Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Làm sống dậy cây tre – nguồn nguyên liệu “xanh”

Tạp Chí Giáo Dục

Có khi xuất hiện giữa lễ hội ở thị thành, cái chõng tre lại có duyên. Nhưng để đưa sản phẩm từ làng quê này về thành thị không phải là việc đơn giản. Ông Trì Cảnh, chủ cơ sở nhỏ ở Chà Tro, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chuyên làm chõng tre, ghế dựa toàn bằng cây tre, nói: Cây tre khá phổ biến trong phum sóc, nhưng đang ngày một ít đi!

Du khách Pháp rất thích sản phẩm từ tre của Việt Nam.
Chưa coi trọng nguồn nguyên liệu
Ông Cảnh đã duy trì việc làm lâu nay cho tám lao động ở làng quê, mỗi tháng cơ sở của ông sử dụng ít nhất 500 cây tre đúng chuẩn, làm và bán ra vài chục bộ ghế tre, từ 40 – 50 cái chõng tre. Tuy chưa phải là nhiều, nhưng đó là ngưỡng an toàn để ông chủ Cảnh trả lương 3,5 triệu đồng/tháng cho một thợ chính, 3 triệu đồng/tháng/ thợ phụ và nuôi sống gia đình ông.
Cái dở của cây tre gai là dễ bị mối mọt, nên dù muốn làm ra sản phẩm mới, nhưng khi nghĩ tới việc xử lý công phu, tốn kém, ông Cảnh lại thôi. Cũng như ông Viễn Thành, chủ cơ sở chuyên làm hàng mỹ nghệ từ cây tre bông, cây tre từng là nguồn cảm hứng của anh Bảo, một doanh nhân trẻ ở tỉnh Trà Vinh, chuyên làm hàng mỹ nghệ bằng tre. Ông Phạm Hồng Trung, giám đốc một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương, người chưa có duyên gặp những người thích cây tre như ông Cảnh, ông Thành, anh Bảo, cho biết ông đã dò hỏi ở tỉnh Trà Vinh thì có người khuyên ông đừng đưa về vì giống tre không phù hợp. Ông Trung tỏ vẻ ray rứt khi ông nghĩ tới những phum sóc trồng tre, nơi nuôi dưỡng nghề đan lát nông cụ, hoặc hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng sao lại khó tìm được chỗ để trồng thử giống tre mới từ miền đông đưa về.
Ông Trung là người phát hiện giống tre khổng lồ ở miền Đông và nuôi ý tưởng ứng dụng công nghệ nén ép thành gỗ tre lót sàn từ nguyên liệu tre khổng lồ này. Giống tre quý hiếm đó cũng đã được chia sẻ cho khoa Nông nghiệp – sinh học ứng dụng, trường đại học Cần Thơ.
Chuyện lớn – chuyện nhỏ
“Chưa tính được chuyện lớn, câu chuyện những xiên tre (xiên cờ đôi, que tre dẹp, que xiên cờ, que càng cua, que quấn…) gắn với sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đạt doanh số 2 triệu USD/năm, nhưng không là gì với thị trường”, ông Trung tỏ ý tiếc rẻ những vùng đất tiềm năng, nhưng lại không biết làm sao để hợp tác trồng tre.
Ở tỉnh Bình Định, huyện Vĩnh Thạnh, nơi người dân trồng tre ngút ngàn, nhưng không có đầu ra. Ông Trung đã tình nguyện cung cấp giống mới cho người dân trồng, còn chính quyền khẳng định ủng hộ nông dân và doanh nghiệp bằng cách đưa cây tre vào chủ trương phát triển của địa phương và ông Trung lo khâu tiêu thụ. “Nằm yên mấy năm nay, tôi âm thầm sưu tập giống, chuẩn bị máy móc, thiết bị để làm nhiều sản phẩm từ tre. Vấn đề là kỹ thuật và nguyên liệu, còn thị trường là mênh mông”, ông Trung nói.
Ở tỉnh Trà Vinh, ông Trung từng kỳ vọng tìm ra đối tác tổ chức trồng tre trên quy mô 200ha. “Nếu như Trà Vinh muốn cải thiện thu nhập cho dân, xoá nghèo từ cây tre thì tôi có thể giúp giống để triển khai liền”, ông Trung nói với câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia (Cần Thơ), nơi gợi ý đưa giống tre mới về Trà Vinh. “Miệt mài với cây tre 15 năm, bây giờ đốn hạ một cây tre đủ chất lượng làm xiên que cũng phải biết chính xác đó là nguyên liệu tốt, chứ không chỉ xách dao chặt là xong. Nó không chỉ là nguyên liệu mà là cuộc sống của người khuyết tật tham gia lao động sản xuất, là môi trường sống tốt với cây tre”, ông Trung nói.
Hoạt động âm thầm của làng tre
Ngày hội làng tre Phú An mở ra triển vọng cho những ý tưởng sáng tạo từ chất liệu tre với 350 giống tre trong bộ sưu tập đầu tiên của TS Diệp Mỹ Hạnh. Nếu như KTS Võ Trọng Nghĩa lấy cảm hứng từ tre để có công trình Bamboo Wing tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, thì ông Trung lại chọn giải pháp cổ vũ cộng đồng phát triển nguồn vật liệu độc đáo từ cây tre để thoát nghèo.
TS Diệp Mỹ Hạnh, người sáng lập làng tre Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cho biết: Cách đây 12 năm, trên mảnh đất Phú An, người dân quyết tâm xây dựng và chẳng bao lâu sau, thế giới đã biết làng tre qua giải thưởng Xích đạo Equatorial 2010 về những sáng kiến biến khu “Tam giác sắt” thành “Tam giác xanh”, có công trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng.
Làng tre Phú An đã bị tả tơi sau cơn bão Pakhar. TS Mỹ Hạnh cho biết: “Chúng tôi thực sự kiệt sức sau bảy tuần cứu tre, nhưng lại học được rất nhiều điều chưa bao giờ có trong sách vở. Chúng tôi kêu cứu khắp nơi, tiếng kêu cứu lúc đầu gần như tuyệt vọng vì ai cũng khó khăn. Nhưng cuối cùng, có những tấm lòng vàng giúp chúng tôi dựng cây tre lên, trồng lại những bụi tre bị gió lốc quật ngã. Rồi thì xe cẩu, dây thừng, ròng rọc… của anh em đã đến giúp nâng nguyên bụi tre nặng cả tấn”.
Theo TS Mỹ hạnh, nếu không có GS Bouakhaykhone Svengsuksa hay ông giáo Jacques Gurgand, thì sẽ không có làng tre Phú An. Những người này đã có mặt từ đầu ở làng tre Phú An để chỉnh sửa dự án hợp tác, lần theo những khu rừng để sưu tập, nghiên cứu định danh tre và thiết kế hệ thống tưới nuôi dưỡng từng mụt măng để chúng trưởng thành. Những người yêu mến công việc của làng tre Phú An còn có cả các nhà khoa học ở vùng Rhône Alpes và những chuyên gia dự án, chuyên gia cây cỏ phía Nam (SEP) Bambou Indochine luôn hỗ trợ kinh phí, phương tiện giúp TS Mỹ Hạnh nuôi dưỡng khu bảo tồn này.
TS Mỹ Hạnh từ Pháp trở về nước làm việc tại đại học Khoa học tự nhiên, đã hướng dẫn các sinh viên cao học nghiên cứu các đề tài: Định danh loài tre thông thường ở Việt Nam, nghiên cứu cây tầm vông, nghiên cứu hệ sinh thái tre thường và tre hỗn giao (chứng minh trồng tre không hư đất). Thật ra, với kinh phí nghiên cứu cây tre còn hạn chế, TS Mỹ Hạnh đã đưa ra nhiều hướng hợp tác quốc tế và trường đại học Paris XI, Grenoble, bảo tàng Thiên nhiên quốc gia (Pháp) đã chú ý tới tâm huyết của TS Mỹ Hạnh, nên họ không chỉ hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, mà họ còn hợp tác đào tạo, giúp cho cây tre ở Việt Nam xuất hiện ở bảo tàng Thiên nhiên Pháp, nơi đứng đầu thế giới về nghiên cứu thực vật.
Tuy nhiên, theo TS Mỹ Hạnh, dù mở rộng nhiều hoạt động nghiên cứu, nhưng những người Pháp đã gây bất ngờ khi họ chế biến nước hoa từ cây tre. Có thể họ chiết xuất măng tre lấy mùi và với bí quyết còn giữ kín, họ đã làm cho nhiều người chú ý tới làng tre Phú An khi chọn nơi đây để giới thiệu sản phẩm độc đáo của mình.
bài và ảnh: Hoàng Lan
SGTT.VN 
Làng tre Phú An
Theo TS Mỹ Hạnh, dự án Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An đã kết thúc, hiện nay trở thành trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thuộc đại học quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, cư dân địa phương lại quen gọi là làng tre Phú An. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên có chức năng: nghiên cứu cơ bản về cây tre và ứng dụng của nó; tổ chức đào tạo từ tiến sĩ trở xuống và giáo dục cộng đồng (thực hiện những lớp học xanh cho học sinh tiểu học tới trung học về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, kỹ năng sống thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu về tre). Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức du lịch sinh thái để du khách có thể khám phá những nét đẹp, những đặc tính quý báu của cây tre để mọi người có cách ứng xử phù hợp hơn với cây tre, với rừng và với thiên nhiên.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)