Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lạm thu, các trường nói gì?

Tạp Chí Giáo Dục

"Nếu đúng quy định thì nói thật là chúng tôi đang thu sai. Vì thu đúng, chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ", các hiệu trưởng trần tình.

Cứ đầu năm học mới, câu chuyện "lạm thu" lại làm xôn xao dư luận – Tranh: NOP

Nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông trần tình ngân sách hàng năm 85-90% chi lương, chỉ có 10-15% chi thường xuyên. 

Với khoản tiền ít ỏi thế, hiệu trưởng phải quyết chi rất nhiều thứ, chưa kể những hỏng hóc, sự cố phát sinh, những hoạt động trên địa bàn mà chính quyền, các hội, đoàn đề nghị nhà trường "hợp tác".

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết tiền chi cho dọn vệ sinh chỉ đủ cho 2 người, trong khi nhân viên dọn vệ sinh phải làm quần quật tất cả các phòng học, nhà vệ sinh, khuôn viên. Muốn thêm người nhưng không có tiền. 

Một trường ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng đưa ra ví dụ: bộ loa đài phục vụ hoạt động của trường hỏng, không xã hội hóa thì không có tiền mua. Vì muốn mua gì phải lên danh mục xin duyệt rất lâu từ trước năm học. Hỏng hóc bất ngờ thì còn lâu mới xin được tiền, phải liệu cơm gắp mắm.

"Nếu đúng quy định thì nói thật là chúng tôi đang thu sai. Vì thu đúng, chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ. Ngưng trệ hoạt động hoặc thu sai, nhiều hiệu trưởng đã chọn thu sai. Nhưng để đồng thuận, chúng tôi phải cố gắng làm từng bước, rõ ràng, minh bạch và hơn hết là tìm kiếm sự cảm thông của phụ huynh", hiệu trưởng THPT ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.

Tại Hà Nội, khá nhiều hiệu trưởng "mát tay" trong việc xã hội hóa, vì họ lo được việc mà không bị phụ huynh khiếu kiện. 

"Mỗi năm tôi chỉ dám xin phụ huynh một thứ, gửi thư ngỏ trình bày rõ, thông tin về dự toán, tình hình mua sắm, sử dụng cụ thể. Gửi thư cảm ơn tới từng phụ huynh. Chỉ cần một người có ý kiến, việc sẽ phải dừng lại ngay", hiệu trưởng một trường THPT quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ. 

Ở một số trường khác, phương án xã hội hóa, dù là "tự nguyện" nhưng được ban giám hiệu duyệt rất kĩ, theo đó học sinh còn học nhiều năm đóng nhiều, học sinh còn học ít năm ở trường đóng ít theo tỷ lệ hợp lý.

Ghi nhận trên cho thấy, giữa việc thực hiện xã hội hóa và "lạm thu" là ranh giới mong manh, đi sang ngả nào là tùy thuộc vào sự công tâm và năng lực của người đứng đầu.

Và nguồn cơn dẫn tới lạm thu có gốc rễ từ những khó khăn về kinh phí của các nhà trường. Vì thế nếu chỉ có các quy định ngăn chặn thu mà không giải quyết được nguyên do gốc rễ thì lạm thu vẫn tái diễn.

Mỗi hiệu trưởng trường phổ thông hiện nay giống như một nhà kinh tế học, vì họ phải lo đối nội, đối ngoại, làm sao giải được bài toán chi tiêu mà không bị phản ứng.

Trong tâm thư của một số giáo viên ở Nghệ An gửi Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2016, các cô giáo đã phân tích cái được và mất khi người thầy phải đứng ra xin tiền phụ huynh để làm cái này, cái kia, dù là làm cho học trò.

"Nếu chỉ lo đi xin tiền để trang trải hoạt động này, công việc kia, chúng tôi không thể chuyên tâm cho mục đích chính là dạy học. Chưa kể vị thế người thầy giảm sút khi chúng tôi ở tư thế của người đi xin tiền cha mẹ học sinh", lời bày tỏ ruột gan của giáo viên ở tâm thư trên.

Câu chuyện lạm thu tiền trường, dù quy định đầy đủ nhưng tại sao không giải quyết được? Vấn đề không chỉ là "có quy định" mà quy định đó thực thi thế nào, có nghiêm không, có chế tài đúng người, đúng việc không?

Bên cạnh đó, những tâm tư từ chính những người đang điều hành nhà trường cũng là điều đáng phải lưu tâm, suy nghĩ để tìm ra giải pháp giúp các nhà trường tháo gỡ khó khăn. Tạo điều kiện, hỗ trợ, đồng thời yêu cầu cao hơn về tính tự chịu trách nhiệm của mỗi nhà trường, trong đó quan trọng nhất là người đứng đầu. Có như thế thì căn bệnh lạm thu mới thuyên giảm.

Việc ra hàng loạt quy định, trong đó nhiều quy định chỉ mang tính đối phó với dư luận, sẽ chỉ giống như cho bệnh nhân dùng quá liều thuốc, loạn thuốc nhưng không đúng cách. Kết quả sẽ phản tác dụng, vô phương cứu chữa.

Điều chỉnh học phí theo các mức hợp lý, xây dựng các chiến lược xã hội hóa để các cấp chính quyền cùng vào cuộc hỗ trợ là những điều nhiều nhà quản lý, nhà giáo đang đề xuất. 

Học phí tăng hợp lý, bù lại cắt tất cả các phụ phí vô lý, điều đó có thể làm nhẹ được gánh nặng tiền trường cho cha mẹ học sinh. Dĩ nhiên, các quy định và kiểm soát thực hiện quy định phải nghiêm. Đây là một trong những gợi mở mà một số nhà giáo dục đã đưa ra.

VĨNH HÀ/TTO
 

 

Bình luận (0)