Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lần cuối gặp Văn Cao

Tạp Chí Giáo Dục

Ông nói âm nhạc là cuộc đời. Phải sống hết lòng, cảm xúc hết lòng thì tự nó sẽ ngân lên từng nốt nhạc trong lòng…
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông… Có lẽ bạn cũng như tôi, ngưng ngay việc mình đang làm để lắng nghe giai điệu yêu đời, man mác mà sâu lắng của bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, không thể cưỡng lại được.
Hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao hiện về theo từng lời bài hát. Đó là năm 1995, tại lễ khánh thành Bệnh viện huyện Tân Trụ, tỉnh Long An do Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, một nhân sĩ Việt kiều Pháp tài trợ, lần đầu tiên tôi được ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao.
Ở xó xỉnh nhà quê Nam bộ này, một hôm gặp được người nhạc sĩ mà ta hằng mến mộ thì quả thật bất ngờ. Hôm đó, ngoài nhạc sĩ Văn Cao còn nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác. Họ đến để chia vui với người dân Tân Trụ từ nay có bệnh viện mới, ghi nhận tấm lòng của người con Tân Trụ bao năm xa quê vẫn hướng về cội nguồn. Và họ đến vì chủ và khách là những tâm hồn đồng điệu.
Nhạc sĩ Văn Cao cùng đi với vợ ông. Ông lúc nào cũng gầy, khắc khổ, chỉ đôi mắt là còn tinh anh. Cây gậy chống cằm suy nghĩ, ít nói. Đó là Văn Cao, người nhạc sĩ với nhiều bài hát nổi tiếng mà chúng tôi tập tành suốt những năm tháng bước vào tuổi thanh niên.
Thập niên 70 của thế kỷ trước, chúng tôi còn là những học sinh trung học. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang ở thời kỳ khốc liệt nhất. Thế hệ chúng tôi hình như già trước tuổi. Mùi thuốc súng, tiếng bom rơi và nhạc phản chiến là món ăn hàng ngày. Trong bối cảnh ấy, một dòng nhạc trữ tình sang trọng, bay bổng làm nhẹ lòng người. Đó là những Thiên thai, Suối mơ, Cung đàn xưa, Buồn tàn thu, Trương chi… Chính nhạc Văn Cao làm cho chúng tôi thấy cuộc sống đẹp lên từng ngày và yêu thêm cuộc đời.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhạc Văn Cao lại sống dậy và giọng ca của ca sĩ Ánh Tuyết trở thành một hiện tượng gắn với đời sống âm nhạc ở TP.HCM và cả nước.
Bây giờ Văn Cao ngồi đó, trước mặt là ly rượu đế quê hương. Ông có vẻ mệt mỏi. Nhiều nhà báo phát hiện ra nhạc sĩ văn Cao và xin chụp hình kỷ niệm. Ông vui vẻ mỉm cười để có những kiểu ảnh đẹp. Và nhà báo Lệ Thủy (Báo Lao Động) đã chụp cho tôi một kiểu mà tôi thấy không thể đẹp hơn, vì bên tôi còn có hai ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Văn Cao là Hồng Vân và Ánh Tuyết (xem ảnh). Tôi hỏi ông hoàn cảnh ra đời bài Tiến quân ca, ông nói âm nhạc là cuộc đời. Phải sống hết lòng, cảm xúc hết lòng thì tự nó sẽ ngân lên từng nốt nhạc trong lòng. Khi nào bạn cảm thấy sống hời hợt, chưa chín thì tốt hơn không nên viết ra. Tôi hỏi về những năm tháng hoạt động nghệ thuật của ông. Nhạc sĩ không hào hứng lắm khi nói về những điều này. Có những kỷ niệm không vui ông muốn cất sâu trong ngăn kéo ký ức, không muốn thêm một lần bận tâm nữa.
Hôm ấy, sức khỏe ông đã không được tốt. Ông nói ít vì mau mệt. Người bạn đời của ông nói nhờ chuyến vào Nam này mà ông khỏe hơn đôi chút. Ông muốn đi để nhìn cuộc đời gần hơn, kỹ hơn, để gặp bạn bè tâm giao đồng điệu.
Thỉnh thoảng nhạc sĩ nhắp ly rượu đế có trộn lòng đỏ trứng gà.
Đó có lẽ là chuyến đi cuối cùng vào phương Nam vì cuối năm đó tôi nghe tin ông mất. Ông mất ngày 10-7-1995, bốn tháng sau buổi gặp mặt ấy.
Từ Nguyên Thạch
Chắc chắn mọi người sẽ yêu nó
Sau này, con trai nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nghiêm Bằng kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát Mùa xuân đầu tiên như sau: “Đó là một đêm vào giữa tháng 12-1975. Mùa đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano. Một giai điệu khe khẽ vang lên. Tôi nằm nghe từng nốt nhạc “rề rề rề, rề sol la sí sol… rề rề rề, rề sol la sí sol, rề sol la si rế…”. Cha đàn ngập ngừng, rồi ngưng... Bài hát đã được Báo Sài Gòn Giải Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng. Cha tôi nói chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và như mọi lần, cha tôi lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa. Khi bài hát lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, cha tôi đã mất được năm năm”.
 

Bình luận (0)