Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? – Hiệu trưởng phải tin tưởng và tôn trọng ý kiến giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Được lãnh đạo tin tưởng, GV mới phát huy hết năng lực trong chuyên môn (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Theo tôi, có ba yếu tố quyết định đến sự đổi mới về chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên (GV), điều kiện dạy học và sĩ số học sinh (HS) trong từng lớp. Ở các trường, bên cạnh những GV lâu năm còn có GV trẻ nên đội ngũ thường không đồng đều về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm.
1. Tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền hai năm nay có 28 giáo viên mới về nhận công tác, lực lượng trẻ rất đông. Các bạn mới ra trường có thế mạnh về lòng nhiệt tình, sự năng động nhưng vẫn đang có hạn chế về chuyên môn vì chưa có kinh nghiệm. Để rút ngắn khoảng cách đó lại chúng tôi đã tìm các giải pháp như cho các em dự giờ và tăng cường thao giảng các tiết dạy. GV lâu năm có trách nhiệm dìu dắt GV trẻ qua công việc cụ thể như rút kinh nghiệm dự giờ, hướng dẫn soạn đề cương… Theo đó, trước khi thông qua ban giám hiệu nhà trường, các bài soạn đều thông qua tổ chuyên môn. Không chỉ thống nhất từng chương mà còn phải thống nhất cả từng bài, nhất là những bài mới, bài khó. Kiểm tra học kỳ cũng theo cấu trúc đề chung toàn khối để cân đo được độ khó của đề và giúp đánh giá chất lượng HS thực chất hơn. Sự thống nhất này sẽ tạo được tiếng nói chung về chuyên môn và cách làm việc từ cấp thấp nhất. Các em HS hiện nay thường yếu phần vận dụng và thực hành. Vì thế muốn nâng cao chất lượng học tập của học sinh, các tiết học cần giảm lý thuyết và tăng thực hành. Thực hành không chỉ giúp HS nhớ bài lâu mà còn tạo thêm hứng thú trong học tập đồng thời tăng khả năng vận dụng cho người học. 
2. Thực tế hiện nay trường nào cũng có khó khăn, có trường khó khăn ít có trường khó khăn nhiều. Vấn đề ở chỗ không phải chỉ ngồi ca thán mà phải biết xoay xở, khắc phục những khó khăn đó tùy theo hoàn cảnh của đơn vị. Nhà trường có thể vận động từ nguồn PHHS đóng góp để có đủ cơ sở vật chất học tập cho con em mình. Chỉ cần mỗi năm thêm được một phòng học là sẽ giảm bớt được tình trạng khó khăn lâu dài của nhà trường. Cũng nên cho PHHS biết đó là trách nhiệm của gia đình đối với chuyện học hành của con em mình chứ không chỉ là lòng hảo tâm.
Trước đây kêu gọi anh em GV cống hiến rất dễ nhưng bây giờ lại khác, nhất là khi thu nhập không đồng đều. GV các môn tiếng Anh, toán, lý, hóa nếu ra ngoài dạy có tiền thù lao cao hơn nên tìm cách giữ chân họ rất khó. Một số GV vẫn có tâm trạng “đứng núi này trông núi nọ” chưa thật sự an tâm khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Chúng tôi thường làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên về mặt tinh thần cho anh em. Thấy ban giám hiệu chăm lo và quan tâm tới quần chúng thì họ cũng an tâm và sẽ cống hiến nhiều hơn.
Thấy ban giám hiệu chăm lo và quan tâm tới quần chúng thì GV cũng an tâm và sẽ cống hiến nhiều hơn.
3. Chúng tôi cũng rất trăn trở về việc giáo dục đạo đức cho HS và tập trung nhiều công sức cho công tác này. Giáo dục đạo đức thường gắn với các phong trào thi đua nhưng không chỉ là phong trào bề nổi, xong rồi là thôi. Bên cạnh các GV bộ môn, hơn ai hết đội ngũ GV chủ nhiệm có vai trò lớn trong chuyện này như giáo dục tính tự quản, tính tự trọng và tự phục vụ của học sinh. Phải để cho các em biết tự phục vụ cho bản thân rồi phục vụ cho người khác mà đây là một mặt yếu của HS hiện nay nhất là những gia đình mà bố mẹ quá cưng chiều. Không thể để HS quan niệm thầy cô là người làm thuê, thiếu tôn trọng công việc lao động của GV.
4. Bên cạnh hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng cũng phải có năng lực vận động và tập hợp quần chúng. Làm việc phải khoa học, đều tay và có tinh thần trách nhiệm cao. Cũng như một cỗ máy nếu các đầu mối làm việc “ngon” thì công việc vận hành suôn sẻ, nếu mắc một chỗ thì sẽ có sự cố dây chuyền. Trong thời gian thực hiện nếu có gì sai thì phải ghi nhận lại và sau đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Hiệu trưởng cần tạo khoảng không gian cho phó hiệu trưởng chủ động, biết đề xuất ra các hướng giải quyết phù hợp. Những công việc liên quan đến mảng quản lý của mình thì người lãnh đạo phải biết đề đạt, chứ không theo kiểu “nhất cử nhất động” cái gì cũng chờ ý kiến cấp trên. Ví dụ đưa ra đề xuất mua máy trình chiếu bài giảng, trang bị máy chấm bài… nếu thấy cần thiết và đủ kinh phí. Các phó hiệu trưởng còn phải biết chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp ý kiến vì “ba bốn cái đầu vẫn hơn một cái đầu”, như vậy mới tránh được sai sót. Cũng giống như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo nhà trường, họ thường được coi là người “hiệu trưởng thứ 2”. Hiệu trưởng phải là người biết tôn trọng ý kiến quần chúng và luôn tin tưởng vào anh em. Giao việc cho ai làm cũng cần kiểm tra và có sự phản hồi để biết kết quả làm được tới đâu.
 
Các em HS hiện nay thường yếu phần vận dụng và thực hành. Vì thế muốn nâng cao chất lượng học tập của HS, các tiết học cần giảm lý thuyết và tăng thực hành.
Chăm lo và đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
– Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên: Tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên ở các trường, khoa sư phạm. Đầu tư nâng cấp các trường, các khoa sư phạm. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường và khoa sư phạm, đặc biệt là đào tạo giáo viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Phân công các trường ĐH sư phạm hỗ trợ phát triển đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục tại một số tỉnh, thành phố đặc trưng.
– Khắc phục việc thiếu giáo viên tại một số tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được tuyển dụng: Tất cả các sở GD-ĐT cần xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, các môn học giai đoạn 2009 – 2015, lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu của tỉnh, đặt hàng các ĐH, CĐ sư phạm trong và ngoài tỉnh đào tạo, kết hợp các chính sách khuyến khích giáo viên công tác tại địa phương, đảm bảo từ sau năm 2012 không còn tình trạng thiếu giáo viên có chất lượng ở tất cả các bậc học và môn học. Công khai các tiêu chí, quy trình và kết quả tuyển dụng giáo viên ở các trường, các phòng và sở GD-ĐT.
– Chuẩn hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng cán bộ quản lý giáo dục: Tổ chức các lớp bồi dưỡng 15.000 hiệu trưởng trường phổ thông giai đoạn 2008-2010 theo đề án hợp tác với Singapore. Triển khai đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông thông qua ý kiến giáo viên.
– Chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Triển khai việc luân chuyển giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác lâu năm ở những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn.
P.V (nguồn Bộ GD-ĐT)
 
Hồ Cam Thanh 
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)