Bài 2: Đi xe buýt có độ an toàn rất cao
Xe buýt chưa đáp ứng được kỳ vọng là phương tiện “giải cứu” tình trạng giao thông phức tạp hiện nay tại TP.HCM. Đặc biệt, vào đầu năm học mới, đi lại bằng xe buýt là nhu cầu rất lớn của SV-HS nhưng liệu có an toàn? Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đình Đức – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM).
P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết các biện pháp chế tài đối với những tài xế, tiếp viên xe buýt vi phạm quy định vận tải hành khách công cộng (VTHKCC)?
Ông Phạm Đình Đức: Mức phạt tiền theo hợp đồng thấp nhất là 100.000 đồng/lần, cao nhất là 1.500.000 đồng/lần. Cụ thể, trung tâm thống kê một số hành vi vi phạm như sau: bỏ trạm không đón khách: mức phạt lần 1 là 200.000 đồng, lần 2 tăng gấp đôi; thái độ, lời nói thiếu văn minh lịch sự với hành khách: mức phạt lần 1 là 200.000 đồng, lần 2 tăng gấp đôi; không mở máy lạnh: mức phạt lần 1 là 400.000 đồng, lần 2 tăng gấp đôi; phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé bán trước: mức phạt lần 1 là 400.000 đồng, lần 2 tăng gấp đôi; không dừng hẳn khi đón, trả khách: mức phạt lần 1 là 500.000 đồng, lần 2 tăng gấp đôi; phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách: mức phạt lần 1 là 1.000.000 đồng, lần 2 tăng gấp đôi…
Thưa ông, khi hành khách không hài lòng về tài xế, tiếp viên xe buýt phản ánh tới trạm điều hành như thế nào?
Hành khách có thể phản ánh qua thư, phản ánh trực tiếp hoặc qua hai số điện nóng của Trạm Điều hành Sài Gòn là 38. 214.444, 38.214730 và tổng đài 1900.58.58.14, có thể truy cập và gửi tin qua website www.buyttphcm.com.vn. Trung tâm tiếp nhận phản ánh của hành khách và sẽ chuyển đến các doanh nghiệp vận tải liên quan xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả xử lý cho trung tâm trong thời gian 10 ngày. Hết thời hạn trên, doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có văn bản trả lời, trung tâm sẽ tiến hành xử phạt doanh nghiệp theo hợp đồng đã được ký kết. Đồng thời, đối với các hành vi vi phạm được quy định trong nội quy khai thác tuyến xe buýt, trung tâm cũng sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.
Hành khách phản ánh đúng, trung tâm sẽ gửi thư cám ơn và hành khách được thưởng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng theo quy định của UBNDTP.
Xin ông cho biết nguyên nhân chính khiến nhiều người dân, SV-HS chưa sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại? Biện pháp khuyến khích hành khách sử dụng xe buýt?
Theo khảo sát của Viện Kinh tế năm 2008, có 4 vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ xe buýt. Đó là: sự phân biệt đối xử đối với các loại vé sử dụng; xe buýt chạy nhanh, vượt ẩu, không dừng hẳn và sát lề khi đón trả khách; thiếu thông tin về hoạt động xe buýt; thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chúng tôi thực hiện các biện pháp sau:
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài khiến hoạt động của xe buýt gặp nhiều khó khăn |
1/ Giải quyết phân biệt đối xử đối với các loại vé bằng cách tuyên truyền giải thích cũng như tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm theo hợp đồng đã ký kết. Thực hiện “vé tập tháng”, 60 vé/tập, hành khách trả ngay cho nhân viên khi lên xe. Về lâu dài, trung tâm từng bước thử nghiệm để đưa vào ứng dụng hệ thống vé thông minh (smart card) để thay vé giấy hiện nay nhằm tăng tiện ích cho hành khách đi xe buýt.
2/ Giải quyết tình trạng mất an toàn của xe buýt do chạy ẩu, không dừng hẳn và đậu sát lề khi đón, trả khách… và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt. Đây là vấn đề liên quan đến con người nên cần đặt nặng vấn đề giáo dục. Các lái xe, nhân viên xe buýt bắt buộc phải qua các lớp học nghiệp vụ và được cấp giấy chứng nhận của Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam. Cần phải điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng nặng đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Lái xe, nhân viên xe buýt bị sa thải sẽ không được tiếp nhận làm việc ở các đơn vị xe buýt khác tại TP.
3/ Tăng cường công tác truyền thông quảng bá về hoạt động của xe buýt. Công tác này được thực hiện thường xuyên qua đường dây nóng, website nhằm phục vụ, hướng dẫn và tiếp nhận phản ánh từ khách hàng. Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị truyền thông để tổ chức các buổi giao lưu, ca nhạc kết hợp với tuyên truyền các hoạt động của xe buýt.
4/ Công tác quản lý, điều hành, đặt dịch vụ VTHKCC. Trung tâm thường xuyên theo dõi hoạt động của hệ thống các tuyến xe buýt để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót (nếu có), xem xét không giao tuyến xe buýt cho các đơn vị quản lý yếu kém.
Thưa ông, ông có thể cho biết biện pháp giải quyết tình trạng trạm xe buýt bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích?
Trung tâm vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm tra và khi phát hiện, chúng tôi liên hệ và phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, lực lượng chức năng tại địa phương để giải tỏa.
Thưa ông, đối với hành khách là SV-HS, khi sử dụng xe buýt được ưu đãi gì?
Đối với hành khách nói chung, sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại sẽ tiết kiệm chi phí đi lại. Đặc biệt, sử dụng xe buýt an toàn hơn các phương tiện khác. Theo thống kê về tai nạn giao thông và nghiên cứu khoa học thì sử dụng xe buýt để đi lại có hệ số an toàn cao hơn hẳn so với sử dụng xe 2 bánh. Đối với SV-HS, còn có các tuyến xe buýt dành cho đối tượng này. Như tuyến số 6: BXCL-ĐH Nông Lâm, tuyến số 8: BXQ8-Thủ Đức, tuyến 56: BXCL-ĐH GTVT… hoặc các hợp đồng đưa rước học sinh.
Xin cám ơn ông!
Bài, ảnh: Công Việt
Bình luận (0)