Các trường sư phạm, địa chỉ đỏ để đào tạo ra các thầy cô giáo trong tương lai không còn đủ sức hấp dẫn các tân sinh viên. Khi mà đầu vào như vậy, ta thử hình dung tương lai sẽ như thế nào?
Mỗi mùa tuyển sinh, ngành giáo dục lại đón nhận những tin không vui. Đầu vào ngành sư phạm tuột dốc không phanh. Lẽ nào giáo dục là quốc sách đây sao? Các trường sư phạm, địa chỉ đỏ để đào tạo ra các thầy cô giáo trong tương lai không còn đủ sức hấp dẫn các tân sinh viên. Khi mà đầu vào như vậy, ta thử hình dung tương lai sẽ như thế nào? Chất lượng đội ngũ nhà giáo này sẽ đi về đâu? Họ có thực sự đủ năng lực và phẩm chất để làm nhiệm vụ trồng người hay không? Một người thầy giỏi sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ giỏi. Nhưng một người thầy "tồi" là một thảm họa. Bài toán nâng cao chất lượng giáo dục sẽ còn lâu mới "chữa" được dù ai cũng biết đáp án của nó.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng nói rằng đến năm 2010 giáo viên cơ bản sống được bằng lương nhưng nay là năm 2011, không có gì thay đổi, vẫn là đồng lương èo uột, giáo viên vẫn phải sống cầm cự qua ngày. Đứng trên bục giảng mà tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến cơm áo gạo tiền thì lấy đâu ra những tiết dạy hay. Bài học nhãn tiền về đời sống kham khổ của người thầy cứ ám ảnh những em học sinh, lấy đâu nghị lực và đam mê để các em tự tin dấn thân vào nghề giáo khi biết trước một tương lai khó khăn đang chờ đón.
Mỗi năm học lại bắt đầu bằng điệp khúc: thừa và thiếu. Nơi thừa giáo viên không biết bố trí ra sao? Nơi tìm đỏ mắt không ra giáo viên. Ngành này, môn học này thừa, ngành kia, môn học kia thiếu. Vậy thì vai trò điều tiết của bộ giáo dục và các trường sư phạm ở đâu. Đáng lẽ ra, hằng năm, Bộ Giáo dục phải làm công việc thống kê để năm rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ở các môn học ở từng tỉnh thành, sau đó phân bổ cho các trường sư phạm, giao chỉ tiêu đào tạo cho họ. Mặt khác, vai trò chủ đạo của Bộ Giáo dục còn thể hiện ở nhiệm vụ phân bổ giáo viên. Vì thế, đã đến lúc cần bỏ việc xét tuyển giáo viên theo hộ khẩu thường trú mà phân bổ trực tiếp các tân sinh viên sau khi các em ra trường trên cơ sở nguyện vọng của các em và chỉ tiêu của từng tỉnh thành.
Một điều quan trọng nữa là cải cách chế độ tiền lương, nâng cao thu nhập cho giáo viên, đảm bảo đời sống vật chất để họ yên tâm công tác. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới được nâng cao, ngành sư phạm mới thu hút được những học sinh giỏi dự thi.
Theo Thái Xuân Thiện
(vnexpress)
Bình luận (0)