Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12-4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 8,4% mà các nhà kinh tế dự báo và là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981.
Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, CPI lõi tháng vừa qua tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,3% so với tháng trước đó, thấp hơn mức 0,5% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Ông Andrew Hunter, chuyên gia cao cấp về kinh tế Mỹ tại Capital Economics, cho rằng: "Thông tin quan trọng trong báo cáo tháng 3 là áp lực lạm phát lõi cuối cùng đã có vẻ chững lại". Ông Hunter nhận định mức tăng trong tháng 3 "đánh dấu mức đỉnh" của lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Reuters
Bà Lael Brainard, thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cho rằng việc CPI lõi tăng chậm lại là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn nghiên cứu tài chính Pantheon Macroeconomics, nhận định: "Nhìn chung, báo cáo này rất đáng khích lệ mặc dù còn quá sớm để chắc chắn rằng các báo cáo về CPI lõi các tháng tiếp theo sẽ giảm. Chúng tôi tin rằng chúng sẽ giảm nhưng tốc độ giảm mới là điều quan trọng".
Giá vàng tăng trở lại sau báo cáo lạm phát. Ảnh: Reuters
Phản ứng trước báo cáo lạm phát cao kỷ lục kể từ năm 1981, các chỉ số quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc. Chỉ số S&P 500 giảm 0,34% xuống 4.397,45 điểm và Nasdaq Composite giảm 0,30% xuống 13.371,57 điểm trong phiên giao dịch hôm 12-4. Chỉ số Dow Jones giảm 0,26% xuống 34.220,36 điểm khi kết phiên cùng ngày.
Giới đầu tư lo ngại số liệu lạm phát cao trong tháng 3 sẽ thúc đẩy FED thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Trước đó, FED đã tăng lãi suất tại cuộc họp trong tháng 3 và dự kiến còn tăng nhiều lần nữa trong năm 2022. Giáo sư về tài chính Jeremy Siegel tại Trường Wharton nhận định với đài CNBC lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong "nhiều tháng tới".
Trong khi đó, sự bất ổn trên thị trường dầu tiếp tục diễn ra hôm 12-4, với giá dầu thô tăng vọt trên 100 USD/thùng do lo ngại về việc đứt nguồn cung từ Nga và trước dấu hiệu Trung Quốc nới lỏng lệnh phong toả phòng dịch Covid-19. Giá vàng thế giới cũng có lúc chạm mốc 1.978 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm 12-4.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)