Với “bảo bối” là chai nước bị lỗi, một NTD đã ra giá nhà sản xuất phải bồi thường 5.000 USD |
Một người tiêu dùng (NTD) tên Tuấn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa bị cơ quan công an bắt quả tang nhận tiền doanh nghiệp (DN), phải đối diện với cáo buộc tống tiền. Trên thực tế nhiều vụ NTD có thể vì tham lam hoặc thiếu hiểu biết nên “làm tiền” DN dẫn đến nguy cơ phải ngồi tù.
Đe dọa, vòi vĩnh
Đại diện Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ NTD TP.HCM (Afca), cho biết: Chúng tôi gặp rất nhiều vụ NTD “ép” DN bồi thường giá cao ngất. Đa phần là hàng thực phẩm, nước giải khát. Trong đó, có vụ đình đám là ông T.T.K (TP.HCM) mang tới hộp trà P. có con mọt và dị vật bên trong trị giá dưới 200.000 đồng nhưng thẳng thừng đòi DN 2 triệu USD với lý do “hỗ trợ chi phí đầu tư kinh doanh và mua nhà ở Mỹ…”. Một DN tiết lộ từng bị NTD làm tiền, đòi chung đến 5 triệu USD cho một sản phẩm thực phẩm. Trường hợp đòi “bồi thường sức khỏe” vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng thì nhiều vô kể.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận trường hợp ông T.N.V (TP.HCM) mang đến chai trà xanh bị lỗi, yêu cầu… thưởng 10 triệu đồng. “Ông V. cứ nằng nặc đòi tiền, ông còn nói con ông tìm hiểu luật kỹ lắm. Ông tự xưng quen biết người này người kia, rồi đặt vấn đề: Nếu thưởng 10 triệu tôi sẽ trả lại chai nước và giữ kín chuyện này, còn không sẽ cho đăng báo” – cán bộ Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM ngán ngẩm kể lại. Luật gia Phan Thị Việt Thu – Trưởng văn phòng khiếu nại Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM cũng vừa tiếp nhận trường hợp một ông cụ ở TP.HCM mang chai nước ngọt đóng cặn đáy chai đến khiếu nại, yêu cầu nhà sản xuất bồi thường… 1 đồng danh dự. Tuy nhiên, qua tìm hiểu mới biết, trước đó ông đã đòi nhà sản xuất sản phẩm này bồi thường… 5.000 USD. Sau nhiều tháng “cù cưa” nhưng không đòi được tiền ông mới mang chai nước đến trình báo để công bố cho NTD biết.
Cô gái trẻ tên M.T (Bình Dương) thông báo chai sữa Y. có một hạt màu đen, đích thân tổng giám đốc người Nhật Bản đến nhà xin lỗi, tặng quà cám ơn và ngỏ ý, nếu cô muốn đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm để làm rõ, DN này sẽ hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhưng cô này nói: “Công ty ông giàu lắm, bồi thường vậy coi sao được. Coi chừng tôi cho đăng báo!”. Tương tự, ông K., tổng giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM cũng nhờ đăng báo vì DN không “biết điều”. Trước đó, ông K. phát hiện một số lon bia H. bị lỗi, chỉ có 1/2-2/3 trọng lượng bia trong lon. Nhân viên công ty bia H. xin lỗi về sự cố và đề nghị tặng mấy thùng bia để cám ơn nhưng ông K. buông ra một câu ỡm ờ: “Bia thì anh đâu có thiếu, chú em giải quyết sao coi được, không thì tôi cung cấp cho báo chí!”.
Một tài xế tên T. (Bến Cát, Bình Dương) phát hiện chai trà xanh bị móp méo, đòi Công ty TNHH T.H.P bồi thường 500 triệu đồng. Không được DN đáp ứng yêu cầu, T. quay sang dùng “phong bì” để năn nỉ các báo đăng tin với mục đích “cho thằng DN này chết luôn”. Khi được hỏi: “Dựa vào đâu yêu cầu bồi thường như vậy?”, T. nói: “DN này giàu lắm. Em đòi tiền để làm… từ thiện?!?”.
Vi phạm pháp luật
Ông Phạm Long Minh – Trưởng bộ phận đối ngoại của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát cho biết: “Có một số người tưởng dễ lấy tiền DN nên đi quá mức, lợi dụng kiếm chác, cưỡng đoạt tài sản. Có trường hợp đòi bồi thường đến 3 tỷ đồng. Có nhiều khách hàng đưa ra yêu sách quá đáng, đòi tiền vô lý nên các cơ quan chức năng hỗ trợ cũng… “bó tay”. Có người hiểu mù mờ về pháp luật nhưng cũng có nhiều trường hợp họ hiểu rành rẽ pháp luật. Thậm chí có trường hợp một người đang công tác trong ngành tòa án tại TP.HCM, hiểu rất rõ pháp luật nhưng vẫn vòi vĩnh tiền.
Ở góc độ bảo vệ quyền lợi NTD, luật gia Việt Thu bức xúc: “Có một số người vì lợi ích bản thân, cạn nghĩ nên lấy báo chí ra làm áp lực, đe dọa DN để đòi tiền nhưng đấy là vi phạm pháp luật”. Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thì NTD được quyềnyêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại nhưng phải đúng quy định pháp luật. Nhiều người không hiểu biết pháp luật nên đã ép DN phải bồi thường số tiền rất lớn, có khi gấp 5.000-200.000 lần giá trị hàng hóa. Họ còn đe dọa, nếu DN không bồi thường sẽ tung thông tin ra dư luận, internet. Đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản, vi phạm Luật Hình sự. Luật sư Trần Hải Đức – Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu khẳng định các hành vi đe dọa, bắt chẹt, vòi vĩnh để đòi tiền DN có dấu hiệu vi phạm điều 135 Bộ luật Hình sự, tùy theo mức độ, hậu quả có thể bị phạt tù từ 1-20 năm.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Bình luận (0)