'Làm sao để biết đâu là điểm dừng an toàn trên bàn nhậu?' hay 'Uống như thế nào để tránh nguy cơ ngộ độc rượu và gây hại cơ thể?'… là những câu hỏi thường gặp khi tết nhất đang cận kề.
Uống bao nhiêu là đủ?
Bên cạnh tác dụng tích cực của rượu bia đối với sức khỏe, như rượu vang giúp làm giảm cholesterol trong máu, bảo vệ tim mạch, giảm đột quỵ… thì cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra lạm dụng rượu bia dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Theo BS Quốc Minh, một trong những hệ lụy đó là ngộ độc rượu. Nguyên nhân gây ngộ độc rượu là do trong rượu bia bình thường có chứa ethanol – tác nhân gây độc hại nếu sử dụng nhiều. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Trường hợp nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp… Ngoài ra, còn xuất hiện cả trường hợp ngộ độc rượu do uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa cồn công nghiệp. Hậu quả của việc này là có thể dẫn đến những rối loạn về thị giác như nhìn thấy mờ, nhìn một vật thành hai, hoặc không nhìn thấy, nặng hơn nạn nhân bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến tử vong.
Song song đó, rượu bia ngoài việc gây ra nghiện hay ngộ độc cấp tính còn dẫn đến những tác hại khác như: viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan ở những người uống rượu bia nhiều hoặc lâu năm, gây viêm tụy cấp, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng, giảm sức đề kháng cơ thể (những người nghiện bia rượu dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường). Ngoài ra, rượu bia còn gây rối loạn về thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực, thậm chí có những trường hợp ảnh hưởng cả đến tính mạng.
Do đó, câu hỏi đặt ra là uống rượu bia như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe? Theo khuyến cáo của BS Quốc Minh thì ngưỡng an toàn đối với nam giới là dưới 2 đơn vị (tương đương 2 chai bia) hoặc 2 ly rượu vang mỗi ngày trong khi đối với nữ giới chỉ nên uống dưới 1 đơn vị mỗi ngày. Tùy theo cơ địa từng người, người có nhiều men chuyển hóa ở gan sẽ chuyển hóa bia rượu tốt hơn, ít bị say hơn so với người có ít men chuyển hóa. Chính vì vậy, uống rượu bia cần điều độ, chừng mực trong khả năng của cơ thể, khi cảm thấy vừa sức thì nên dừng lại.
Rượu ngâm có an toàn hơn?
Một số người thường hay tự ngâm rượu để uống với lý do an toàn hơn và tốt hơn cho sức khỏe hơn. Tuy nhiên, theo BS Quốc Minh, rượu ngâm không hẳn là an toàn hay tốt cho sức khỏe hơn so với những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu sử dụng các loại rễ cây, thảo dược, các loại động vật ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc như thường. Nếu uống các loại rượu ngâm quá nhiều thì vẫn có thể bị nghiện rượu, ngộ độc rượu và các tác hại tương tự rượu bia thông thường.
Các chuyên gia về y học cổ truyền cho rằng, sai lầm của nhiều người là cứ nghe thấy con vật hay loài cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, trị bệnh, tốt cho xương khớp là bê nguyên con, nguyên cây, nguyên củ quả cho vào ngâm rượu. Chẳng hạn, có người đã dùng nấm lim xanh để ngâm rượu vì nghĩ rằng sẽ rất bổ mà không biết rằng điều đó nguy hiểm, bởi nấm mọc trên cây lim xanh chứa nhiều độc tố. Một loài vật được sử dụng nhiều để ngâm rượu là tắc kè, theo y học cổ truyền, tắc kè có công dụng tốt cho sinh lý, chữa đau nhức phong thấp nhưng mắt của con vật này lại có chứa độc tố nguy hiểm. Tóm lại, việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có bài, có sự chỉ định của các bác sĩ đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp… rất nguy hiểm.
Cách giảm say khi uống rượu
Theo BS Quốc Minh, cách đơn giản giúp hạn chế say và giảm tác hại của rượu là nên ăn no trước khi uống vì khi bụng đói, rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến say. Ngoài ra, nên uống nhiều nước vì cơ thể dễ bị mất nước khi uống rượu bia, đặc biệt cần lưu ý là không nên lạm dụng thuốc giải độc gan, thuốc giải rượu. Không uống nhiều loại rượu bia cùng một lúc. Việc uống nhiều loại rượu bia cùng một lúc hay trộn lẫn chúng với nhau vừa gây nguy hiểm cho sức khỏe vừa khiến say nhanh hơn bởi mỗi loại rượu, bia sử dụng các chất phụ gia, nguyên liệu, hương liệu, cách thức chế biến khác nhau, khi chúng cùng “hợp tác” đi vào cơ thể thì hậu quả rất khó kiểm soát. Trong trường hợp ngộ độc rượu, cần cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây suy hô hấp và viêm phổi về sau, giữ ấm cho nạn nhân vì ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Cẩm Nhung/ TNO
Bình luận (0)