Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm thơ khó lắm…

Tạp Chí Giáo Dục

Làm thơ, viết văn không phải là điều dễ dàng, không phải ai cũng làm được, viết được vì nó thuộc về năng khiếu và là một công việc vô cùng nặng nhọc, không thua gì công việc “đào đất, cất gỗ” của người lao động chân tay. Nhà văn Ra-xun Gam-za-tôp trong cuốn “Đaghextan của tôi” đã viết rằng: “Bắt đầu nghĩ, cũng thể như hoài thai. Đứa trẻ nhất định ra đời, chỉ cần nuôi dưỡng nó, như người đàn bà đã mang nặng cái thai trong bụng để rồi sau đó đẻ nó ra, nhễ nhại mồ hôi, vật vã đau đớn. Nói sang chuyện sách – thì đó là viết”.

Trong chương trình ngữ văn THCS, có các tiết học làm thơ ở các khối lớp. Cụ thể, lớp 6 có “Tập làm thơ lục bát”; lớp 7 có “Tập làm thơ 4 chữ hoặc 5 chữ”; lớp 8 có “Tập làm thơ 6 chữ, 7 chữ” và lớp 9 có “Tập làm thơ 8 chữ”. Mục đích của các tiết học “tập làm thơ” này nhằm để học sinh làm quen dần với từng thể loại thơ thường gặp trong chương trình hiện tại cũng như sau này và trong sách báo. Đó cũng là yêu cầu “tập làm”, tức là bước đầu làm một bài thơ, chứ không yêu cầu cao về các mặt khác. Có lẽ người soạn chương trình cho là thơ lục bát dễ làm nên cho học sinh lớp 6 làm quen! Thực ra, thơ lục bát chính là những lời ru, những câu ca dao quen thuộc mà các bà, các mẹ đã từng ru cháu, ru con hàng ngày. Nhưng thơ lục bát hay thì rất khó làm, rất hiếm gặp các nhà thơ thành công đặc sắc về thơ lục bát như nhà thơ Nguyễn Du, Nguyễn Bính… Thay vì để học sinh lớp 6 tập làm thơ 4 chữ, 5 chữ thì hợp lý vì phù hợp với lứa tuổi; bởi hầu hết thơ cho thiếu nhi là thơ 4 chữ, 5 chữ (mục sáng tác cho thiếu nhi trên các tạp chí văn nghệ). Thể thơ 6 chữ của chương trình lớp 8 cũng khó làm, ít gặp trên sách báo, ngay cả trong chương trình ngữ văn cũng hiếm thấy!

Như đã nói ở trên, giống như các bộ môn nghệ thuật khác (nhạc, vẽ…), làm thơ cũng vậy, rất cần yếu tố năng khiếu bẩm sinh! Nếu đem thơ ra học đại trà, bắt buộc học sinh làm thơ thì coi thơ quá dễ dãi, ai cũng sáng tác được, miễn là đúng yêu cầu về niêm luật, vần vè. Cũng như các môn “thủ công” trước đây, bài tập ra về nhà là đan một cái rổ tre, thêu một cành hoa hoặc nặn trái chuối, trái ớt bằng đất sét… Nói thiệt tình là lũ trẻ chúng tôi, tuy ở nông thôn nhưng không thể làm được, nếu có làm thì cũng rất… không giống ai! Thôi thì các bạn nhà gần chợ thì ra chợ mua cái rổ tre nhỏ cho nhanh lại còn “đạt chuẩn” nữa.

Về phía giáo viên, coi tiết học “tập làm thơ” là để học sinh làm quen, hiểu thể thơ, nắm được cách gieo vần cho đúng âm luật. Khâu thực hành cũng vậy, nên nhẹ nhàng, khuyến khích, động viên; tránh việc mỉa mai, đem ra làm trò cười giữa lớp đối với những câu thơ, bài thơ chưa đạt yêu cầu!

Với việc chủ động trong chương trình, cũng nên tổ chức ngoại khóa về tiết học “tập làm thơ” để phát hiện năng khiếu thơ. Tuy là những hạt ngọc còn thô nhưng nếu được bồi đắp, mài giũa thì sẽ có những sáng tác hay.

Lê Đc Đng

Bình luận (0)