Cô Vân trò chuyện với hai trẻ bị lòa |
Chỉ với mong ước cho những đứa trẻ khiếm thị được đến trường, cô Nguyễn Thị Thu Vân – nhân viên tổ chăm sóc ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – đã không ngần ngại đi đến những vùng sâu vùng xa, để tư vấn, khuyến khích các gia đình cho con em được đi học. Thậm chí, không ít lần cô bị phụ huynh xua đuổi “đã mù thì làm sao học được” hay “mù thì làm gì được mà đi học cho mất thời gian”…
Không vì những hành động xua đuổi hay những lời mỉa mai đó mà cô Vân nản chí bỏ cuộc. Vậy động lực nào đã khiến cô kiên nhẫn để đưa được các trẻ khiếm thị đến trường, hòa nhập với cộng đồng?
Có học mới tự tin hòa nhập cuộc sống
Cô Vân kể: “Năm 1984, khi tôi xin vào làm thì trường mới chỉ có hơn 30 em. Thời điểm này trường rất ít người biết tới. Vì vậy, cứ đến mùa hè, các thầy cô trong trường phải đi xuống các vùng sâu, vùng xa để vận động những gia đình có con em bị mù đi học. Lúc đó tôi còn trẻ lại rất tha thiết với việc trẻ mù được đến trường, vì có học các em mới tự tin hòa nhập với cuộc sống. Vì lý do đó mà tôi tình nguyện đi chiêu sinh với các thầy cô. Mỗi ngày đạp xe từ sáng sớm đến tối khuya, ngày này qua ngày khác, bất kể nắng mưa, bất kể đường đất khó đi, bất kể những lời khước từ lịch sự hay thô lỗ của những gia đình không muốn cho con em đi học. Hồi đó, người dân ở các vùng Cần Giuộc, Cần Đước (Long An); Gò Công (Tiền Giang); Củ Chi, Bình Chánh (TP.HCM)… còn nghèo lắm. Có những lần phải đi ghe, đi cầu khỉ đến những gia đình nghèo cơm không có mà ăn, hay chỉ ăn cơm với… nước cơm (cơm khi nấu cho nhiều nước, đợi khi sôi chắt lấy nước đó làm canh – PV); có nhà biết chúng tôi tới thì đi bắt mấy con cá lòng tong về đãi khách… Chứng kiến cảnh vất vả khốn cùng của bà con, nhìn những bữa ăn “trắng” không có gì ngoài cơm, tôi không thể cầm lòng…”. Cô Vân kể cho chúng tôi nghe mà hai con mắt đỏ hoe từ lúc nào.
Sau này, khi mọi người biết đến trường nhiều hơn cũng như thấy hiệu quả của việc dạy học nên phụ huynh tự mang con đến gửi cho trường. Cũng từ đó, các thầy cô không còn vất vả đi chiêu sinh nữa. Nhưng cứ mỗi dịp hè, cô Vân lại theo các em về quê chơi, thăm nhà.
“Mấy đứa mù mà nhớ đường về nhà mình, giỏi lắm. Nhà qua bao nhiêu cái cầu, dù ngoằn ngoèo khó đi chúng vẫn nhớ, dẫn tôi về nhà cho bằng được. Tôi muốn tạo sự thân tình giữa mình với các em. Tôi coi các em như con của mình vậy. Sống một mình rảnh rang, tôi dành hết thời gian, gần gũi, giúp đỡ, chia sẻ khi chúng cần”, cô Vân bộc bạch.
“Làm tay, làm mắt” cho trẻ khiếm thị
“Xin vào trường khiếm thị làm việc, tôi ý thức mình muốn gì và mình phải làm gì, nên ngay từ đầu tôi để ý xem trẻ khiếm thị cần gì. Tôi có đủ tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống, trong khi chúng không có nhiều thứ. Chúng chỉ có thể cảm nhận cuộc sống qua thính giác hay qua xúc giác. Các em cần đôi mắt để nhìn, cần bàn tay để tự chăm sóc bản thân. Vì vậy tôi tự nhủ sẽ “làm tay, làm mắt” cho các em nên tự học chữ nổi để giúp cho công việc làm thư viện, đóng sách, làm sách chữ nổi”, cô Vân tâm sự. Theo cô Vân, thường trẻ bị khiếm thị còn mắc thêm các tật khác như nói ngọng, động kinh… nên việc dạy các em không dễ chút nào. Tỷ lệ dạy -học lý tưởng là một thầy – một trò, nhưng số lượng giáo viên ở trường không nhiều nên mỗi người phải phụ trách 6-7 em.
“Tôi là người chuyên nghề “ngoại khóa” nên cũng tập hiểu từng em. Khi rảnh rỗi thì trò chuyện với chúng. Mới đầu các em sợ tôi vì tôi thẳng, dễ nạt, nhưng dần cô trò quen nhau và hiểu nhau hơn. Sống với các em riết tôi cũng mềm lòng hơn”, cô Vân nói.
Hỏi về những kỷ niệm, cô Vân cho biết nhớ nhất là những lần dẫn các em đi biểu diễn văn nghệ. “Lần nào cũng vậy, dù đã sắp xếp trước cho các em như đứng hướng mặt về khán giả khi biểu diễn, rồi chỉ rõ hát xong thì đi về hướng nào… Nhưng khi hát xong các em lại quay lung tung, không định hướng được. Chào khán giả mà các em cứ quay mặt đi hướng khác, nhìn mà thương không cầm được nước mắt. Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, các trẻ ở đây mù hai con mắt, nên lúc nào trong lòng tôi cũng “nhìn thay, hiểu thay” để chỉ bảo cho chúng”, cô Vân xúc động tâm sự.
Ước mơ một mái ấm tình thương
26 năm gắn bó với trẻ khiếm thị, dù không hề được mang chức danh cao quý là “nhà giáo”, nhưng khi nghe chuyện về đời “làm tay, làm mắt” của cô Vân đối với trẻ khiếm thị khiến ai cũng xúc động vô cùng. Giờ cô đã nghỉ hưu, nhưng lòng cô luôn hướng về trẻ khuyết tật. Hiện tại cô là tình nguyện viên Hội Loreto (một tổ chức phi chính phủ chuyên lo cho các trẻ khuyết tật) – mỗi chiều thứ ba, thứ năm cô vẫn đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để dạy tiếng Anh và chiều thứ bảy dẫn các em đi bơi.
Chúng tôi hỏi cô về những điều còn trăn trở, cô tâm sự rằng còn một mong muốn mà lâu nay chưa làm được, đó là ước mong xây một căn nhà để quy tụ những trẻ khiếm thị khi các em đã ra trường. Đó sẽ là nơi cho các em đến, tụ họp giao lưu văn nghệ, hay đơn thuần chỉ là nơi dừng chân, chia sẻ tìm được sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Có được gặp, được nói chuyện với những người như cô Vân chúng tôi mới thấy cuộc đời còn rất nhiều những cảnh đời cần được giúp đỡ. Và cuộc đời thật sự cần thêm nhiều những con người như cô.
Bài, ảnh: Phùng Duyên
Bình luận (0)