Phòng vi tính của Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) khang trang như thế này là nhờ sự đóng góp của phụ huynh |
Các ý kiến của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) đều cho rằng việc đóng góp của phụ huynh để mua sắm thiết bị máy móc, nâng cao cơ sở vật chất nhà trường là một cách xã hội hóa giáo dục. Dưới đây là một số ý kiến mà Giáo Dục TP.HCM đã ghi nhận.
Ông Hoàng Văn Thúy (Ban đại diện CMHS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa): Công khai, minh bạch
Nhiều năm qua, một số trường học đã thực hiện các điều lệ ban đại diện CMHS chưa tốt, đặc biệt là điều 10 về kinh phí hoạt động của ban như thu không rõ ràng, không căn cứ vào nhu cầu thực tế của HS làm phụ huynh thấy bức xúc vì không mang tính dân chủ.
Tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, gần chục năm nay chưa có một phản ánh nào từ phía phụ huynh về chuyện thu – chi của ban đại diện CMHS, bởi chúng tôi thực hiện công khai, dân chủ và minh bạch. Các hoạt động như tổ chức cho HS đi thi Olympic ở các tỉnh, đi du lịch, in tài liệu… chúng tôi đều lên kế hoạch trước để khi tổ chức hội nghị CMHS sẽ đề xuất, nếu phụ huynh tích cực hưởng ứng thì thực hiện.
Trong điều lệ ban đại diện CMHS mới ban hành có thêm một điểm mới ở điều 10 là: Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động ban đại diện CMHS: Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường… Chúng tôi thấy rằng, Bộ GD-ĐT ra điều lệ này khá bị động. Việc lạm thu trong nhà trường hiện nay chỉ có ở một số trường chứ không phải trường nào cũng lạm thu. Chúng ta nên xã hội hóa giáo dục để nâng cao cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, nếu không có sự đóng góp của phụ huynh, của các mạnh thường quân thì HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không thể có được cơ sở vật chất tốt như ngày hôm nay để học tập thoải mái. Chẳng hạn, cách đây 3-4 năm, ngành giáo dục có chủ trương đưa công nghệ thông tin vào dạy học, lúc đó hàng chục lớp học chỉ có 3-4 máy chiếu, mỗi lần giáo viên muốn thực hiện tiết dạy tích hợp công nghệ thông tin là phải đăng ký, đợi cả tuần mới có. Về nhà các em chia sẻ với phụ huynh là rất muốn có thêm nhiều tiết học như thế nên phụ huynh đã đề nghị nhà trường cho phép tự trang bị máy móc để con em họ học tập. Kết quả là đến nay lớp nào cũng có máy chiếu. Hay đơn giản nhất là khi phụ huynh thấy cái lan can hư hỏng nên bắt tay vào sửa ngay chứ đợi đến lúc nhà trường đề nghị Nhà nước rót kinh phí thì quá lâu trong khi an toàn của các em là trên hết. Với những dẫn chứng chúng tôi thấy rằng chúng ta nên xã hội hóa giáo dục bởi kinh phí Nhà nước cấp cho trường để mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu người học rất ít, còn nhiều khó khăn.
Còn việc chống tình trạng lạm thu, thu không đúng mục đích của ban đại diện CMHS vẫn có phương án giải quyết. Chẳng hạn, ngoài ban đại diện CMHS từng lớp, chúng ta nên thành lập một tổ kiểm tra, đánh giá tổng hợp thu – chi của các ban. Tổ này có nhiệm vụ kiểm tra rõ từng hóa đơn mà các ban đã thực hiện để báo cáo với toàn bộ phụ huynh trong các cuộc họp.
Ông Nguyễn Hoài Hương (phụ huynh HS Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1): Tăng cường kiểm tra việc thu – chi
Theo tôi, quy định mới về việc cấm thu các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện CMHS không có tính khả quan, khó ngăn chặn triệt để tình trạng lạm thu trong nhà trường, bởi vấn đề này xảy ra hay không là ở con người, không có hình thức này thì họ cũng tìm hình thức khác để lạm thu. Vì thế, tôi cho rằng cần tăng cường việc giám sát, kiểm tra thu chi trong nhà trường bằng cách thành lập hội thanh tra ban đại diện CMHS, bầu những người có uy tín lên làm và có cách xử lý khắt khe đối với cá nhân, nhóm người vi phạm hơn là cấm thu các khoản phụ huynh tự nguyện đóng góp. Hơn nữa, quy định này coi chừng đưa lại kết quả trái với điều chúng ta mong muốn. Chẳng hạn, HS ở Q.1 phần lớn là con em gia đình có điều kiện, họ vào trường thấy cơ sở vật chất chưa tốt thì khả năng họ cho con đi học ở trường khác là rất cao, điều này vô tình tạo điều kiện cho việc chạy trường vào đầu năm học. Hay ở các trường thuộc khu vực miền núi còn rất nhiều khó khăn, một số phụ huynh tự nguyện góp tranh, góp gỗ để xây dựng trường và góp gạo cho giáo viên nghèo thì lúc đó được tôn vinh là chia sẻ với ngành giáo dục hay là vi phạm? Với những suy nghĩ này, tôi cho rằng phụ huynh có điều kiện tốt, muốn đầu tư cho nhà trường là việc làm đưa lại hiệu quả cao, đây cũng là một cách xã hội hóa giáo dục để cải thiện môi trường học tập cho HS. Điều quan trọng là các trường có cách quản lý như thế nào để đồng tiền của phụ huynh đầu tư cho các em học tập được công khai, minh bạch, rõ ràng.
Dương Bình (ghi)
Bình luận (0)