Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm sao để học sinh không chán môn văn?

Tạp Chí Giáo Dục

Với nhiều học sinh, việc viết một bài văn không khác gì bị tra tấn, nguyên do cũng chỉ vì bí từ.

Một giờ học văn của học sinh Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một giờ học văn của học sinh Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học văn mà không biết diễn đạt
Những câu văn với cách diễn đạt và cách hiểu ngô nghê không còn là chuyện hiếm đồng thời đã từng nhận được nhiều bình luận từ dư luận.
Nhiều giáo viên khi chấm thi thấy học trò viết sai, viết dở đọc to để nhiều người nghe và cười một cách rất hồn nhiên. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Không nên có thái độ này. Bởi khi có một học sinh làm sai nghĩa là một đồng nghiệp của mình dạy chưa tốt. Hơn ai hết giáo viên phải cảm thấy “nhục” và xem lại chính mình thay vì lấy đó làm trò cười”.
Ông Khôi cũng cho rằng nguyên nhân khiến học sinh khó khăn khi làm văn một phần xuất phát từ văn hóa đọc trong những năm gần đây đã thay đổi nhiều. Học sinh bây giờ thích đọc truyện tranh hơn đọc sách, ngưỡng mộ các nhân vật trong truyện ngôn tình. Bên cạnh đó, không ít câu chuyện thi vị hóa quá xa với đời thực. Ngôn từ cầu kỳ gây khó hiểu, không trau chuốt hoặc rỗng ý làm cho học sinh gặp khó khăn khi tiếp nhận và áp dụng vào thực tế của môn làm văn.
Bên cạnh đó, thị trường sách tham khảo trong những năm qua gần như bị nhiễu loạn. Sách tham khảo trở thành loại sách dễ viết nhất vì không có quy chuẩn nào… Thực tế này khiến môn văn từ chỗ làm đẹp tâm hồn trở thành môn học ám ảnh. Một học sinh lớp 6 tại TP.HCM chia sẻ: “Đọc đề văn em thường không biết viết gì. Đôi khi có ý ở trong đầu nhưng không biết diễn đạt như thế nào”.
Lớn lên cùng… sách
Để giúp học sinh học tốt và có nhiều cảm xúc với các tác phẩm văn học, vừa qua Phòng Giáo dục Q.Tân Bình (TP.HCM) đã tổ chức cuộc thi viết “Lớn lên cùng sách”. Thể lệ cuộc thi yêu cầu học sinh tại các trường chọn một tác phẩm văn học đọc kỹ, sau đó viết cảm nhận cũng như cách hiểu của mình. Theo đó, khả năng cảm nhận những tác phẩm văn học trong hơn 55 bài thi của học sinh 12 trường trên địa bàn Q.Tân Bình đã được thể hiện rõ.
Trong số các bài dự thi có bài của Huỳnh Thảo Vy (lớp 9.1, Trường THCS Quang Trung) để lại nhiều cảm xúc. Ông Phan Văn Quang, Tổ trưởng tổ phổ thông, Phòng Giáo dục Q.Tân Bình, chia sẻ: “Khi thuyết trình bài cảm nhận sau khi đọc xong tác phẩm Số phận con người, Vy đã khóc. Cô bé nói trước đây em rất nhút nhát nhưng khi đọc xong cuốn sách, viết cảm nhận và lên kế hoạch quảng bá cuốn sách em thấy mình mạnh dạn, tự tin hơn. Vy cũng thừa nhận với cách làm này em cảm nhận sâu và thấy các tác phẩm văn học trở nên gần gũi hơn”.
Ngoài ra, việc chuyển tải tác phẩm văn học thành phim cũng tạo hứng thú cho học sinh khi học văn. Như việc chuyển thể tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa thành phim Biển động khiến thầy trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đã tạo ra một cách học văn khá thú vị. Ở đó giáo viên đóng vai trò như một đạo diễn. Mỗi học sinh là khán giả hoặc trực tiếp tham gia làm diễn viên, viết bài quảng bá, quay phim, nhà báo… Trong vai khán giả, học sinh có quyền đặt câu hỏi xung quanh tác phẩm và sẽ được giáo viên (với vai trò đạo diễn) giải đáp. Từ đó làm cho tác phẩm văn học trở nên sống động, gần gũi hơn, giờ văn trở nên thoải mái hơn.
Yêu cầu đọc tác phẩm thay vì soạn bài
Muốn học sinh học tốt thì giáo viên nên coi văn là… môn phụ. Điều này không có nghĩa là hạ thấp môn văn nhưng khi đó, áp lực soạn bài, chuẩn bị bài của học sinh sẽ được giảm bớt. Thay vì yêu cầu học sinh về nhà soạn bài một cách ép buộc, hãy yêu cầu các em về nhà đọc tác phẩm. Hỏi xem học sinh thích nhất điều gì? Vì sao?
Nguyễn Phước Bảo Khôi (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Lời phê cần cụ thể hơn
Với một bài văn điểm 6, tôi thấy giáo viên phê là “được”. Vậy từ “được” ở đây nghĩa là gì? Giáo viên cần nêu rõ là “được” ở đâu? Vì sao “được” mà điểm lại là 6? Giáo viên nên chỉ rõ cụ thể điểm yếu và điểm mạnh của bài viết nhằm giúp học sinh tiến bộ hơn.
Nguyễn Thị Bảo Oanh (Giáo viên Q.8, TP.HCM)

 

Lam Ngọc/TNO

Bình luận (0)