Quan sát một khóa học, số sinh viên yêu thích đọc sách và có khả năng tự học bằng việc đọc sách mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo đại học chưa thể thay đổi.
Làm việc trực tiếp với sinh viên (SV), tôi thấy một thực trạng đáng buồn là khả năng đọc sách, khả năng tự học, tự nghiên cứu của hầu hết SV Việt Nam rất yếu. Một trong những nguyên nhân chính là khả năng đọc sách, khả năng tiếp cận vấn đề từ việc đọc của SV rất kém. Điều này trở thành rào cản, là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho chất lượng đào tạo đại học chưa thể thay đổi cho đến nay.
Chỉ nói riêng việc đọc các sách giáo trình môn học cũng đã là nhiệm vụ khó khăn với SV, huống chi, việc đọc thêm sách về kiến thức nền tảng chung như: văn hóa, văn học, lịch sử, chính trị, triết học… lại càng nan giải.
Quan sát trong một khóa học, số SV có niềm yêu thích đọc sách và có khả năng tự học bằng việc đọc sách mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và một trong những biện pháp “đối phó” của các giảng viên là đưa nhiệm vụ đọc giáo trình thành một trong những nội dung bắt buộc trong quá trình kiểm tra, đánh giá môn học.
Nhất là môn văn, SV phải đọc tác phẩm và giáo viên sẽ kiểm tra việc đọc bằng cách tính điểm trong quá trình học môn học đó. Nghe có vẻ “bi hài” nhưng thực tế, đã có những giáo viên phải áp dụng biện pháp này để bắt SV của mình tự học.
Học sinh cần được rèn thói quen và niềm yêu thích đọc sách ngay từ bậc tiểu học |
Thực sự đó chỉ là giải pháp tạm thời và không có tính lâu dài. Bởi việc đọc sách, tự học của SV căn cơ vẫn là niềm yêu thích; đọc sách như một kỹ năng và thói quen đã được xây dựng từ những bước đi nền tảng trong cả quá trình dài. Một SV không thể viết một bài văn, một văn bản hoàn chỉnh hay thậm chí thực hiện một luận văn nghiên cứu độc lập nếu SV ấy không được đào tạo và nắm vững kỹ năng dùng từ, đặt câu, xây dựng đoạn, tạo lập văn bản ngay từ các cấp học dưới.
Thực tế, việc giảng dạy tiếng Việt và môn ngữ văn trong trường học hiện nay ngày càng giảm chất lượng ở khâu này. Giống như vậy, một SV cũng khó có thể đọc những cuốn sách dày về dung lượng, phức tạp về mặt nội dung nếu chưa từng được dạy kỹ năng đọc những cuốn sách nhỏ, nội dung đơn giản; chưa có được thói quen và niềm yêu thích đọc sách ngay từ những năm tháng học phổ thông.
Như vậy, vấn đề của SV là đã không có được niềm yêu thích sách, tinh thần hiếu tri và khả năng tự học từ việc đọc sách trước khi bước vào giảng đường đại học. Từ đó dẫn đến việc khó đáp ứng những yêu cầu về phương pháp và nội dung học tập khá cao, khác biệt so với cách học ở phổ thông. Điều này dẫn đến hậu quả là sự “hụt hơi” trong quá trình học.
Chính người dạy và người học, lẫn các nhà làm giáo dục cũng rất ít để ý đến “bước ngoặt” này. Trong khi đây là một trong những nút thắt có tính quyết định đến chất lượng và tương lai của đào tạo nhân lực ở đại học Việt Nam.
Vậy, một trong những ý tưởng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung là hãy tập trung rèn luyện, xây dựng văn hóa đọc cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Công việc này đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Tôi xin nêu một số giải pháp hướng về nhà trường, nơi mà việc học của học sinh, SV diễn ra tập trung và thường xuyên nhất. Trước tiên, cần xây dựng ngay những thư viện, phòng đọc sách trong mỗi trường với trang thiết bị tiện ích, cập nhật các loại sách hay, có nội dung phù hợp và tiến bộ, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Điều quan trọng là mỗi thư viện cần có những giáo viên đam mê, có kỹ năng đọc sách để truyền cảm hứng, khơi gợi và tổ chức các hoạt động đọc thường xuyên cho học sinh. Sau cùng là việc liên kết với các nhà xuất bản để luôn có được nguồn sách mới, hay, cập nhật thông tin kiến thức cho thư viện.
Ươm mầm đam mê từ “lớp học đọc sách” Tất nhiên, muốn con trẻ thích sách thì thầy cô, nhất là các thầy cô dạy văn phải thực sự là những người đọc sách, tâm huyết với hoạt động đọc sách, cũng như ý thức sâu sắc rằng việc dạy văn không thể tách rời hoạt động khơi gợi cảm hứng và rèn luyện kỹ năng đọc sách cho học sinh. Thực tế hiện nay, không chỉ ở TP.HCM mà một số tỉnh thành trong cả nước đã xuất hiện mô hình “lớp học đọc sách”, “câu lạc bộ sách” do các thầy cô tâm huyết với việc đọc sách và đổi mới giáo dục thực hiện. Đây sẽ là nơi ươm mầm cho các thế hệ học sinh, SV có niềm đam mê sách và có kỹ năng đọc sách, kỹ năng tự học, tự chiếm lĩnh tri thức một cách nền tảng và lâu dài. |
Thạc sĩ Nguyễn Bích Nhã Trúc (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM)/Phunuonline
Bình luận (0)