Khối lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ xuất sang EU cao hơn khí đốt từ Nga trong tháng 6.
Lần đầu EU mua khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ nhiều hơn khí đốt mua qua đường ống từ Nga.
Lần đầu tiên, EU mua khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ nhiều hơn khí đốt mua qua đường ống từ Nga, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol thông tin. Ông nói rằng, sự biến động mới nhất là do giảm nguồn cung từ Nga.
“Việc Nga cắt giảm mạnh dòng khí đốt tới EU có nghĩa là đây là tháng đầu tiên trong lịch sử EU nhập khẩu nhiều khí đốt thông qua LNG từ Mỹ hơn là thông qua đường ống từ Nga. Nguồn cung của Nga giảm cho thấy nỗ lực giảm nhu cầu của EU để chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn" – ông Birol lưu ý.
Việc EU tăng nhập khẩu LNG của Mỹ diễn ra trong bối cảnh khối đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, điều này khiến khối gặp khó khăn trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới chiến sự Ukraina.
Trong tháng 6, nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream bị cắt giảm 60% do các vấn đề kỹ thuật xuất phát từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Mátxcơva. Công ty khí đốt Nga Gazprom nói rằng, nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy của Đức đã không đưa các thiết bị bơm khí trở lại trạm nén đúng thời hạn vì các thiết bị ngày bị kẹt tại một cơ sở bảo dưỡng ở Canada do lệnh trừng phạt của Ottawa với Mátxcơva.
Đường ống khí đốt Nord Stream sẽ ngừng dòng khí đến Đức trong 10 ngày để bảo trì.
Thêm vào đó, đơn vị vận hành đường ống khí đốt Nord Stream cũng có kế hoạch ngừng dòng khí đến Đức trong 10 ngày vào giữa tháng 7 để bảo trì hàng năm theo lịch trình. Thông báo của Nord Stream AG cho hay, cả 2 đoạn của đường ống khí đốt này sẽ bị dừng hoạt động từ ngày 11.7 đến ngày 21.7.
Nga cũng đã ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria cũng như ngừng cung cấp khí đốt công ty Orsted của Đan Mạch, công ty GasTerra của Hà Lan và ngừng cung cấp khí đốt cho tập đoàn năng lượng Shell đối với những hợp đồng cho Đức. Biện pháp này được Nga triển khai do các đối tác từ chối tuân thủ việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp Nga.
Hồi tháng 3, EU đồng ý mua thêm 15 tỉ mét khối LNG của Mỹ trong năm nay nhằm giảm mua khí đốt của Nga. EU muốn thay thế 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga bằng LNG từ nhiều nguồn khác nhau trong năm 2022.
Lượng khí đốt hàng năm của Nga đến Châu Âu được báo cáo lên tới khoảng 150 tỉ mét khối, với 14-18 tỉ mét khối khác được gửi dưới dạng LNG. Hơn 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của lục địa này đến từ Nga.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)