Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? – Người lãnh đạo phải biết chia sẻ với giáo viên, học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người lãnh đạo phải biết quan tâm đến giáo viên, học sinh (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Trong công cuộc đổi mới của ngành giáo dục, nguồn động viên, sự chia sẻ của cán bộ lãnh đạo đối với người dạy, người học rất quan trọng. 
1. Người lãnh đạo tốt phải biết lăn lộn với phong trào, biết chia sẻ gánh nặng đối với giáo viên, học sinh, biết thông cảm với hoàn cảnh của mỗi gia đình. Người lãnh đạo đứng chỉ tay năm ngón, chỉ biết ra lệnh và phán quyết thì không bao giờ hiểu được suy nghĩ và việc làm của người dưới quyền. Có một trường nọ thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có phòng phụ đạo, bồi dưỡng, trong khi đó những phòng học cấp bốn tận dụng được lại cho dỡ bỏ, hóa giá, giáo viên phải đem học sinh về “bồi dưỡng ở nhà riêng”. Ban giám hiệu lại cho rằng việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giáo viên “đã là người làm công ăn lương thì chỉ biết chấp hành nhiệm vụ được giao”. Kết quả học trò đi thi không có giải, lãnh đạo giở “bảo bối” ra, đòi “cắt danh hiệu thi đua”, đòi “thuyên chuyển công tác”. Có một số trường, hiệu trưởng ăn chặn, ăn bớt chế độ tiền lương thu hút của giáo viên miền núi. Vụ việc vỡ lở, hiệu trưởng bị cách chức… 
2. Những việc làm sai trái nói trên của một số hiệu trưởng, vì tế nhị tôi không nêu đích danh, tôi chỉ nêu những tấm gương của những cán bộ khắc phục tốt các khó khăn, biết phát huy nội lực của đơn vị mình. Thầy Trần Ngọc Thi (*) (Quảng Trạch – Quảng Bình) là một thương binh đã để lại một cánh tay trong chiến trường miền Nam. Tốt nghiệp đại học thầy về dạy ở một trường cấp 3 vừa học vừa làm, cách nhà gần ba chục cây số. Trong những ngày gian khó đó thầy đã đi đến từng nhà vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Về làm hiệu trưởng trường làng, hàng tuần thầy đã tham khảo ý kiến của giáo viên qua hội nghị giao ban, thầy đã đặt ra hộp thư “Điều em muốn nói” để học sinh đối thoại với thầy hiệu trưởng. Thầy chia năm học ra thành nhiều đợt thi đua, theo dõi sát sao từng công việc mà mỗi giáo viên, mỗi tổ chuyên môn đảm nhiệm.. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi thầy cân nhắc từng giáo viên “chọn mặt gửi vàng” và cho trừ vào tiết dạy chính khóa. Trong phong trào ứng dụng CNTT thầy đã vận động giáo viên toàn trường mua máy tính, ai thiếu tiền thì thầy cho mượn, nên chỉ trong một thời gian ngắn ai cũng sử dụng được máy vi tính. Thầy đã vận dụng sức mạnh của Hội khuyến học, Hội phụ huynh học sinh mua cho mỗi tổ chuyên môn một máy tính xách tay. Bản thân thầy tuy đã già, lại một tay nhưng lại là con chim đầu đàn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy. Thầy biết tận dụng các phòng học cấp 4 đã hư hỏng cho tu sửa lại, để phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong những ngày hè, học sinh lớp 9 ôn thi chuyển cấp, thầy tự nguyện dạy thêm cho các em (không thu tiền) thầy cũng xuống trường dự cho hết buổi học, để động viên. Thầy bám sát các cuộc thi của giáo viên, học sinh ở huyện, ở tỉnh. Giáo viên, học sinh cần gì là thầy đáp ứng ngay, bởi vậy tuy là một trường miền núi các em đã đem về nhiều huy chương vàng trong Hội Khỏe Phù Đổng tỉnh cùng nhiều giải học sinh giỏi các bộ môn văn hóa. Thầy đánh giá rất công bằng, chính xác nhưng thiên về động viên, khen thưởng hơn là trách phạt. Thầy biết động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đưa thành tích về cho nhà trường. Ngoài tiền thưởng của Hội khuyến học, nhà trường và Công đoàn đều thưởng thêm cho thầy, trò đạt giải. Tiền thưởng tuy nhỏ (năm, bảy chục ngàn) nhưng đã khích lệ được thầy trò rất nhiều. Chính nhờ thế, trong khi một số hiệu trưởng các trường phải viết bản kiểm điểm gửi về Phòng Giáo dục vì chất lượng vào cấp 3 quá thấp thì trường tôi năm nào cũng có học sinh đạt điểm cao nhất vùng. Biết hy sinh vì công việc, biết coi việc trường như việc nhà mình. Những ngày cuối đời, đang nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế vì căn bệnh ung thư gan, thầy vẫn dùng điện thoại di động để chỉ đạo thầy trò ở nhà chống cơn bão số 9 vừa qua (trường cách bệnh viện 200 cây số). Trong những ngày nằm liệt giường, những học trò sau hơn 30 năm, cách xa hàng trăm cây số kéo nhau về thăm thầy. Đó là phần thưởng vô giá cho một cán bộ lãnh đạo, một người thầy hy sinh vì sự nghiệp giáo dục.
3. Sự nghiệp đổi mới rất cần có những cán bộ lãnh đạo như thế. Thầy Đặng Xuân Lộc – Trưởng phòng Giáo dục Quảng Trạch (Quảng Bình) có một thời là tổ trưởng tổ toán ở một trường miền núi. Thầy đã bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh đạt giải môn này. Khi làm Hiệu phó nhà trường, thầy băn khoăn tại sao học sinh không thích môn văn. Nhiều giáo viên nói rằng môn văn khó học. Thầy xoay sang nghiên cứu bộ môn văn và hệ quả cuối cùng là thầy trở thành thạc sĩ văn học. Đặc biệt cô Nguyễn Thị Nghĩa, nay là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Thuở còn là giáo viên Trường THCS Nguyễn Hàm Ninh (Quảng Trạch – Quảng Bình) cô luôn luôn trân trọng, nâng niu những học sinh học giỏi. Lên làm Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cô thường đến thăm nhà những giáo viên và học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Có những em học sinh ở nông thôn vào thành phố học trường chuyên của tỉnh, không có tiền thuê nhà trọ, cô đã cho các em đến ở nhà mình. Cô coi các em như con. Cô đã cho các em tiền để mua thêm sách vở. Cảm kích trước tình cảm của cô, có em (lớp chuyên Anh) hai năm liền giành được hai giải học sinh giỏi quốc gia.
4. Chính sự trân trọng nâng niu những thành tích của người khác, biết chia sẻ lo toan, trăn trở của nhân viên dưới quyền mình đã đem lại thành công trong công tác lãnh đạo. Nhân viết bài này tôi bỗng nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người lãnh đạo phải biết đặt mình vào vị trí của người khác, biết tôn trọng nhân cách của họ. Đổi mới công tác quản lí là phải đổi mới cách nhìn, cách nghĩ của lãnh đạo đối với giáo viên, học sinh.
 
Những ngày cuối đời, đang nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế vì căn bệnh ung thư gan, thầy Trần Ngọc Thi vẫn dùng điện thoại di động để chỉ đạo thầy trò ở nhà chống cơn bão số 9 vừa qua (trường cách bệnh viện 200 cây số)Hoàng Minh Đức
 
Hoàng Minh Đức
(Trường THCS Quảng Minh – Quảng Trạch – Quảng Bình)
(*) Thầy Trần Ngọc Thi vừa mất cách nay gần 2 tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)