Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? Muốn làm việc tốt phải có cơ chế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quản lý một ngôi trường đông học sinh, hiệu trưởng rất cần một cơ chế “thoáng”. Ảnh: T.B

1. Gần đây Bộ GD-ĐT đã có những quy định mới về chức danh của một hiệu trưởng trong nhà trường nhằm bổ sung những nội dung cần thiết để khẳng định thêm vai trò của người lãnh đạo. So với thời kỳ trước, bây giờ Nhà nước đã quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ quản lý giáo dục và lấy khâu đổi mới đào tạo quản lý giáo dục làm bước đột phá. Tôi thấy đó là một điều hoàn toàn đúng và phù hợp với xu thế vì nó quyết định sự phát triển của nhà trường. Có thể nói cả một thời gian dài công tác này chưa được chú ý đúng mực. Ngoài trang bị kiến thức giáo dục họ còn được trang bị thêm về năng lực tổ chức, quản lý tài chính… mà trước đây còn rất xa lạ, không hề biết đến. Vì thế Trường cán bộ quản lý giáo dục đã trở thành đầu mối đào tạo đội ngũ cán bộ giáo dục cốt cán do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trực tiếp quản lý.
2. Trong 33 năm hoạt động trường đã đào tạo được hàng chục ngàn cán bộ nòng cốt của ngành. Cũng do nhu cầu đào tạo mà thời gian gần đây nhà trường đã bắt đầu đổi mới sâu sắc về nội dung giảng dạy, chương trình đào tạo. Ngoài việc đào tạo chương trình như trước đây chúng tôi còn cập nhật thêm những nội dung, chương trình tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Trong đó có
chương trình đào tạo Việt Nam – Singapore do Bộ trưởng khởi
xướng. Chúng tôi đã đưa nội dung đến tận các hiệu trưởng và đã có 30.000 người được cập nhập chương trình tiên tiến này. Vì sao chúng tôi chọn đất nước Singapore? Vì đây là một nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, có điều kiện địa lý, văn hóa, xã hội gần giống Việt Nam. Song song đó nhà trường đã mở các chương trình đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay như nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục do tập thể giảng viên trường biên soạn và trực tiếp giảng dạy. Chương trình đổi mới về quản lý tài chính này được thực hiện ban đầu tại Sở GD-ĐT Vĩnh Long, Sóc Trăng và An Giang đã có 1.600 hiệu trưởng và kế toán trưởng tham gia. Chương trình kiểm định giáo dục cũng được chúng tôi triển khai xuống mỗi cơ sở giáo dục để họ tự đánh giá. Trong đào tạo, chúng tôi tập trung hướng đổi mới về công tác bồi dưỡng cho đội ngũ thầy cô chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn và những cộng tác viên khác. Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng là một kiểu mẫu quản lý nhà trường mà hiện nay chúng ta đang dồn sức thực hiện. Ngoài tăng cường cơ sở vật chất chúng tôi còn đổi mới xây dựng giáo trình, đưa những nội dung thích hợp vào giảng dạy sát với thực tiễn hơn. Thông qua điều tra thực tế chúng tôi đặt nặng rèn luyện kỹ năng về nghề, coi trọng thực hành. Tiếp tục duy trì Câu lạc bộ Giám đốc sở các tỉnh phía Nam (hiện có 20 giám đốc và phó giám đốc sinh hoạt) nhằm đề đạt những ý kiến xây dựng và trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Trước đây chúng ta đã xây dựng những nhân tố điển hình như Bông hoa giáo dục, những con chim đầu đàn thì bây giờ trong cơ chế này cần phải quan tâm hơn, nhất là việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức. Ví dụ như một giáo viên chủ nhiệm nếu có tấm lòng thì không chỉ xử phạt học sinh bỏ học mà tìm hiểu nguyên nhân em học sinh đó bỏ học để tìm cách giúp đỡ giải quyết. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bằng ảnh hưởng của thầy cô mà học sinh sẽ trở lại trường. Một tổ trưởng chuyên môn không chỉ là một nhà sư phạm, nhà khoa học mà còn là người đầu làng trong chuyên môn. Khi bài toán có nhiều cách giải thì tổ trưởng là người đưa ra được cách giải hay nhất. Hiện nay có một số hiệu trưởng, giám đốc trẻ chỉ ngoài 30-40 tuổi nhưng rất năng động, quyết đoán, điều hành tốt mọi việc. Ngoài trình độ kiến thức họ thật sự nhạy bén, tiếp cận được những cái mới từ bên ngoài. 
3. Ở Singapore, cán bộ quản lý muốn được bổ nhiệm thì trước hết phải có giấy chứng nhận, chứng chỉ hay bằng cấp… Còn ở ta vẫn có tình hình ngược lại, bổ nhiệm công tác rồi mới đi học, mới được đào tạo. Theo tôi hiện nay việc đào tạo cử nhân cán bộ quản lý cũng không nên vì vừa tốn tiền và phí công đào tạo. Vấn đề bất cập này tôi cũng đã kiến nghị nhiều rồi. Đào tạo cán bộ cử nhân bằng 2 thì được, học viên cần học sau đại học để có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo bằng 1 cử nhân cho cán bộ quản lý giáo dục là không được. Đây là chuyện tôi rất trăn trở vì trong lúc chúng ta tiết kiệm từng đồng thì đổ ra tiền tỷ để đào tạo.
4. Cuối cùng, điều tôi nói là muốn làm việc được thì phải có cơ chế. Chúng ta hiện có cơ chế tự chủ nhưng vẫn còn bị trói buộc, trách nhiệm cao. Chỉ mới nói chứ chưa làm được, còn rất khó khăn trong quản lý. Một hiệu trưởng từng than: Trường không có tiền, thiếu kinh phí lấy gì mà tự chủ (?). Vì có chính sách tự chủ thì hiệu trưởng mới sáng tạo và năng động hơn. Không chỉ quản lý nội bộ, hiệu trưởng còn phải có quan hệ đối ngoại tốt để tận dụng các tiềm năng của các đoàn thể. Nếu địa phương, chính quyền quan tâm thì sẽ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Hiện nay có một số hiệu trưởng chỉ ngoài 30-40 tuổi nhưng rất năng động, quyết đoán, điều hành tốt mọi công việc. Ngoài bản lĩnh vững vàng, họ còn có tấm lòng trong sáng, đạo đức tốt – PGS.TS Nguyễn Xuân Tế.
Đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010. Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Triển khai thực hiện các đề án phát triển giáo dục.
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu và tổ chức đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Tổ chức triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển giáo dục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020; Kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục: Tiếp tục tổ chức tọa đàm, giới thiệu điển hình đổi mới phương pháp dạy học ở các trường và các tỉnh. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp giảng dạy. Xây dựng thư viện câu hỏi kiểm tra, bài tập các môn học để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng trong dạy và học, tự kiểm tra, đánh giá. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học. Các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ sư phạm xây dựng nguồn học liệu mở hỗ trợ giảng dạy và học tập các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đưa lên website của các sở và Bộ GD-ĐT để giáo viên, học sinh cả nước tham khảo (mỗi địa phương xây dựng tư liệu về văn hóa, lịch sử, địa lý, danh nhân của địa phương mình). Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng. Tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử.
P.V (Nguồn Bộ GD-ĐT)
 
PGS.TS Nguyễn Xuân Tế
(Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý giáo dục)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)