Các đại biểu quốc hội đã có nhiều câu hỏi về các vấn đề “nóng” trong giáo dục hiện nay như thu chi đầu năm học, “chạy” trường, học thêm, thiếu trường mầm non… Bộ GDĐT đã có văn bản trả lời về các vấn đề này.
Xảy ra lạm thu là do địa phương chưa nghiêm
Thu – chi đầu năm học đến thời điểm này vẫn là vấn đề nhạy cảm và thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.
ĐBQH Trần Minh Diệu (tỉnh Quảng Bình), ĐB Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Tây Ninh), ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP. HCM) đều đưa ra câu hỏi chất vấn về tình trạng lạm thu vẫn còn phổ biến và có chiều hướng tăng thêm nhiều khoản thu mới, trong đó có những khoản thu hết sức vô lý.
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, hàng năm, chuẩn bị cho năm học mới, Bộ đều có văn bản gửi Sở GDĐT các tỉnh, thành phố hướng dẫn các nhiệm vụ cần triển khai, trong đó có nhiệm vụ tham mưu với UBND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, Bộ cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, tăng cường các biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục (nhất là ở các thành phố lớn) vẫn có tình trạng tự ý thu thêm một số khoản tiền của người học, sử dụng tiền thu không đúng mục đích, không tuân thủ những yêu cầu về công khai, minh bạch trong thu chi, sử dụng các hình thức vận động tự nguyện nhưng tổ chức thu tiền bình quân trên đầu học sinh, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội.
Để giải quyết việc này, ngày từ đầu năm học 2011-2012, lãnh đạo Bộ GDĐT đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành liên quan của TP Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh để trao đổi, bàn bạc về thực trạng và thống nhất quan điểm, giải pháp nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lạm thu tại các thành phố này.
Bộ đã thực hiện thanh tra công tác tuyển sinh đầu cấp và các khoản thu đầu năm tại các địa phương, chỉ đạo các Sở GDĐT chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm khi được phát hiện.
Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền thì nơi đó không xảy ra tình trạng lạm thu hoặc xảy ra lạm thu nhưng sớm được khắc phục. Ví dụ: Tại Đà Nẵng, đã xử lí kỉ luật và điều chuyển công tác đối với hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm có khuyết điểm trong việc vận động quyên tiền để trang bị ti vi cho lớp nên tình hình đã chuyển biến rõ rệt. Ở Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, quán triệt và kiểm tra các nhà trường trong việc thu, chi đầu năm học. Do vậy, nhiều trường đã trả lại phụ huynh các khoản thu sai quy định.
Các vi phạm về dạy thêm, học thêm chưa được xử lý nghiêm
Thời gian vừa qua, báo chí có nêu hiện tượng “chạy trường”, “chạy lớp” ở một số đô thị lớn. Đây không phải tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương nhưng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đánh giá về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân như chất lượng dịch vụ và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong một địa phương, giữa trường công lập và ngoài công lập không đồng đều; Tâm lý khoa cử, mong muốn cho con em được học ở môi trường giáo dục tốt, an toàn, hiệu quả, có thầy, cô giỏi dẫn đến việc chạy trường, chạy lớp…
Để quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ đã ban hành Quyết định số 03 trong đó quy định UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số tỉnh, thành phố, hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân như việc quản lý dạy thêm, học thêm của các cơ sở giáo dục ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa nghiêm; một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý chưa thường xuyên, hiệu quả; các vi phạm về dạy thêm, học thêm tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Bộ GDĐT đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các sai phạm trong việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm.
Chỉ đạo thực hiện hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giảm, dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém; cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh.; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách cải thiện đời sống của giáo viên.
Về lâu dài, Bộ sẽ xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi cử.
Theo Nguyên Minh
(laodong)
Bình luận (0)