Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Lạm phát” kỷ lục về thư pháp Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Bức thư pháp dài nhất Việt Nam được xác lập “kỷ lục”. Ảnh: N.H
Kỷ lục là một hiện tượng, một sự kiện, một hiện vật, một kỳ tích hay một kỳ công, có tính duy nhất, đầu tiên hay vượt qua những cái đã được thực hiện trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất khó xác lập một kỷ lục theo đúng nghĩa. Nhưng thời gian qua, đã lạm phát một số “kỷ lục” do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings công bố xác lập, nhất là ở bộ môn thư pháp chữ Việt thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Đừng quá dễ dãi…
Thư pháp chữ Việt thực sự đã trở thành một thú chơi tao nhã, một “hiện tượng văn hóa” và có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội. Theo đó, việc xác lập những kỷ lục có liên quan là điều hoàn toàn hợp lý, thể hiện được truyền thống “yêu chữ, kính chữ”, cũng như khẳng định nét tài hoa, sức sáng tạo của các nghệ nhân thư pháp và cổ vũ cho phong trào thư pháp. Những kỷ lục ban đầu được xác lập ở thư pháp Việt như: “Truyện Kiều” sách độc bản lớn nhất được viết bằng thư pháp của tác giả Nguyệt Đình hay tác phẩm “Nhật ký trong tù” lớn nhất được viết bằng thư pháp Việt của Trần Quốc Ẩn… hoàn toàn xứng đáng. Nó thật sự mang lại những chiều hướng tích cực bởi sự công phu, sự kỹ lưỡng, trau chuốt từ nét bút tài hoa, từ lòng trân trọng, thiêng liêng của tác giả gửi gắm vào từng con chữ tác phẩm. Nhưng càng về sau, ở lĩnh vực này dường như bị “đuối” dần, bởi việc công nhận “kỷ lục” chỉ dựa vào hình thức “lớn, dài, dày, nặng, lạ…”. Vì vậy, có thể nói rằng bất kỳ ai cầm bút lông viết và mua giấy là có thể được xác lập kỷ lục. Theo đó, kỷ lục về thư pháp Việt luôn được xác lập một cách dễ dàng, chủ quan và cảm tính như: Kỷ lục về Viết thư pháp “Truyện Kiều” trên các viên đá cuội; Kỷ lục Bản “Tuyên ngôn độc lập” lớn nhất Việt Nam; Kỷ lục Bức thư pháp dài nhất Việt Nam, Kỷ lục Kỷ lục bộ kinh pháp cú được nhiều nhà thư pháp viết… Điều đáng buồn, ở những tác phẩm đáng trân trọng và thiêng liêng này, không phải tùy tiện “múa bút” như thế nào cũng được, mà cần suy tính từ chất liệu thể hiện, lòng tôn kính, đến độ rung cảm của người cầm bút, từ việc hiểu sâu về tác phẩm đến việc “tạo hồn” cho từng con chữ, thì các nghệ nhân lại chú trọng vào số lượng và độ lớn của tác phẩm. Một nhà thư pháp gia lâu năm rất có lý khi ông cho rằng, người nghệ nhân chỉ cần viết một chữ “Kiều” mà chữ Kiều đó toát lên được tinh thần của Nguyễn Du hoặc phản ánh được nội dung của tác phẩm vĩ đại này thì xứng đáng là kỷ lục, vì mang tính duy nhất và tư tưởng. Còn Truyện Kiều dày, nặng, lớn… theo hình thức “lấy thịt đè người” mà cũng được xác lập “kỷ lục” thì nên xem lại. Thậm chí, có “kỷ lục” mới đây nhất còn cho thấy, chẳng những người lập kỷ lục không thể hiện sức lao động, sự sáng tạo nghệ thuật để cho ra các tác phẩm “lớn, to, dày, nặng” như những người trước mà vẫn được xác lập kỷ lục theo “công việc làm ăn”, đó là “kỷ lục” “Người phát hành tranh thư pháp vẽ tay nhiều nhất” cho tác giả L.T.H. Kỷ lục này, đúng là “có vấn đề”. Bởi lẽ, không ai viết thư pháp mà không viết bằng tay, thứ hai, với quan niệm này, chắc nửa số dân người Việt đều đạt kỷ lục vì ngành nghề nào mà không cần sự “phát hành” hay tiêu thụ. Và do đó, việc công nhận những kỷ lục này nhằm để làm gì? Chắc chắn đó không phải là sự thành kính về nghệ thuật, hay thành tích ghê gớm mà đơn giản chỉ là chiêu tiếp thị của các doanh nghiệp và sự muốn nổi tiếng sớm của cá nhân. Không phải ngẫu nhiên, người xưa có câu: “Giấy một núi, mực một ao, bút một rừng, nhẫn ngàn chữ” để nói lên quá trình rèn luyện công phu của một bộ môn nghệ thuật tao nhã này. Vì vậy, không thể một sớm, một chiều có thể trở thành một thư pháp gia, lại càng không thể trở thành một kỷ lục gia về thư pháp một cách dễ dàng.
Nguy cơ trở thành “kỷ lục gia ảo”
Tôi rất tâm đắc với nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Đức Nhuận cho rằng: “Khi con người đã đạt đến “độ chín” nhất định về năng lực (tài năng) hãy nên nghĩ tới lập kỷ lục. Nếu năng lực còn “xanh” thì sự ráng sức lập kỷ lục chỉ làm cho chút ít tài năng nhanh bị “thui chột” mà thôi! Và như vậy, khó có thể vươn tới những đỉnh cao trong nghệ thuật”. Mặt khác, trong khi trình độ thể hiện thư pháp chữ Việt còn non trẻ mà đã khuyến khích việc lập kỷ lục là một điều không hay. Việc này giống như khuyến khích việc “lấy lượng bù chất”, không giúp người trẻ tích cực trau dồi trình độ và còn nguy hiểm hơn là khiến “kỷ lục gia” ảo tưởng về tài năng của mình. Đây là việc nhỏ nhưng tác động rất lớn đối với giới trẻ, họ chạy theo “giá trị ảo”, thay vì phải ra sức rèn luyện cho nét chữ mình thuần phục, điêu luyện thì họ lại muốn nhanh chóng nổi tiếng bằng mọi cách có kỷ lục, bất chấp gọi tên nó là gì. Tất nhiên, không thể phủ nhận những kỷ lục xứng đáng, mang nhiều ý nghĩa, có sự đầu tư, tâm huyết của các tác giả. Nhưng những kỷ lục về thư pháp Việt gần đây càng cho thấy sự dễ dãi và “gượng ép”. Sự xác lập “kỷ lục” theo kiểu này, vô hình trung sẽ tiếp tay cho việc “sính bằng cấp, trọng hình thức, bệnh thành tích” vốn là căn bệnh trầm kha lại càng thêm nặng. Đừng để các khái niệm tốt đẹp như: “kỷ lục”, “từ thiện”… lại bị lợi dụng khiến khi nghe đến người ta lại có cái nhìn ngược lại theo kiểu: từ thiện là “từ” bỏ cái “thiện”, khiến cho các tài năng thực sự đã từng được xác lập kỷ lục lại bị ảnh hưởng hay đánh đồng với những “tài năng ảo”, và khiến cho nhiều người muốn đăng ký kỷ lục thật sự cũng phải e dè, đắn đo bởi từ “kỷ lục” đôi khi đồng nghĩa với những điều ngược lại.
ThS. Nguyễn hiếu Tín

Việc xác lập kỷ lục một cách cảm tính, chủ quan và dễ dãi này, không chỉ gây nhiều tác động không hay cho chính bản thân tác giả mà còn có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thư pháp chữ Việt nói chung. Bởi lẽ, rất dễ dẫn đến việc ngộ nhận về tài năng của mình, nhất là giới trẻ.

 

Bình luận (0)