Lãnh đạo các trường phổ thông phải biết ngoại ngữ để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Trong ảnh là đoàn giáo dục Malaysia sang giao lưu tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM). Ảnh: T.T.Q |
Bộ GD-ĐT đã ban hành 3 tiêu chuẩn với 23 tiêu chí đánh giá hiệu trưởng (HT) các trường phổ thông. Trong đó, tiêu chí về chuẩn hóa ngoại ngữ là một trong những tiêu chí được nhiều nhà quản lý giáo dục ủng hộ tích cực.
Điều kiện thiết yếu của HT trong thời hội nhập
Nhiều HT cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá HT rất phù hợp và cần thiết đối với những người quản lý trường học. Thầy Trần Mậu Minh, HT Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) chia sẻ: “Người HT cần nắm bắt được thông tin phát triển giáo dục chung của thế giới để biết cái hay của các nước có những cải cách giáo dục tiến bộ. Tiếng Anh đang là một ngôn ngữ phổ biến được nhiều nước sử dụng, mỗi HT nên coi kỹ năng ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu đối với nghề nghiệp của mình”.
Hiện nay nền giáo dục nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập, các buổi tập huấn dành cho HT không chỉ được tổ chức giữa các giáo viên cùng quận, huyện… mà còn có cả giáo viên nước ngoài tham gia. Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, HT Trường THCS Đống Đa (Bình Thạnh) cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia các buổi tập huấn giáo dục với các giáo viên nước ngoài. Tất nhiên, trong những buổi tập huấn này sẽ có người phiên dịch nhưng nếu mình giỏi ngoại ngữ, mình sẽ nắm bắt được vấn đề nhanh hơn và hiểu được sâu hơn, rộng hơn”.
Không chỉ vậy, trong chương trình giảng dạy ngoại ngữ tại nhiều trường phổ thông đã có sự tham gia của các giáo viên bản ngữ. Vì vậy, theo thầy Nguyễn Hữu Hạnh: “HT cần phải biết ngoại ngữ để không chỉ đánh giá và góp ý với các bài giảng của giáo viên bản ngữ mà còn phải trao đổi để hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó, họ mới gắn kết với công việc giảng dạy tốt hơn”.
Có thể nói, HT có trình độ cao về ngoại ngữ là một lợi thế tốt để quản lý việc giảng dạy trong nhà trường. Cô Nguyễn Kim Trưng – HT Trường THCS Lam Sơn (Bình Thạnh) chia sẻ: “Khi tham dự giờ thao giảng của giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh, nếu HT có năng lực ngoại ngữ tốt chắc chắn sẽ đánh giá sâu sắc hơn trình độ giảng dạy của giáo viên tiếng Anh, từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp cho giáo viên”. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hiện nay hầu hết HT các trường phổ thông đều đang ở độ tuổi 40-50, có một số HT chuẩn bị về nghỉ hưu. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là có nên bắt buộc các HT chuẩn bị nghỉ hưu phải đạt chuẩn về ngoại ngữ hay không?
Cô Nguyễn Kim Trưng nói: “Chúng ta đang hội nhập, những HT sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có nghĩa rằng họ không thể tiếp tục học nữa để trau dồi kiến thức. Vì vậy, tôi cho rằng HT phải có trình độ ngoại ngữ là một tiêu chí hoàn toàn thực hiện được”.
Có tránh được chuyện “chạy” theo chuẩn hóa văn bằng?
Trước khi Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí chuẩn ngoại ngữ dành cho HT, hầu hết các HT trường THCS trên địa bàn TP.HCM đã được phòng GD-ĐT quận, huyện tổ chức, bồi dưỡng các chuyên đề về ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong một thời gian dài không thường xuyên sử dụng, năng lực ngoại ngữ của các HT cũng giảm dần. Vì vậy, khi tiêu chí này ban hành, nhiều HT cho rằng: “Đã chuẩn hóa văn bằng thì HT cần phải thường xuyên sử dụng ngoại ngữ”.
Cô Nguyễn Kim Trưng cho biết: “Trước đây, HT các trường THCS đã học các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ nhưng qua một thời gian dài ít sử dụng nên vốn ngoại ngữ không còn như ban đầu. Tuy nhiên, khi được biết về quy định mới này, tôi rất ủng hộ vì hiện nay nếu không có trình độ ngoại ngữ, việc tham khảo các tài liệu nước ngoài đối với thầy cô là rất khó khăn”.
Còn theo thầy Trần Mậu Minh, để tránh tình trạng chạy theo bằng cấp, chúng ta không chỉ chuẩn hóa văn bằng mà nên thường xuyên có các chương trình bồi dưỡng chuyên đề theo đặc trưng của ngành giáo dục. Việc bồi dưỡng ngoại ngữ theo đặc trưng của ngành sẽ hay hơn là đặt tiêu chuẩn phải có bằng cấp.
Đây cũng là ý kiến được nhiều HT đóng góp khi tiêu chí chuẩn về ngoại ngữ được ban hành. Có năng lực ngoại ngữ giúp HT quản lý tốt hơn, nắm bắt nhanh hơn tình hình giáo dục thế giới. Tuy nhiên, tình trạng chạy theo bằng cấp đang là một vấn nạn của xã hội. Vì vậy, vấn đề “tránh chạy theo chuẩn hóa văn bằng” được nhiều HT đề cập đến.
DƯƠNG BÌNH
Chúng ta đang hội nhập, những HT sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có nghĩa rằng họ không thể tiếp tục học nữa để trau dồi kiến thức. Vì vậy, tôi cho rằng HT phải có trình độ ngoại ngữ là một tiêu chí hoàn toàn thực hiện được – Cô Nguyễn Kim Trưng – HT Trường THCS Lam Sơn khẳng định. |
Bình luận (0)