Người lớn đau đầu đã khó chịu rồi huống hồ gì là trẻ nhỏ. Nếu trẻ nhà bạn đang rơi vào trường hợp này, hãy tìm hiểu những triệu chứng của bé để giúp bé cảm thấy tốt hơn, theo Fox News.
Cách nhận biết sớm
Khoảng 10% trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 15 bị chứng đau nửa đầu. Trước khi dậy thì, bé trai và bé gái đều có thể bị chứng đau nửa đầu, nhưng sau tuổi dậy thì các bé gái bị nhiều hơn vì sự gia tăng hoóc môn estrogen. Khoảng 50% các bé gái sẽ trải qua tình trạng đau nửa đầu một vài ngày trước hoặc vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt của các bé.
Chứng đau nửa đầu đã được tìm thấy ở trẻ sơ sinh khoảng 18 tháng tuổi. Mặc dù khó nhận biết vì trẻ chưa biết nói nhưng nếu có tiền sử gia đình hoặc cha/mẹ mắc chứng đau nửa đầu thì trẻ con có thể có những dấu hiệu sớm của chứng đau nửa đầu.
Ngoài ra, còn có một số bằng chứng cho thấy nếu bé thường xuyên bị đau bụng, có nhiều khả năng trẻ sẽ bị đau nửa đầu khi chúng lớn lên.
"Các triệu chứng của cơn đau quặn bụng là biểu hiện ban đầu của chứng đau nửa đầu", tiến sĩ Andrew D. Hershey, giám đốc Trung tâm thần kinh học tại Bệnh viện nhi Cincinnati (Mỹ) cho biết.
Ngoài ra, 2 tình trạng khác như cứng cổ và chóng mặt do tư thế có thể khiến đứa trẻ đột nhiên té cũng được coi là tiền thân của chứng đau nửa đầu – tiến sĩ Howard Jacobs, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia đau đầu và là giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện Nhi ở Columbus, Ohio (Mỹ) cho hay.
Ngoài ra, những trẻ có xu hướng say xe, say tàu… cũng nhiều khả năng bị đau nửa đầu.
Mặc dù chứng đau nửa đầu có liên hệ mạnh mẽ với di truyền, nhưng các yếu tố môi trường như bỏ bữa hoặc thay đổi giờ giấc ngủ khiến ảnh hưởng đến hệ thần kinh nhạy cảm cũng có thể góp phần làm cho chứng đau nửa đầu trầm trọng hơn, bà Hershey nói.
Các triệu chứng của chứng đau nửa đầu
Không giống như đau đầu do căng thẳng tiến triển từ nhẹ đến trung bình, đau nửa đầu tiến triển từ trung bình đến nặng. Hơn nữa, chứng đau nửa đầu ở trẻ em thường rất khác so với người lớn. Khi bắt đầu, trẻ em không bị đau đầu như búa bổ mà đau âm ỉ cả hai bên đầu.
Trẻ em bị chứng đau nửa đầu có xu hướng nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, chóng mặt, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi. Khoảng 10 – 25% trẻ sẽ trải qua triệu chứng nhìn mờ và thấy những điểm màu trước khi đau đầu.
Một số trẻ em trong độ tuổi đi học có triệu chứng đau nửa đầu mà không đau đầu. Đó là hội chứng nôn mửa theo chu kỳ và thường là nôn mửa vài giờ dẫn đến phải nhập viện, hoặc chóng mặt và nhạy cảm với ánh sáng.
Một số trẻ khác có triệu chứng như đau bụng, thường là không sốt, tiêu chảy hoặc nôn mửa nhưng không có cơn đau đầu.
Cách ngăn ngừa và trị chứng đau đầu
Chẩn đoán bệnh: Bước đầu tiên là cho con đến bệnh viện để xác định nguyên nhân chính xác là bé mắc bệnh đau nửa đầu. Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc theo toa nhưng điều quan trọng là phải hiểu các tác dụng phụ trước khi chọn cho con.
Ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại trái cây và rau quả, thịt nạc, chất béo lành mạnh và ăn ba bữa một ngày có thể giúp làm dịu cơn đói và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Thêm vào đó, nên cho con uống đủ nước sao cho nước tiểu trong là được.
Tập thể dục: Nghiên cứu cho thấy béo phì có liên quan đến chứng đau nửa đầu, và một trong những cách tốt nhất để đảm bảo cho con bạn có trọng lượng khỏe mạnh cùng với chế độ ăn uống là tập thể dục.
Hơn nữa, tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng năng lượng trong các tế bào của cơ thể và làm giảm căng thẳng dẫn đến chứng đau nửa đầu. Nên cho trẻ tập thể dục 30 – 45 phút/lần, 3 – 4 lần/tuần.
Kiểm tra thiếu hụt dinh dưỡng: Một số chất bổ sung như riboflavin hoặc coenzyme Q10 (CoQ10) có thể giúp đỡ nếu con bạn bị thiếu. Ma-giê cũng có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngủ: Ngủ đủ giấc cũng là một cách quan trọng để trẻ tránh được chứng đau nửa đầu. Theo Hiệp hội Giấc ngủ quốc gia (Mỹ), trẻ em độ tuổi đi học nên ngủ từ 9 – 11 giờ/đêm, trong khi con số này ở thanh thiếu niên (14 đến 17 tuổi) là từ 8 – 10/giờ.
Ngọc Lam/TNO
Bình luận (0)