Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làm sách tiếng Anh cho bạn đọc Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Trước nay, người ta vẫn nghĩ việc chuyển ngữ các tác phẩm trong nước nhằm mục đích chào bán ra nước ngoài là chính. Tuy nhiên, hiện nhiều đơn vị xuất bản lại phát hành sách Việt chuyển ngữ tiếng Anh ngay trong nước.

Nhu cầu thật

Trước khi tác phẩm Mùa hè không tên ra mắt bạn đọc không lâu, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã phát hành 2 tựa sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bằng phiên bản tiếng Anh: Have a good day và Crying in trees, từ hai tác phẩm gốc là Chúc một ngày tốt lành và Ngồi khóc trên cây. Trước đó, NXB Trẻ cũng tổ chức dịch và phát hành 2 tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là I see yellow flowers in the green grass (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) và Ticket to Childhood (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ).

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Anh và phát hành trong nước thời gian qua. Ảnh: NXB TRẺ ảnh 1
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Anh và phát hành trong nước thời gian qua. Ảnh: NXB TRẺ

Bên cạnh tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một số tác phẩm của nhà văn Dương Thụy như Oxford thương yêu, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng, Chờ em đến San Francisco, Búp bê nhỏ xíu và chàng khổng lồ; Nguyễn Ngọc Thuần (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ); Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận)… đã được NXB Trẻ đầu tư dịch và xuất bản bằng tiếng Anh.

Ngoài NXB Trẻ, NXB Kim Đồng cũng có nhiều ấn phẩm xuất bản bằng tiếng Anh như Ba tớ là Runner, Đúng là Tết, Bỏ điện thoại xuống nào! (Bùi Phương Tâm); Chang hoang dã (Trang Nguyễn); Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Ngôi nhà trong cỏ (Lý Lan); Những chữ cái tìm thấy trong căn bếp của mẹ (Tiên Võ – Nguyễn Hoàng Vũ – Trúc Võ)…

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Trẻ, ban đầu đơn vị chỉ dự định dịch một số tác phẩm nổi tiếng sang tiếng Anh để giới thiệu ra thế giới.

“Tuy nhiên, khi phát hành phiên bản tiếng Anh của tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, chúng tôi phát hiện nhu cầu tìm mua tác phẩm của bạn đọc trong nước lại rất cao. Đến nay, chỉ tính riêng bản tiếng Anh của tác phẩm này đã tái bản đến 10 lần, chưa kể các bản tiếng Anh của nhiều tác phẩm khác của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy… cũng bán rất được. Điều này cho thấy nhu cầu đọc những tác phẩm văn học, văn hóa của các tác giả Việt Nam bằng tiếng Anh là có thật và không hề nhỏ”, ông Nguyễn Thành Nam cho biết.

Cơ hội trên sân nhà

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạn đọc Việt lại thích đọc bản tiếng Anh của các tác phẩm văn học trong nước. Một bạn đọc trên trang thuvien.net giải thích lý do tìm đọc bản tiếng Anh của sách văn học Việt: “Thực ra tất cả tác phẩm đó mình đều đã đọc bản tiếng Việt và ban đầu cũng không có ý định đọc bản tiếng Anh làm gì. Nhưng một lần vô tình thấy người bạn đọc cuốn Ticket to Childhood nên mượn đọc thử, ai ngờ phát hiện ra đây là một cách tuyệt vời để học tiếng Anh. Đọc một tác phẩm nguyên gốc tiếng Anh sẽ rất khó, mau chán nhưng nếu đọc bản tiếng Anh tác phẩm mình đã biết, đã cảm thụ thì lại rất dễ hiểu, nhiều chỗ từ tiếng Anh khó mà lại hiểu ngay vì đã biết ngữ cảnh từ trước. Thế là học và nhớ như in cách dùng văn phạm tiếng Anh”.

Ông Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng, nhu cầu học tiếng Anh là một trong những lý do chính khiến dòng sách này lại bán chạy trong nước. “Việc xuất bản sách bằng tiếng Anh như vậy vô tình đã đáp ứng được nhu cầu vừa giải trí vừa học của bạn đọc nên bây giờ số sách bản tiếng Anh bán trong nước còn lớn hơn số mang ra nước ngoài bán”, ông Nam cho biết.

Thực tế thị trường cũng phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của bạn đọc với dòng sách này, như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ phiên bản tiếng Anh sau 10 lần tái bản đã bán được hơn 14.000 bản. Một số tác phẩm khác cũng có lượng phát hành lớn như: Oxford thương yêu (25.000 bản), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (10.500 bản), Nhắm mắt thấy Paris (8.500 bản), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (6.000 bản). Đây là những con số đáng mơ ước của không ít tác giả.

Còn theo chị Nguyễn Thị Chiều Xuân, Giám đốc Lionbooks, đơn vị chuyên làm sách thiếu nhi thuần Việt, các tác phẩm Việt dịch sang tiếng Anh hiện còn có một hướng tiếp cận rất độc đáo là nhắm đến đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi gốc Việt. Việc tiếp xúc với các tác phẩm Việt Nam nhưng thể hiện bằng ngôn ngữ dễ tiếp cận với các em đã góp phần tạo nên những tiếp xúc, hiểu biết ban đầu của các em với mảnh đất quê hương.

Từ những tình cảm, hiểu biết đó dần dần các bạn đọc sẽ tò mò, chủ động tìm hiểu văn hóa, văn học Việt Nam, cội nguồn của các em. Điều này thuận lợi hơn việc tiếp xúc từ đầu với các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt vốn không quen thuộc nhiều với các bạn nhỏ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Chuyển ngữ sách Việt sang tiếng Anh cũng là cách làm hiệu quả để quảng bá và bán bản quyền ra nước ngoài, hay tham dự một số giải thưởng quốc tế. Có thể kể đến trường hợp tác phẩm I see yellow flowers in the green grass, sau khi giới thiệu tại các hội sách quốc tế đã được NXB Hannacroix Creek Books mua tác quyền để xuất bản và phát hành tại Mỹ. Hiện sách cũng có bán trên trang Amazon.

Theo Hồ Sơn/SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)