TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu giao lưu với các em học sinh |
Làm sao để kiềm chế được bản thân khi nóng giận, con nghe lời bố mẹ sẽ nhường nhịn bạn nhưng lại rất ức chế thì phải làm sao?… Đây là những câu hỏi mà học sinh Trường Phổ thông quốc tế TIS đặt ra cho TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tại buổi chia sẻ Báo động bình đẳng giới và bạo lực học đường (BLHĐ) do trường tổ chức vừa qua.
Em Trần Ngọc Bảo Quỳnh (học lớp 7) thắc mắc: “Em nghe người lớn nói khi thấy bạn đánh nhau không nên quay phim, chụp hình. Làm như vậy liệu có tốt không?”. Ông Hiếu chia sẻ: “Nếu em quay phim để làm bằng chứng cho thầy cô thấy và xử lý, sau đó xóa mọi thông tin thì sẽ không sao. Tuy nhiên, có bạn quay xong lại đăng lên mạng xã hội. Clip chỉ đưa lên mạng vài phút nhưng hậu quả có thể sẽ rất nặng nề, khiến bạn mình bị sốc. Thường người bị đánh cảm thấy “quê”, bị tổn thương…”. Từ vấn đề này, ông Hiếu cho rằng khi thấy bạn bị đánh, thay vì can ngăn hoặc đứng xem thì nếu có sức, các em nên ngăn bạn lại, còn nếu không có sức có thể lập tức chạy đi báo cho thầy cô, giám thị… Một học sinh chia sẻ tâm trạng bức xúc: “Mỗi khi cãi nhau với bạn, em thường khó kiềm chế bản thân, đôi lúc bức xúc quá chỉ muốn nhảy vào đánh cho bạn im đi. Những lúc có tâm trạng như vậy em phải làm sao?”. Đây là câu hỏi mà rất nhiều học sinh muốn được giải đáp để giải tỏa căng thẳng mỗi khi nóng giận. “Đúng là khi nóng giận, bản thân mình thường tự giải phóng năng lượng để tự vệ. Chúng ta có thể “xả” năng lượng bằng nhiều cách như xé giấy, gào thét ở… trong đầu”, ông Hiếu nói.
Không chỉ có học sinh, các phụ huynh cũng đặt rất nhiều câu hỏi về vấn đề BLHĐ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ Q.Phú Nhuận) băn khoăn: “Tôi có 4 đứa con đang học tiểu học và THCS. Ở nhà tôi thường dạy các cháu phải nhường nhịn bạn, không gây rối với bạn. Tuy nhiên, tôi sợ các cháu nghe lời bố mẹ nhường bạn bị ức chế trong lòng, không bạo lực chân tay nhưng lại để trong tâm trí hoặc thấy em bị đánh lại không làm gì. Tôi nên dạy con như thế nào đây?”. Ông Hiếu cho rằng phụ huynh cần hướng dẫn con giải quyết tình huống chứ không phải là nhịn để rồi con ức chế. Chúng ta dạy con không đánh bạn lúc đó mà phải cho con biết cách giải tỏa cảm xúc như thế nào. Đồng thời, hãy dạy cho con cách tự vệ cho bản thân để khi bị bạn đánh có thể lấy tay gạt ra. “Nói chung, không đánh lại đối phương không phải là chúng ta hèn mà chứng tỏ là chúng ta biết kiềm chế bản thân, chúng ta đã trưởng thành…”, ông Hiếu khẳng định.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ? Làm thế nào để trẻ có thể tránh được rủi ro? Giải đáp vấn đề này, ông Hiếu phân tích: “Nguyên nhân dẫn đến BLHĐ là do bản thân trẻ chưa được trang bị cách ứng xử, cách giải quyết mâu thuẫn; gia đình chưa hướng dẫn cho các em những kỹ năng này, đôi khi còn là “tấm gương xấu” cho các em; nhà trường chưa dạy tốt kỹ năng sống, chưa kiểm soát tốt môi trường học đường… Vì vậy, cả gia đình và nhà trường cần phải trang bị cho các em những kỹ năng nói trên”.
Dương Bình
Bình luận (0)