Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làm phim cho giới trẻ sao cho… trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Với phim cho giới trẻ, để tìm được câu chuyện phù hợp cùng cách dẫn dắt dí dỏm, không giáo điều, cũng như phải có những câu thoại đúng lứa tuổi là việc không dễ.

Bộ phim truyền hình Lối nhỏ vào đời (phát trên kênh VTV1) vừa khép lại, bộ phim Gara hạnh phúc chuẩn bị lên sóng VTV3 từ ngày 8.8. Hai phim đều có nhân vật chính và nội dung về những người trẻ.

“Núp lùm” trên mạng

Theo đạo diễn Bùi Quốc Việt, khi làm phim Gara hạnh phúc, ở mỗi cảnh, anh thường ngồi lại với diễn viên, chạy từng câu thoại, từng tình huống, rồi làm việc với DOP (giám đốc hình ảnh). Anh thừa nhận, việc đưa những yếu tố trẻ trung, tươi mới vào là thách thức cho đạo diễn và nhóm làm kịch bản của phim. Kịch bản Gara hạnh phúc được nhóm tác giả và biên tập “cứng nghề” thực hiện. Biên kịch Huyền Lê nói: “Để viết được kịch bản phim về đời sống của giới trẻ, tôi đã dành nhiều thời gian theo dõi và tiếp xúc với những bạn trẻ. Việc tiếp xúc và chơi với các bạn trẻ là cách nhanh nhất để “thâm nhập” và thấu hiểu thị hiếu hay cả quan điểm của họ. Tôi cũng thường “núp lùm” trên những trang mạng, hay những diễn đàn của giới trẻ, đọc câu chuyện của họ, chú ý đến ngôn ngữ của họ, những xu hướng mới mà họ đang theo… Tôi thích đọc những dòng bình luận họ để lại trong mỗi câu chuyện, mỗi một bình luận thể hiện một cách nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề. Chưa kể, ngôn ngữ các bạn trẻ sử dụng, cách các bạn tư duy luôn khiến tôi thấy thú vị và thu hút”.

Làm phim cho giới trẻ sao cho... trẻ - ảnh 1

Hình ảnh trong phim Lối nhỏ vào đời. VFC

Biên kịch Huyền Lê cho hay người “toan về già” như chị viết kịch bản phim cho giới trẻ không phải không có sự “va đập” giữa hệ tư tưởng của mình và của người trẻ. “Việc cố gắng để cân bằng tư duy và “sống” cùng kịch bản, sống trong không khí của giới trẻ, có mạnh dạn, có nông nổi, có sai lầm và thừa tự tin để đi tiếp, với tôi vừa là thách thức nhưng cũng vừa khiến tôi cảm thấy bị thu hút”, chị chia sẻ. Về phần mình, đạo diễn 9X Lê Đỗ Ngọc Linh (đồng đạo diễn cùng Nguyễn Đức Hiếu phim Lối nhỏ vào đời và 11 tháng 5 ngày) cho rằng những đạo diễn ở lứa tuổi như anh có lợi thế là gần với những người trẻ.

“Gần ở việc khi đi gặp gỡ các bạn trẻ để trao đổi về cuộc sống của các bạn thì chúng tôi dễ dàng tiếp nhận và hiểu được tư duy, lối sống, cách nhìn nhận của họ hơn. Từ đó, chúng tôi bàn bạc với các biên kịch, biên tập để tìm cách khai thác và đưa những gì gần với thực tế vào phim một cách dung hòa nhất để khán giả trẻ khi xem có thể cảm thấy mình trong đó, còn khán giả thuộc các thế hệ khác cũng không bị quá dị ứng”. Theo đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh, khi làm phim về giới trẻ, anh chú ý đến những thú vui, cách giải trí của họ. “Tôi sinh hoạt với các bạn trẻ trong một câu lạc bộ thể thao nên nắm được thị hiếu của các bạn ấy. Ngoài ra, tôi và ê kíp cũng chủ động chia sẻ với chính người nhà mình hoặc quan sát từ những người con của các anh chị đồng nghiệp để tìm hiểu kỹ hơn. Chẳng hạn, chúng tôi đưa vào phân cảnh ăn mì ở cửa hàng tiện lợi hay thú vui sưu tầm chơi đồ manga, anime của nhân vật Dũng, hoặc thói quen đi đua xe go kart của nhân vật Hoài được khai thác thêm”, anh Linh cho hay.

Làm phim cho giới trẻ sao cho... trẻ - ảnh 2

Hình ảnh trong phim Gara hạnh phúc chuẩn bị lên sóng VTV3

Cởi mở về tư duy

Khi nội dung kịch bản được đánh giá là khá sát với đời sống giới trẻ, theo đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh, vẫn còn cái khó nữa là văn nói khác với văn viết. “Vì vậy từ câu chữ kịch bản được thể hiện ra thành thoại của diễn viên sao cho đời, sao cho “trend” (hợp xu hướng – PV) là cả quá trình và chúng tôi phải làm việc rất kỹ với diễn viên. Trong phim Lối nhỏ vào đời, chúng tôi làm việc với những diễn viên mới như Quỳnh Lương hay lần đầu tham gia dự án phim dài hơi như Tạ Hoàng Long. Điều này vừa là thử thách nhưng cũng có thuận lợi bởi họ dù chưa có nhiều kỹ năng và cũng không có kinh nghiệm để đi chặng đường dài nhưng lại có sức trẻ, có sự tươi mới, thông minh, linh hoạt và quan trọng là tinh thần cầu tiến”, Lê Đỗ Ngọc Linh cho hay. Biên kịch Huyền Lê thì nhìn nhận cách nhanh nhất để làm phim về giới trẻ cho thật trẻ là nên trao cơ hội cho những bạn trẻ tham gia phim. “Cùng thế hệ, cùng một hệ tư tưởng thì việc nắm bắt tâm lý, tư duy… đều thuận lợi. Tuy nhiên, đến bây giờ, những bạn trẻ tham gia cũng rất hiếm hoi, và họ còn cần nhiều kinh nghiệm để thực hiện”, chị nói.

Theo đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh: “Mảng phim cho giới trẻ còn quá nhiều không gian để khai thác, nhưng cần phải được khai thác có đầu tư không chỉ là về kinh phí, mà còn là ở chất xám”. Anh cho rằng việc các bạn trẻ, hay thế hệ gen Z tiếp đón thông tin rất mạnh ở thời đại 4.0, vì thế “chính những người làm phim luôn phải nỗ lực bắt kịp với họ về xu hướng, quan điểm suy nghĩ và những thú vui trong cuộc sống mới có hy vọng làm họ quan tâm, chú ý. Ngoài diễn viên đẹp, cảnh quay đầu tư, nhạc phim hấp dẫn thì nội dung là thứ tiên quyết để mang lại cảm giác muốn xem cho giới trẻ. Họ cần những nội dung văn minh, theo đúng thời đại và thậm chí còn mở mang thêm cho họ những góc nhìn mới mà vốn họ đã tiếp cận rất nhiều”, anh nói và bày tỏ: “Việc đầu tiên khi làm phim trẻ là hãy tự làm mình trẻ hơn, hãy tiếp cận giới trẻ hơn và chấp nhận những quan điểm mang tính thế hệ”.

Trong khi đó, biên kịch Huyền Lê cho rằng: “Điều quan trọng là nhà làm phim phải thật sự cởi mở, cởi mở về mặt tư duy, về quan niệm để nhìn nhận và phản ánh toàn diện hơn về giới trẻ để phản ánh đời sống của họ một cách chân thực nhất”.

Theo Ngọc An/TNO

Bình luận (0)