Anh em Duy Minh – Nhật Minh luyện cờ cùng HLV Mai Duy. Những tài năng nhí này là sự hiếm hoi của cờ Vây hiện nay |
Cách đây 10 tháng, trong lần được mẹ dẫn đến Nhà thiếu nhi TP.HCM, anh em Nhật Minh (6 tuổi) – Duy Minh (4 tuổi) phát hiện nhóm người đang mải mê rải quân trắng – đen trên bàn cờ. Cả hai mê mẩn đứng xem rồi nằng nặc xin học. Cậu anh được HLV Mai Duy tiếp nhận niềm nở. Cậu em thì bị từ chối vì bé tuổi quá. Duy Minh đứng khóc cả buổi. Thương tình, HLV Mai Duy cho em vào học ké cùng anh Hai. Thế là từ đó, chị Hà Thị Đàn, mẹ hai cậu bé này, đều đặn chở các con đến Hội cờ quận 3 (256 Nguyễn Thông), cũng là 1 trong 3 địa điểm sinh hoạt cờ Vây hiếm hoi tại TP.HCM. Ngay cả bản thân chị Đàn, trong những lúc chờ con luyện cờ, cũng nghiên cứu và trở thành “tín đồ” của cờ vây…
Đam mê, thường xuyên luyện tập cùng nhau và thi đấu trên mạng, Nhật Minh – Duy Minh trở thành năng khiếu đặc biệt. Mới đây, khi tham dự giải toàn thành, dù mới 7 tuổi, nhưng Nhật Minh đã giành HCĐ lứa tuổi U-12. HLV Mai Duy nhận xét: “Cần được đầu tư đặc biệt cho hai cháu để trở thành tay cờ chuyên nghiệp”. HLV Lê Mai Duy có lý của mình. Bao năm qua, ông mỏi mắt tìm nhân tố mới và thật đáng ngạc nhiên, dù đến với cờ vây cách đây 14 năm nhưng hiện tại, HLV Mai Duy vẫn là 1 trong ba tay cờ đầu đàn VN, dù đẳng cấp của ông chỉ mới 5 đẳng không chuyên (cao nhất VN).
Thiếu hụt nhân tố mới
Năm 1991, khi đang học ĐH Kinh tế, tình cờ HLV Mai Duy đọc tác phẩm “Nước Nhật mua cả thế giới”, cuốn sách phân tích lý do giúp Nhật trở thành siêu cường kinh tế và trong đó dành hẳn một chương nói về cờ vây, môn thể thao giúp phát triển “trí não” các doanh nhân Nhật (70-80% doanh nhân Nhật, Hàn Quốc đều biết chơi môn này). Cuối năm 1995, một thương gia Hàn Quốc và cũng là kỳ thủ có hạng, Kim Ki Young, sang VN và có ý tưởng truyền bá môn này. Ông Duy là một trong những người đầu tiên theo học, cùng với anh em Trần Anh Tuấn – Trần Chí Thành (cựu HLV ĐT cờ Vua TP.HCM)… Dưới sự truyền dạy của ông Kim, trình độ của họ tiến bộ rất nhanh và đến giải cờ vây TP.HCM mở rộng (5-1996), Mai Duy là người đầu tiên đoạt chức VĐ. Từ năm 2002, giải VĐQG bắt đầu được tổ chức nhưng cho đến nay, chức VĐ nam vẫn quanh quẩn 3 cái tên: Duy – Thành – Tuấn.
Lực lượng kế thừa hầu như không có. HLV Mai Duy thừa nhận: “Tôi chỉ mãi dừng ở đẳng cấp nghiệp dư bởi tôi tiếp cận cờ Vây quá muộn”. Trên thế giới, để trở thành "dân chuyên", tất cả đều tiếp cận cờ từ dưới 12 tuổi. Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 quốc gia hàng đầu, nơi cờ vây đã được đưa vào hệ thống trường học, có những Học viện ưu đãi miễn phí cho tài năng đặc biệt, thường xuyên tổ chức các giải do Thủ tướng – các tập đoàn kinh tế lớn tài trợ. Trong dịp du đấu quốc tế, HLV Mai Duy từng được các kỳ thủ “nhí” tại những Học viện chấp vài nước tiên, nhưng ông vẫn là người bại trận. Ông Duy có lý do hy vọng vào anh em Duy Minh – Nhật Minh là vì thế.
Bánh xe hình vuông
Các chuyên gia, cao thủ cờ Vây đến VN đều khẳng định: “Người VN thông minh, sáng dạ. Việc chưa phát triển cờ vây tại VN là sự lãng phí vô cùng lớn”. Một thống kê đáng buồn: cả nước có khoảng 3.000 người biết chơi cờ vây, nhưng lực lượng tập luyện thường xuyên chỉ vài trăm. Có người cho rằng, khi xã hội phát triển, con người không lo miếng cơm manh áo, khi đó mới giàu trí tưởng tượng mà chịu khó tiếp cận cờ. Lý do này thiếu thực tế. Lý do khác: Cờ vây “thiếu tiền” phát triển, doanh nghiệp (lực lượng am tường môn này như Nhật, Hàn Quốc) chưa quan tâm. Cũng không đúng. Chung quy là những người quản lý bộ môn chưa quan tâm đúng đến nó, thiếu sự đầu tư ban đầu, thiếu giải cọ xát, chưa có kế hoạch phát triển để thu hút nhân lực- vật lực…
Cần nhắc lại cú hích phát triển phong trào vào cuối năm 2003 do Hikaru đem đến. Hikaru là nhân vật tưởng tượng trong tác phẩm truyện tranh Nhật Bản “Hikaru – cao thủ cờ vây”. Chỉ sau 2 tháng truyện ra đời tại VN, CLB cờ vây Trương Định (Q.3) tăng đột biến từ 5 lên đến 60 người; Nhà thiếu nhi TP.HCM mở thêm cả lớp vào thứ bảy và Chủ nhật (đáp ứng những fan của Hikaru). Khi đó có người cảnh báo: “Từ khi có Hikaru, người người đổ xô đi học, cứ như thể họ là tay chuyên. Dù trước đây họ cho rằng cờ vây là chán ngắt. Bảo đảm khi truyện hết, họ cũng ngừng tập cờ vây”. Lời cảnh báo đó rồi cũng thành sự thật. Nhưng phải nhìn nhận, chính những người quản lý bộ môn không tận dụng thời cơ này để nhân rộng phong trào và phát triển những tài năng thật thụ…
Chiếc xe phong trào cờ vây hiện đang lăn bằng cái bánh hình vuông. Nó vẫn lăn đó thôi nhưng ì ạch, nặng nề và không theo một quỹ đạo nào cả…
Hiếu Dân (theo thanhnien)
Bình luận (0)