Giáo viên phải yêu thương học sinh như con cái và thân thiết với các em như bạn bè. Có như vậy các em mới thích đến trường học. Ảnh: P.Q |
“Em yêu trường em với bao bạn thân và cô giáo hiền như yêu quê hương, cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương…”. Khi đứa trẻ ở bậc tiểu học đến trường, cất lên lời hát như thế thì chắc chắn rằng chúng rất yêu trường lớp và rất thích đi học nhưng làm thế nào để trẻ thích đi học? để trẻ yêu trường, mến lớp như ngôi nhà thứ hai của mình? Đó chính là công việc không hề đơn giản mà nhà trường và thầy cô tiểu học phải thực hiện.
Rời khỏi trường mầm non, hành trang các em mang theo lên bậc tiểu học là những bài hát, những điệu múa, là những trò chơi… là tiếng cười rộn vang với bạn bè, với các cô giáo mầm non dịu hiền như cô Tấm. Lên lớp 1, môi trường thật xa lạ, bạn bè quen thuộc nhìn chẳng thấy đâu, các cô và nhất là các thầy lại càng thấy xa cách hơn, chưa kể đến phải ngồi suốt mấy giờ liền, nghe thầy cô dạy, rồi đọc, viết, làm toán,… sao mà khó khăn, mệt mỏi quá! Lên lớp 2, 3, 4, 5 thì bài học càng nhiều, càng khó, thời gian vui chơi càng ít dần đi… đã dẫn đến việc trẻ lười học, chán học là điều không tránh khỏi.
Vậy nhà trường và các thầy cô giáo tiểu học phải làm gì để các em thích học? Để các em muốn đến trường? Theo tôi, trước tiên, trường lớp phải sạch đẹp, không cần trường quá to, hiện đại mà cần làm sao cho các em cảm nhận được nó xinh xắn với màu sơn sáng sủa, với sân chơi sạch sẽ, có cây che bóng mát, có hoa lá trong sân, có những ghế đá ngồi đọc sách hay trò chuyện cùng bạn bè… nói nghe dễ như thế nhưng thực tế hiện nay nhiều trường thiếu sân chơi, trường học quanh quẩn chỉ là phòng các em học mà thôi. Kế đến là lớp học, làm sao khi bước vào lớp các em thấy nó thật gần gũi và thoải mái như mình đang ở một nơi rất quen thuộc. Vậy cho nên phòng phải đủ ánh sáng, không quá chật hẹp để các em có thể dễ dàng xoay trở, phòng học có tủ sách đọc thêm, có nơi trưng bày sản phẩm của các em… để khi bước vào lớp các em luôn cảm thấy đây là nơi của mình. Nhưng quan trọng nhất, quyết định nhất chính là lời nói, cách cư xử, thái độ và phương pháp giảng dạy của các thầy cô trực tiếp dạy dỗ trẻ. Thầy cô phải làm sao cho các em tin tưởng, gần gũi, yêu thương mình như cha mẹ, có như thế trẻ mới không thấy bị lạc lõng, bị cô lập và biết chắc rằng luôn có người chia sẻ cùng mình khi gặp khó khăn trước các tình huống cần giải quyết trong môi trường mới, đang hình thành những mối giao tiếp mới, phức tạp hơn. Để làm được điều đó, giáo viên tiểu học phải yêu thương học sinh như con cái và thân thiết với chúng như bạn bè. Giáo viên phải làm sao cho học sinh trong lớp đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau qua sinh hoạt hàng ngày, qua học tập, qua các phong trào của trường, của lớp. Có như thế, thầy cô mới khám phá những ngóc ngách trong tâm hồn mà trẻ chỉ biểu lộ với người chúng yêu thương và tin tưởng. Đạt được điều đó là giáo viên đã làm cho các em thích đến trường vì các em cảm nhận được ở trường các em cũng được yêu thương, bảo vệ như ở nhà. Học sinh thích đến trường là chúng ta đã đạt được thành công bước đầu. Từ bước khởi đầu đó, giáo viên cần đầu tư cho kiến thức và phương pháp giảng dạy để mỗi tiết học, trẻ hứng thú vì khám phá được nhiều điều hay, bổ ích. Kiến thức là vô tận, người giáo viên luôn phải tìm hiểu nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin để bài giảng của mình luôn mới, hay, gắn với thực tế, không cũ kĩ, thậm chí đôi khi lạc hậu như trong sách giáo khoa chỉ làm các em nhàm chán. Song song đó, giáo viên phải đầu tư cho tiết dạy. Tiết học ở tiểu học càng thoải mái, càng vui thì các em càng dễ tiếp thu. Giáo viên hãy mạnh dạn sáng tạo các trò chơi, các hoạt động sao cho đạt mục tiêu bài dạy, không nên cứ bám lấy nội dung trong sách giáo khoa, bám các bước lên lớp trong sách giáo viên. Sử dụng các phương pháp giảng dạy sao cho kích thích được tư duy học sinh, tạo cho học sinh thích được khám phá, tìm tòi… là chúng ta đã làm cho học sinh thích học.
Để làm cho học sinh thích học không dễ. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nếu thầy cô có tấm lòng yêu thương học sinh, có lòng tận tụy với nghề thì không phải chỉ bằng tài năng mà bằng chính trái tim và khối óc, giáo viên sẽ tự trang bị cho mình những điều cần thiết, để bằng mọi cách làm cho học sinh thích đi học như chủ đề năm học của bậc tiểu học TP.HCM đã nêu “Giáo dục tiểu học là niềm tin của gia đình và xã hội”, “Trẻ em thích đi học, thích học để mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Lê Phương Trí
(Trường Tiểu học Đống Đa, quận 4, TP.HCM)
Bình luận (0)