Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lạm phát tháng 5 “gặp may” ở nửa cuối

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khá sớm so với mọi khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2011 được nhiều chuyên gia tự tin đưa dự báo ở biên độ hẹp.

Gần đây, các chuyên gia đều cho rằng CPI tháng này sẽ tăng trong khoảng 2-2,5% so với tháng trước.

Sau khi Hà Nội và TP.HCM công bố con số lạm phát tháng 5 của mình, có vẻ như những tuyên bố như trên đang được ủng hộ.

Lý do khiến các chuyên gia khá chắc tay khi đưa dự báo lạm phát tháng này khá đơn giản, ở chặng nửa cuối của kỳ chốt giá CPI tháng 5, thị trường đang đón những thông tin tích cực liên quan đến việc thay đổi xu hướng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, từ gia tốc cao liên tục chuyển sang tăng chậm dần, một số khác thì xuất hiện xu hướng giảm.
Giá một số loại rau củ tươi đang giảm dần.
Với mặt hàng lúa gạo, tình hình giáp hạt tại phía Bắc khiến nguồn cung suy giảm, hay doanh nghiệp tăng thu mua đẩy giá gạo ở phía Nam, chỉ “căng” ở nửa cuối tháng 4 và sang đến đầu tháng 5 đã hạ nhiệt dần.
Theo nhìn nhận của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 5, vẫn còn những điều chỉnh nhẹ giá lúa gạo tại phía Nam, nhưng do nhu cầu gạo thế giới thấp trong khi nguồn cung khá lớn, dự báo giá gạo thế giới và giá thóc, gạo trong nước tiếp tục ổn định và có khả năng giảm nhẹ trong thời gian tới.
Một “tin vui” khác là mặt bằng giá của một số loại thực phẩm quan trọng, chiếm quyền số cao trong rổ hàng hóa tính CPI đang đứng giá, thậm chí là giảm dần.
So với nửa đầu tháng 4, giá các loại thịt, hải sản trong nửa đầu tháng 5 nhìn chung tương đối ổn định, trong khi giá một số loại rau củ tươi giảm.
“Từ nay đến cuối tháng, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng giảm do nguồn cung tăng lên (đặc biệt là các mặt hàng rau, củ quả) và nhu cầu tương đối ổn định”, Cục Quản lý giá dự báo.
Mặt hàng xăng dầu đã liên tục gây sức ép lên chỉ số giá mấy tháng gần đây, nay đang trong giai đoạn ổn định khá dài kể từ lần điều chỉnh trước vào ngày 29/3. Thông tin hỗ trợ từ giá xăng dầu thế giới đang theo chiều hướng thuận lợi.
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 5, giá xăng dầu thế giới giảm so với những phiên tháng 4/2011, tuy vẫn dao động ở mức cao. Nếu tính bình quân 11 ngày đầu tháng 5 so với bình quân tháng 4, trừ mặt hàng xăng tăng nhẹ (0,77%), các chủng loại xăng dầu khác đều giảm, Cục Quản lý giá cho hay.
Cũng như xăng dầu, việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1/3 đã giảm dần mức ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này. Trong khi đó, giá phôi thép trên thế giới cũng đang giảm nhẹ, tạo điều kiện cho thị trường trong nước ổn định mặt bằng giá bán lẻ…
Nhìn về phía trước, với nhiều mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng đang dần giảm tốc độ tăng giá, thậm chí giảm giá, CPI các tháng tới đang đứng trước khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Tuy nhiên, vẫn còn những nhân tố có thể phá vỡ xu hướng tích cực này.
Trong đó, đáng kể là giá xăng dầu thế giới được nhận định chỉ giảm trong ngắn hạn; khí hóa lỏng LPG tiếp tục tăng dù châu Âu đã bước vào mùa hè và giảm tiêu thụ; phân u rê cũng chưa dừng đà tăng, tiếp tục tác động đến giá thành chăn nuôi; giá điện được phép điều chỉnh tiếp…
Những diễn biến đáng chú ý khác gần đây trên thị trường tiền tệ cũng có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường thời gian tới. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã mua vào khoảng 1 tỷ USD từ cuối tháng 4, đẩy một lượng tiền khá lớn đến trên 20 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Trước đó, các con số về tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng cho thấy xu hường giảm tiền gửi với tín dụng cho vay tiếp tục gia tăng. Lãi suất cao, tăng lương cơ bản, chi phí vận tải tiếp tục được điều chỉnh… đều là những lực cản cho xu hướng tích cực của chỉ số giá đang hình thành.
Nguồn VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)