Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả giáo dục tư duy?

Tạp Chí Giáo Dục

Thế nào là giáo dục tư duy?

Muốn giáo dục tư duy, giáo viên không thể không biết đến cơ chế hình thành, phát triển và thể hiện tư duy ở tâm lý học; cũng như nghiên cứu về các hình thức tư duy như khái niệm, phán đoán, suy lý với những quy tắc quy luật mà lôgich học chỉ ra về nó. Những kiến thức đó, dù ở mức sơ giản, cũng giúp ta hiểu đúng và tiến hành giáo dục tư duy có hiệu quả.

Lại cũng phải biết đến những đặc điểm của tư duy và các quá trình diễn ra một hoạt động tư duy mới có thể hướng dẫn trẻ tập tư duy ngay ở việc học một đơn vị kiến thức bằng cái ta gọi là dạy học nêu vấn đề chẳng hạn.

Phải biết đến các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp hay trừu tượng hóa, khái quát hóa trong quá trình tư duy.

Cũng lại phải biết đến sự phân loại tư duy thành tư duy trực quan – hành động, tư duy trực quan – hình tượng, tư duy trừu tượng để khai thác thế mạnh trong từng bộ môn và thế mạnh về loại tư duy ở từng lứa tuổi mà hướng dẫn phù hợp. Như thế mới mong giáo dục cho trẻ có được sự sâu sắc, linh hoạt – mềm dẻo, sự lôgich chặt chẽ trong tư duy.

Hiểu những điều đó, giáo viên sẽ tận dụng được các thế mạnh trong việc dạy kỹ năng, rèn các thao tác học tập bình thường. Loài người đã từ nhận thức cảm tính đến lý tính để rồi đúc kết thành hệ thống kiến thức các bộ môn. Dạy trẻ nhiều khi phải đi lại quá trình cảm tính đến lý tính ấy để nhận thức được các hiện tượng, sự vật ở mức bản chất, quy luật. Dạy như thế là giáo dục tư duy rồi. Đặt câu hỏi để quy nạp hay suy diễn rồi rút ra một định nghĩa ở môn ngữ pháp chính là dạy tư duy. Có thể vẫn vận dụng phương pháp bộ môn mà vẫn giáo dục tư duy nếu làm có ý thức. Dạy cho trẻ biết nguyên nhân làm cho vùng này vùng nọ có loại hình rừng lá kim hay rừng rậm là đã giáo dục tư duy biện chứng rồi. Những người thầy dạy giỏi các bộ môn thật sự thường đã giúp học sinh có được tư duy khoa học chuyên ngành rồi.

Trẻ sẽ phát triển tốt nếu giáo viên phát huy hiệu quả của việc giáo dục tư duy

Hiệu quả của việc giáo dục tư duy

Chính vì chưa được soi sáng bằng những hiểu biết tâm lý học, lôgich học nên nhiều khi hoạt động của giáo viên chưa được đẩy lên về hiệu quả. Và không phải không có sự mơ hồ từ phía chỉ đạo, đánh giá. Như đã nói, sẽ chỉ là vận dụng phương pháp đàm thoại khi nêu các câu hỏi dẫn đến kiến thức. Nhưng sẽ là giáo dục tư duy khi làm rõ cái bản chất khái quát hóa, trừu tượng hóa ở hệ thống câu hỏi và hoạt động dẫn dắt trẻ khái quát hóa thành kiến thức đó. Sẽ là học vẹt, học thuộc lòng khi chỉ thuộc mà không hiểu. Vì vậy sẽ sai lầm khi đánh giá thấp việc học thuộc lòng, chê bai nó. Với trẻ, đó là nhập tâm các mẫu ngôn ngữ rất cần cho tư duy, là tích lũy kiến thức làm cơ sở, chất liệu cho tư duy. Khi gặp tình huống có vấn đề, kích thích quá trình tư duy của trẻ, cần hướng dẫn trẻ biết sàng lọc các liên tưởng (với các kiến thức kinh nghiệm cũ) để nêu ra các giả thuyết, kiểm tra chúng và tìm phương án trả lời, giải quyết vấn đề thích hợp. Cứ như thế qua nhiều giờ dạy, ở tất cả các bộ môn, trẻ sẽ có được những phẩm chất cần thiết cho tư duy, biết sử dụng một cách tự nhiên dù không ý thức đầy đủ.

Cần có những biện pháp giúp các thầy cô có được hiểu biết cần thiết về tư duy, ý thức hóa được tư duy của mình và vận dụng vào giáo dục tư duy cho trẻ. Sẽ rất nguy hiểm nếu giáo viên cứ đưa ra các yêu cầu chung chung, thậm chí có nhận thức và phát ngôn mơ hồ về tư duy để định hướng sai cho các em. Học sinh giỏi có tư duy tốt có nhiều nhưng biểu hiện cái tư duy tốt ấy ở họ có phải là lòng say mê tìm tòi, sáng tạo như có người nói hay không thì lại phải làm rõ mới có thể nhận ra cái gì là kết quả của giáo dục tư duy thành công.

Đương nhiên giáo dục tư duy đúng hướng phải có các điều kiện xã hội chính trị. Khi xã hội có cách nhìn thông thoáng, bao dung, hòa nhập, người dạy mới có thể tôn trọng những cách nghĩ độc lập của trẻ và có cách tranh luận, chỉ dẫn phù hợp (1). Khi sách giáo khoa, sách hướng dẫn được soạn theo tinh thần mới, không nặng nề, không áp đặt những quan điểm khắt khe mới tạo điều kiện để người thầy làm tốt công việc giáo dục tư duy. Bởi vì dù rất tính toán thì cũng không thể không cần đến một thời lượng đủ cho giảng dạy một khối lượng kiến thức phù hợp.

Cuối cùng thì phải nói thêm rằng giáo dục tư duy có vai trò quan trọng của nó trong việc dạy làm người. Đây cũng là một mặt còn có nhiều yếu kém, tuy không phải là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho cản trở nền giáo dục của chúng ta phát triển. Việc đầu tiên phải làm không phải là chuyện giáo dục tư duy cho trẻ mà là đổi mới tư duy của ngành, cả xã hội về giáo dục. Chỉ có thay đổi thứ tư duy duy ý chí mang nhiều dấu ấn chủ quan, giáo điều, áp đặt mới giải quyết được vấn đề. Chỉ có một tư duy thực tế, triết lý giáo dục phù hợp mới xác định được những yêu cầu giáo dục, những cấu trúc hệ thống giáo dục phù hợp… để từ đó đáp ứng được nhu cầu thực tế của cá nhân và xã hội, của sự phát triển đất nước.

Lê Xuân Mậu (20-4-2008)


(1)
Không thực dụng, nhưng trong thực tế hiệu quả của tư duy vẫn phải đem lại lợi ích cụ thể vật chất hay tinh thần, được cộng đồng chấp nhận đánh giá và cả tôn vinh. Sự vùi dập, chụp mũ dễ làm tắt lửa nhiệt tình, suy giảm động lực tư duy.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)