Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm sao cởi “trói” cho ban đại diện CMHS?: Bài 2: Nỗi niềm mang tên… ban đại diện

Tạp Chí Giáo Dục

Từ chỗ thiếu đủ thứ, nhờ sự giúp sức của ban đại diện CMHS mà Trường MN Nam Sài Gòn đã hoàn toàn “lột xác”

Đến thời điểm này điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) do Bộ GD-ĐT ban hành đã có hiệu lực hơn một tháng. Nhiều ý kiến cho rằng điều lệ này đã “trói tay chân” ban đại diện CMHS, và các trường vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.
“Trói” ban đại diện CMHS
Điều lệ ban đại diện CMHS mới quy định:Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện CMHS: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Với những quy định như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các trường (đặc biệt là trường công lập) sẽ “sống dở, chết dở”.
Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường MN Nam Sài Gòn, cho rằng điều lệ ban đại diện CMHS mới đã “trói tay chân” ban đại diện CMHS. Các trường đã khó lại càng khó khăn hơn.
Từ thực tế cho thấy ban đại diện CMHS hoạt động hiệu quả đã gánh vác một phần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với nhà trường. Thầy Bùi Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình), băn khoăn: “Chủ trương của ngành khuyến khích các trường dạy 2 buổi/ ngày, trong khi bảo mẫu chưa phải là đội ngũ chính quy, mức hỗ trợ bán trú nhiều năm nay vẫn giữ nguyên 30 ngàn đồng/ tháng. Trong khi đó, giáo viên không thể kiêm luôn bảo mẫu. Đây thật sự là gánh nặng cho nhà trường nếu không có sự đồng tâm hợp lực từ phía ban đại diện CMHS”.
Những áp lực không tên
Nhiều ban đại diện CMHS làm việc đúng chức năng và nhiệm vụ của mình nhưng cũng có không ít ban đại diện do công tác tổ chức chưa khoa học nên đã xảy ra nhiều chuyện không hay. Vì vậy mà hiệu trưởng bị mang tiếng là “bật đèn xanh” cho ban đại diện CMHS “tận thu”. Còn những người trong ban thì bị gán cho hai chữ “cơ hội” đằng sau cái tên của mình…
“Mỗi trò mỗi cảnh. Phụ huynh cũng thế, người có điều kiện, nhiệt thành hỗ trợ nhà trường mua sắm đồ chơi, dụng cụ học tập… Việc làm của họ cốt cũng là để con mình được cải thiện điều kiện học tập. Đáng ngại nhất là những phụ huynh cố tình hiểu sai ý “trên tinh thần tự nguyện”. Phụ huynh không có điều kiện sẽ được phụ huynh khác san sẻ. Người có con học trước chia sẻ với người có con học sau. Đó là lẽ đương nhiên mà bất kỳ trường nào cũng có. Phụ huynh cũng đừng quá khắt khe, nặng nề vì tinh thần chia sẻ ấy”, ông Nguyễn Văn Hoàng, PHHS Trường THPT Long Thới nói.
Nỗi niềm mang tên ban đại diện được bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban đại diện CMHS Trường Tiểu học Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình), nêu lên như sau: “Nhà trường vốn khó khăn, thấy con em mình thiếu thốn không thể khoanh tay làm ngơ. Ban đại diện CMHS làm việc với tư cách kêu gọi sự hỗ trợ tự nguyện nhưng cũng không tránh khỏi sự suy diễn áp đặt từ dư luận”.  Còn ông Lê Minh Tâm, Phó ban đại diện CMHS Trường THCS Phước Bình (Q.9), cho biết lý do ông muốn gắn bó với ban đại diện là để gần gũi, tìm hiểu các cháu cần gì, muốn gì để có biện pháp uốn nắn và giáo dục kịp thời.
Bà Trần Quang Thị Tuyết Anh, Trưởng ban đại diện CMHS Trường MN Rạng Đông 14 (Q.6), chia sẻ: “Ngày đầu tiên đưa con đi học, tôi thật sự không tin đây là ngôi trường bé nhỏ, sân trường chỉ một vài đồ chơi cũ kỹ, lại còn chia nhau với một cơ sở khác. Mỗi sáng, hàng chục chiếc cặp treo oằn oại trên móc. Đồ dùng dạy học là sản phẩm tự làm của cô giáo. Tận mắt chứng kiến sự vất vả của giáo viên nhưng đồng lương eo hẹp, tôi tâm nguyện sẽ cùng ban đại diện CMHS từng bước hỗ trợ nhà trường chăm sóc các cháu đầy đủ hơn”.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc có không ít ban đại diện CMHS đã gặp nhiều áp lực, nhưng sợ nhất là có người cố tình phá những thành quả mà nhà trường và ban dày công vun đắp. Những người trong cuộc gọi đó là áp lực không tên.
“Trước khó khăn của trường, ban đại diện CMHS không thể làm ngơ nhưng tôi thật sự thấy buồn khi một số cá nhân chưa trải lòng mình cùng các cháu, dẫn đến việc mất đoàn kết nội bộ, làm tổn thương danh dự người có tâm huyết xây dựng trường lớp, chăm lo cho các cháu”, bà Tuyết Anh bày tỏ.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Ban đại diện CMHS không chỉ gặp trở ngại từ phía phụ huynh có biệt danh “thầy thưa kiện” mà còn gặp sự phản kháng từ thành viên trong ban do bất đồng ý kiến. Rồi những ganh ghét hơn thua giữa chức danh trưởng ban và phó ban”, trưởng ban đại diện CMHS một trường THCS ở huyện Bình Chánh, tâm sự. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)