Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Lấn chiếm gầm cầu để kinh doanh

Tạp Chí Giáo Dục

Buôn bán dưới chân cầu vượt Trạm II (ảnh chụp sáng 7-6)Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng lấn chiếm dưới chân cầu vượt để kinh doanh lại rộ lên, trông rất nhếch nhác. Bát nháo dưới chân cầu.

Dự án cầu vượt Trạm II được xây dựng với quy mô hiện đại, nhằm phân luồng giao thông, không để xảy ra tình trạng kẹt xe ngay cửa ngõ thành phố. Thế nhưng dưới chân cầu lại là một “bãi chiến trường” nhếch nhác được người dân tận dụng để làm ăn.

Vào một ngày đầu tháng 6-2008, có mặt tại chân cầu, chúng tôi ghi nhận tình trạng lấn chiếm dưới chân cầu. Xen lẫn với gánh hàng rong là các tài xế xe ôm đậu xe để “đón khách”, đi từ phía khu văn hóa Suối Tiên vào thành phố. Chưa hết, người dân còn tận dụng “bóng mát” dưới cầu bán nước giải khát, cà phê với gần 20 chiếc bàn. Vỏ thuốc, tàn thuốc lá của khách uống nước, xe ôm vứt bừa bãi, bịch nilon, giấy vụn của các gánh hàng rong vứt rải rác tạo thành bãi “chiến trường” nhếch nhác.

Chạy dọc theo quốc lộ 1A, chúng tôi dừng chân tại cầu vượt Linh Xuân (nối dài Thủ Đức qua Bình Dương), cầu vượt ngã tư Bình Phước, tình trạng nhếch nhác ở hai chân cầu này cũng không kém. Dù ở đây không có bán cà phê, nhưng ngược lại, dưới chân cầu lại là “bãi đáp” của cánh xe ôm, hàng rong đậu san sát nhau dưới hai đầu chân cầu. Tình trạng trên cũng xuất hiện tại cầu vượt ngã tư Gò Dưa. Ở đây, ngoài những gánh hàng rong, quán nước giải khát, tình trạng bát nháo nhất là cánh xe ôm đến giành khách. Xe khách chạy tuyến các tỉnh phía Bắc, miền Trung về bến xe ngã tư Ga, xe dù chạy tuyến Đà lạt – TP.HCM, xe buýt tuyến Suối Tiên – ngã tư An Sương thường đậu trả khách gần cầu nên cảnh xe ôm chạy đến tranh giành khách gây ra tình cảnh lộn xộn mất trật tự ngay dưới chân cầu là chuyện thường. Ông Nguyễn Văn Tùng sống gần khu vực cho biết: “Tình trạng buôn bán, xe ôm tranh giành khách dưới chân cầu rất lộn xộn đã xuất hiện từ lâu. Và được coi như là chuyện bình thường, không có gì”.

Chẳng lẽ “bó tay”

Tình trạng lấn chiếm hầm cầu làm nơi buôn bán, làm bến xe ôm không những gây mất trật tự, nhếch nhác mà còn rất dễ xảy ra tai nạn khi có người lưu thông dưới cầu. Đã nhiều lần, các đoàn kiểm tra liên ngành đi khảo sát, dẹp các “bãi chiến trường” và xử phạt đối với những trường hợp lấn chiếm dưới chân cầu. Tuy nhiên, được một thời gian thì tình trạng lấn chiếm đâu lại vào đó, thậm chí còn tràn lan hơn. Những người lấn chiếm như bị “lờn thuốc”, khi có đoàn kiểm tra đến thì đi, không có lại bày hàng ra bán. Đặc biệt tại cầu vượt trạm II, những chiếc bàn, ghế được dựng lên bán nước, án ngự dưới chân cầu một diện tích không nhỏ từ sáng đến tối. Một anh xe ôm tại khu vực nói: “Bán nước, cà phê ở dưới chân cầu này là thường xuyên. Nhưng tôi có thấy ai đến nhắc nhở hay phạt gì đâu. Vả lại bán nước dưới cầu thì có ảnh hưởng gì chứ “. Có lẽ do xuất phát từ những tư tưởng như trên mà tình trạng lấn chiếm dưới chân cầu vượt luôn xuất hiện ngày càng có chiều hướng phát triển. Một chị bán nước tại chân cầu vượt ngã tư Gò Dưa giãi bày: “Tôi bán nước ở đây đã lâu, nên không biết chuyển đi đâu để bán. Biết là sẽ bị phạt nhưng khi nào có kiểm tra thì tôi đi, xong tôi lại tới”.

Thiết nghĩ, để không xảy ra tình trạng lấn chiếm dưới chân cầu, Đội trật tự đô thị, cảnh sát giao thông phải thường xuyên rà soát, kiểm tra nhắc nhở người dân. Xử phạt thật nặng đối với những trường hợp cố tình vi phạm lần 2, lần 3. Trả lại sự thông thoáng dưới chân cầu, không làm mất trật tự vừa tránh tai nạn giao thông, đồng thời cũng thực hiện nếp sống văn minh, nhất là với những cầu vượt ngay cửa ngõ thành phố như cầu vượt Trạm II, ngã tư An Sương…

Thái Khuê

Bình luận (0)