Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Làm thuyền viên lương 830 USD/tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, song song với chương trình cấp phép đi làm việc tại Hàn Quốc(EPS), Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc cũng đã và đang tiếp nhận lao động là thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá gần bờ của Hàn Quốc.

Thuyền viên Việt Nam của TTLC làm việc tại Hàn Quốc – Ảnh: Công ty TTLC cung cấp 
Đi theo chương trình này người lao động không cần phải qua thi tuyển.
Dễ đi, lương cao
Theo yêu cầu của phía đối tác Hàn Quốc, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC) đang gấp rút tuyển dụng hàng trăm thuyền viên để cung cấp cho các tàu đánh cá gần bờ Hàn Quốc. Đối tượng tuyển dụng là nam độ tuổi 21-35, không mắc các bệnh xã hội, không tiền án – tiền sự, không dị tật bẩm sinh.
Ông Nguyễn Trí Dũng, phó tổng giám đốc TTLC, cho biết để đi làm thuyền viên tàu cá gần bờ phải là người có kinh nghiệm đi biển từ ba năm trở lên và không bị say sóng. Khi được tuyển dụng, các ứng viên sẽ được đào tạo hai tháng về giáo dục định hướng và sau đó sẽ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc trong thời hạn ba năm, thu nhập cơ bản khoảng 900.000 won/tháng (tương đương 830 USD). Ngoài ra còn được chủ tàu đài thọ tiền ăn, ở và bảo hiểm. “Hợp đồng thời hạn ba năm nhưng nếu làm việc chăm chỉ, được chủ tàu tin tưởng thì sau ba năm được về nghỉ phép, sau đó quay lại làm việc thêm hai năm nữa. Theo tính toán của chúng tôi và thực tế hưởng lương của các lao động đang làm việc ở Hàn Quốc, mỗi năm nếu người lao động tiết kiệm có thể đạt mức thu nhập khoảng 10.000 USD” – ông Dũng cho biết.
Ông Vũ Minh Xuyên, tổng giám đốc Công ty XKLĐ Sovilaco, cho biết khác với thuyền viên đánh cá xa bờ lênh đênh hàng tháng trời trên các vùng biển xa thì đi biển gần bờ chỉ đánh cá tại vùng biển Hàn Quốc, mỗi chuyến đi chỉ vài ngày. Theo ông Xuyên, hiện Sovilaco đã và đang tuyển dụng thuyền viên để cung cấp cho các đội tàu đánh cá gần bờ của Hàn Quốc.
Chi phí vừa phải
Để minh bạch các chi phí cho người lao động biết và tránh các “cò” lao động cũng như các công ty lợi dụng lạm thu, ngay khi đạt được các thỏa thuận với Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có thông báo về các mức chi phí. Theo đó, tổng mức chi phí người lao động phải nộp trước khi đi không quá 4.500 USD/người. Chi phí này bao gồm tiền môi giới không quá 1.500 USD/lao động/hợp đồng; tiền visa 50 USD/lao động; vé máy bay theo giá của các hãng hàng không (khoảng 450 USD); tiền đào tạo định hướng khi sang tới Hàn Quốc (không quá 250 USD/lao động). Cũng theo thông báo này, phí quản lý tại Hàn Quốc không quá 1.000 USD/lao động/ba năm; tiền dịch vụ sẽ thu trước 1,5 năm hợp đồng không quá 1.250 USD/lao động. Số tiền dịch vụ của thời gian làm việc còn lại sẽ được thu trong thời gian người lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, các công ty được phép thu thêm 4.000 USD tiền thế chân (hay còn gọi là tiền chống trốn). Như vậy, một người lao động trước khi xuất cảnh phải đóng khoản chi phí 8.500 USD, trong đó 4.000 USD tiền thế chân sẽ được các công ty trả lại cả vốn lẫn lãi sau khi hết hạn hợp đồng về nước.
7 công ty được tuyển thuyền viên
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết đến nay có bảy doanh nghiệp được Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc cho phép tuyển dụng thuyền viên gần bờ gồm: Công ty Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Tracimexco), Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động – thương mại và du lịch (TTLC), Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), Công ty TNHH một thành viên Xuất khẩu lao động – thương mại và du lịch (Sovilaco), Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoanglong Huresu.,Corp), Công ty Sao Việt và Công ty Letco.
Theo Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)