Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con người, nhất là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Để đối đầu với cuộc cách mạng này, ngay từ bây giờ, bản thân mỗi người phải không ngừng tự học, trang bị những kỹ năng cần thiết để không bị đẩy ra bên lề xã hội.
ThS. Nguyễn Mai Lâm trao đổi với học sinh Trường THPT Tây Thạnh
Đó là lời khuyên của ThS. Nguyễn Mai Lâm (chuyên gia tâm lý) trong chương trình tư vấn kỹ năng học đường “Kỹ năng hội nhập toàn cầu và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH FPT tổ chức tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) vừa qua.
3 cách khống chế trí tuệ nhân tạo
Mở đầu chương trình là câu hỏi của em Nguyễn Lương Văn Khoa (lớp 10C15): “Con người tạo ra được robot, nhưng làm thế nào để nó không ảnh hưởng đến công việc của chúng ta?”. Bà Nguyễn Hoàng Bích Vy (Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) phân tích: Chúng ta có thể tạo ra được trí tuệ nhân tạo (robot) có nghĩa là có cách để điều khiển nó. Nhưng bằng cách này hay cách khác còn phụ thuộc vào bản thân của mỗi người.
Theo bà Vy, có 3 cách để không bị robot thay thế: Thứ nhất, học ĐH. Vì ở môi trường này, các em mới được đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp, có cơ hội học tập trong môi trường quốc tế, tiếp xúc với nguồn tài liệu mới, kiến thức mới. Bên cạnh đó, cơ hội học ngoại ngữ tốt hơn, tiếp cận được với những người nước ngoài, giúp tư duy của chúng ta ngày càng hoàn thiện. Thứ hai, kỹ năng mềm. Bà Vy cho biết: “Người có kỹ năng làm việc nhóm, nhạy bén trong công việc, có khả năng thuyết phục người khác, biết phân tích, đánh giá vấn đề một cách khách quan…, đa phần chiếm được lòng tin của nhà tuyển dụng, tính cạnh tranh của họ cao hơn so với người khác”. Thứ ba, tinh thần xung kích, máu lửa. Theo bà Vy, ở đây chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn tiên phong trong công việc. Nếu một mai có thất bại, chắc chắn họ sẽ tự đứng lên làm lại từ đầu, để không trở thành người thua cuộc.
ThS. Nguyễn Mai Lâm bổ sung thêm, chúng ta phải làm chủ được công nghệ thông tin. Trong tương lai máy móc có khả năng thay thế con người làm việc. Tuy nhiên, nếu chúng ta có kiến thức, biết cách điều khiển, vận hành thì dù cho cuộc cách mạng công nghiệp mấy chấm đi nữa chúng ta cũng không bị thay thế bởi công nghệ. Vì con người tạo ra công nghệ chứ công nghệ không thể tạo ra được con người.
Khối C có chỗ đứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Trước sự tấn công của công nghệ, em Trần Thị Thùy Vân (lớp 11B2) lo lắng: “Chúng ta cứ nhấn mạnh đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin giữ vai trò chủ đạo. Như vậy, những ngành nghề liên quan đến khối C có chỗ đứng hay không?”. Giải đáp vấn đề này, ThS. Nguyễn Mai Lâm cho hay: Công nghệ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó có 3 hạt nhân lớn là kỹ thuật số (công nghệ thông tin), vật lý và sinh học. Nếu em nào chọn những ngành học này sẽ được săn đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, những ai không thích chọn kỹ thuật thì chọn những môn liên quan đến xã hội như truyền thông, báo chí, du lịch… Trong tương lai, những ngành nghề này không những không bị mất đi mà còn phát triển song hành với kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Nếu có kỹ thuật mà không có lý thuyết và thông tin thì sẽ không làm nên chuyện. “Chính vì vậy, các em hãy mạnh dạn lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, nhiệt huyết của mình, sau đó biết sử dụng nó phù hợp với hoàn cảnh. Như vậy, mình sẽ không bao giờ bị đào thải”, ThS. Lâm chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Tây Thạnh đặt câu hỏi cho chuyên gia
Bổ sung thêm, bà Vy cho biết: “Dù chuyên khối C nhưng bản thân mỗi người cần phải có thêm vốn ngoại ngữ, kỹ năng mềm để bổ trợ cho công việc. Bởi khi có ngoại ngữ, chúng ta mới có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, tiếp xúc với những người nước ngoài, khẳng định vị trí của mình đối với xã hội”.
Làm sao để thoát khỏi sự ràng buộc của phụ huynh?
Đây là câu hỏi của em Hà Ngọc Tuyết Trinh (lớp 10C6). Trả lời câu hỏi trên, ThS. Nguyễn Mai Lâm gợi ý: Cha mẹ luôn muốn con cái của mình có được một việc làm tốt, một nghề nghiệp ổn định. Tuy nhiên, nhiều em lại không thích sự lựa chọn đó. Để thuyết phục cha mẹ nghe theo sự lựa chọn của mình, bản thân phải chứng minh cho cha mẹ thấy sự trưởng thành bằng cách nói cho cha mẹ biết thế mạnh của mình đối với ngành đó, vạch ra mục tiêu và định hướng trong tương lai. Học ngành mình chọn khi ra trường sẽ làm công việc gì? thu nhập ra sao?… Nếu cha mẹ một mực không đồng ý thì hãy nghe theo lời họ. Tuy nhiên trong quá trình học ngành cha mẹ chọn, các em có thể học thêm ngành mình thích để xem bên nào đạt hiệu quả, phù hợp với nhu cầu xã hội. Sau đó các em tự có quyết định riêng cũng không muộn.
Tương tự, em Trần Thị Ánh Ngọc (lớp 10C9) băn khoăn: “Em rất thích học công nghệ thông tin nhưng cha mẹ lại nói con gái học ngành này cực. Vậy có công việc nào liên quan đến ngành này không?”. Bà Nguyễn Hoàng Bích Vy trả lời: Trong ngành công nghệ thông tin, em có thể làm kỹ sư cầu nối giữa khách hàng và sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, trong suốt những năm học ĐH, em vẫn được đào tạo kỹ năng, kiến thức về công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc. Đây là công việc rất phù hợp với nữ. “Không có ngành nào là sung sướng. Nhưng chúng ta hãy cháy hết mình với đam mê, nhiệt huyết tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy yêu nghề và cực khổ chỉ là chuyện nhỏ”, bà Vy chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)