10, nhiều ĐBQH vẫn chưa nhất quán về mức hỗ trợ cho nông dân tham gia BHYT, mức tăng phí và biện pháp tránh thâm hụt quỹ…

Nên hỗ trợ nông dân 30-70%

Chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh nói: “Cái khó nhất, vất vả nhất vẫn là BHYT với nông dân”.

Theo quy định của dự thảo luật, nếu người nông dân tham gia BHYT với mức đóng tối đa bằng 6% mức lương tối thiểu (hiện tương đương 350 nghìn đồng/năm/người) thì đây là mức đóng khá cao so với thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, nhiều năm thực hiện thí điểm, dù ngân sách đã hỗ trợ cho người nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi… song vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa có cơ hội tham gia.

Ủy viên UB các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi kiến nghị nên hỗ trợ tiếp nông dân ở mức 30-70% mệnh giá thay vì chỉ nói chung chung “hỗ trợ một phần”.

Theo ĐB Võ Thị Dễ (Long An), hằng năm sẽ phân kỳ cho một tỷ lệ nhất định những nhóm đối tượng này tham gia BHYT, sao cho đến 2014 đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

Bà Dễ cho biết, năm 2007, khi thực hiện dự án BHYT cho hộ cận nghèo tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tuy mức hỗ trợ lên tới  80% mệnh giá nhưng nhiều nơi, số hộ tham gia chỉ đạt 10-20%. Bộ Y tế từng đề ra mục tiêu năm 2009 nếu có được 30-40% người cận nghèo mua BHYT đã là đáng mừng.

“Nhiều khi có kinh phí đấy nhưng chưa chắc người ta đã tham gia. Với thực tế này, nếu năm 2014 mới bắt đầu hỗ trợ cho nông dân thì có thể đến năm 2016, 2017 mới có thể đạt được mục tiêu. Do đó nên hỗ trợ sớm hơn”, bà Dễ đề xuất.

Cân nhắc lộ trình

Về quy định bệnh nhân phải cùng chi trả các mức 0%, 5%, 20% phí nhằm giám sát chặt chẽ mức chi từ quỹ bảo hiểm, đa số ĐB ủng hộ nhưng kiến nghị cân nhắc lộ trình.

ĐB Bùi Sĩ Lợi nói, từ những năm 1990, khi BHYT mới được triển khai, Nhà nước đã thực hiện việc cùng chi trả. Do áp dụng các công cụ quản lý nên hiện tượng lạm dụng và thâm hụt quỹ không xảy ra. “Chỉ có điều không nên cùng chi trả trong việc khám, chữa bệnh tại tuyến y tế của xã, phường và thị trấn cũng như cần quy định một chi phí tối thiểu cho mỗi lần bệnh nhân đi khám bệnh”.

Cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm kiểm soát mức chi khám, chữa bệnh và cũng là biện pháp ngăn chặn, hạn chế việc lạm dụng, ông Bá Thanh Kia (Phú Yên) nói, nên chia thành 2 mức: 0% và 20%.

ĐB này kiến nghị chuyển các đối tượng dự thảo thu 5%, tức là nhóm đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và những người có thời gian cống hiến cho đất nước cùng chung nhóm với đối tượng được hưởng 100% chi phí vì đây hầu hết là những người đã lớn tuổi, thu nhập thấp, khó khăn về kinh tế.

Xung quanh đề xuất tăng mức đóng BHYT lên tối đa 6% lương, ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) tỏ ra phân vân vì “3% như trước đây mà nhiều DN còn chưa đảm bảo thì tăng lên 6% trong thời buổi kinh tế suy thoái thật sự là bài toán khó”.

Những góp ý này sẽ được ban soạn thảo tiếp thu để báo cáo QH trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 14/11.

Lê Nhung (Theo VNN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)