Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm sao cởi “trói” cho ban đại diện CMHS?: Bài 1: Những công trình thiết thực

Tạp Chí Giáo Dục

 

Bếp ăn hiện đại, khang trang của Trường Mầm non Rạng Đông (Q.6) là một trong nhiều công trình có sự góp sức của ban đại diện CMHS

 

Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) không chỉ hỗ trợ nhà trường về mặt vật chất mà còn cả tinh thần. Nhiều trường đã “gỡ” được khó khăn nhờ tiếng nói của ban đại diện CMHS…
Từ hỗ trợ vật chất và tinh thần
Kinh phí của ban đại diện CMHS (từ sự đóng góp, hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh) được dùng vào mục đích phối hợp với nhà trường nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa… Thực tế cho thấy, những ngôi trường từ chỗ có cơ sở vật chất yếu kém, thiếu trang thiết bị dạy và học nhưng đã “thay da đổi thịt”, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể sư phạm, sự quan tâm của ngành cũng như của địa phương thì không thể không nhắc đến những đóng góp về vật chất cũng như tinh thần từ ban đại diện CMHS.
Những năm học trước, nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình) nhỏ và xuống cấp nghiêm trọng (chỉ có một nhà vệ sinh cho nam và một nhà vệ sinh cho nữ). Đến giờ ra chơi, HS phải xếp hàng chờ đến lượt… vào. Đây là nỗi băn khoăn lớn không chỉ đối với nhà trường mà còn của phụ huynh. Nhà trường không thể cải tạo nâng cấp hoặc xây mới từ nguồn vốn ngân sách ít ỏi của đơn vị. Sau khi tổ chức lấy ý kiến phụ huynh trong trường, nhà trường và ban đại diện CMHS đã thống nhất thu thêm khoản tiền nhỏ để nâng cấp một số hạng mục cần thiết. Ông Bùi Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Sĩ, cho biết trường được xây dựng từ năm 1970, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Với kinh phí ngân sách 200 triệu đồng của quận cấp cho năm học 2011-2012 thì chỉ đủ để thay mái tôn, đóng trần và làm lại đường dây điện. Riêng công trình nâng cấp nhà vệ sinh phải nhờ đến sự hỗ trợ từ ban đại diện CMHS. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban đại diện CMHS Trường Lê Văn Sĩ, chia sẻ: “Trước sự khó khăn của trường, ban đại diện đã cùng với nhà trường bàn bạc, đưa ra hướng tháo gỡ. Sau khi có sự đồng thuận và đóng góp tự nguyện của phụ huynh, ban đã đứng ra cải tạo nhà vệ sinh, lắp bồn tiểu bằng inox, gắn thiết bị vệ sinh tự động xả. Sau khi được đưa vào sử dụng, các em HS rất phấn khởi vì không còn cảnh vào nhà vệ sinh phải bịt mũi, phụ huynh cũng yên tâm. Ngoài việc nâng cấp một số hạng mục công trình cần thiết, ban đại diện CMHS còn phối hợp với nhà trường trao học bổng cho HS nghèo hiếu học. Ngoài ra, ban cũng bỏ tiền thuê nhân viên làm vệ sinh với mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng và hỗ trợ thêm cho bảo mẫu. Cụ thể, trước đây bảo mẫu, cấp dưỡng chỉ nhận được 700 ngàn đồng/ tháng, nay tăng lên 1.100.000 đồng.
Từ sự hỗ trợ gián tiếp vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, ban đại diện CMHS còn hỗ trợ trực tiếp nhà trường bằng các hoạt động ngoại khóa. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) nhìn nhận: “Vai trò của ban đại diện CMHS rất quan trọng đối với nhà trường. Các buổi nói chuyện chuyên đề bổ ích cho HS trong trường đều do ban chủ động thực hiện, báo cáo viên là phụ huynh (nhiều phụ huynh là bác sĩ, chuyên viên tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng…). Khi các trường khác đến tham quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, ban đại diện CMHS cũng tích cực tham gia”.
Đến “gỡ” khó cho nhà trường
Thầy Lê Xuân Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Tần (Q.Tân Bình), cho biết HS của trường phần lớn là con em lao động nhập cư, thu nhập thấp nên sự hỗ trợ từ phía ban đại diện CMHS rất ít. Tuy nhiên sự hỗ trợ tự nguyện của phụ huynh là rất đáng quý. Số tiền ấy được chia nhỏ cho các hoạt động như chăm lo thầy cô giáo nhân dịp lễ tết; bồi dưỡng HS giỏi và sửa chữa một số hạng mục. Đôi khi số tiền đó còn phải trích một phần để sử dụng vào việc hỗ trợ học bổng, phần thưởng khuyến khích các em học tập.
Cách đây khoảng ba năm, khi đến xin gửi con vào học Trường Mầm non Nam Sài Gòn phụ huynh không khỏi ái ngại bởi hệ thống cống thoát nước bị bể, trần nhà nơi các cháu ăn uống, sinh hoạt bị vênh, đổ sập. Đáng nói là nhà vệ sinh cũ kỹ, không phù hợp cho trẻ lại xuống cấp bốc mùi hôi thối, đồ chơi cho trẻ thì cũ nát, gỉ sét… Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nhà trường đã xây dựng sân chơi hiện đại với các trò chơi vận động, rèn luyện kỹ năng, tư duy, nâng cao chất lượng hoạt động của trẻ, của giáo viên, nâng cấp và cải tạo cơ sở vật chất. Thay đổi rõ rệt nhất là nhà vệ sinh cũ kỹ, cống bể nước chảy tràn lan nay đã được làm mới hoàn toàn, nhà vệ sinh có nhạc nhẹ… Liệu một đơn vị công lập tự chủ tài chính như Trường Mầm non Nam Sài Gòn có thể làm được như thế? Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Định mức ngân sách Nhà nước cấp tính trên đầu trẻ mẫu giáo là 4.019.000 đồng/ năm, với nhà trẻ là 6.169.000 đồng/ năm. Nhưng với trường chúng tôi, nhiều năm nay chỉ được phép thu 400.000 ngàn đồng/ tháng/ trẻ. Với mức học phí này, mỗi năm, phụ huynh chỉ đóng 3.600.000 đồng/ trẻ. Sự chênh lệch khá lớn như vậy là khó khăn lớn cho trường, trong khi đó, chi phí cho các em ngày càng tăng”. Cô Phương Hoa khẳng định: “Không có sự đóng góp nhiệt thành từ các mạnh thường quân, sự hỗ trợ từ ban đại diện CMHS thì nhà trường khó mà đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy và học”.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Không có sự đóng góp nhiệt thành từ các mạnh thường quân, sự hỗ trợ từ ban đại diện CMHS thì nhà trường khó mà đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy và học”, cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn khẳng định.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)