Sự kiện giáo dụcTin tức

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức chung kết khu vực thi Lập trình sinh viên quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 29/2 – 3/3, vòng chung kết Châu Á – Thái Bình Dương kì thi Lập trình sinh viên quốc tế diễn ra tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Kì thi lập trình sinh viên quốc tế (ICPC) có lịch sử hơn 50 năm, với mục đích giúp sinh viên phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm, tạo sự đổi mới trong xây dựng các chương trình phần mềm và cho phép kiểm tra năng lực thực hiện dưới một áp lực thời gian rất cao. Đây là kì thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất dành cho sinh viên các trường đại học trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức chung kết khu vực thi Lập trình sinh viên quốc tế ảnh 1

Các thành viên trong đội tuyển dự thi ICPC năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việt Nam chính thức đăng kí kì thi ICPC từ năm 2005. Năm 2006, lần đầu Việt Nam đăng cai vòng loại khu vực kì thi ICPC Châu Á tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm nay là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức vòng chung kết khu vực kì thi ICPC.

Từ năm 2006 đến nay, 19 năm liên tục Việt Nam nằm trong Top 100-140 trường đại học có đại diện dự Chung kết ICPC toàn cầu với hạng cao nhất là xếp thứ hạng 12 – Huy chương Đồng vào năm 2022.

Vòng chung kết khu vực kì thi ICPC năm 2024 có 64 đội tham gia.

Từ trận Chung kết khu vực, Châu Á Thái Bình Dương sẽ chọn 16 đội tuyển kết quả tốt nhất đại diện tham dự chung kết ICPC toàn cầu 2024 tổ chức tại Kazakhstan vào 9 tới.

Ông Nguyễn Long, Chủ tịch ICPC Việt Nam, đồng Giám đốc ICPC Asia Pacific, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, thông tin trung bình mỗi năm có gần 1 triệu sinh viên toàn cầu tham gia các vòng loại ICPC. Năm 2022, chỉ tính riêng vòng loại châu lục của ICPC cũng thu hút khoảng 75.000 sinh viên từ 3.450 trường đại học của 111 quốc gia tham gia. Hầu hết những trường đại học đó đều rất mạnh trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin.

Theo ông Long, hầu hết các thí sinh Việt Nam tham gia ICPC đều rất thành công, đã học/hoàn thành tiến sĩ ở Việt Nam hoặc nước ngoài.

Nhiều người mở startup thành công, thậm chí trở thành “kỳ lân” công nghệ. Có thể kể tới: Phạm Hữu Ngôn, thành viên đội tuyển đầu tiên của Việt Nam dự Chung kết toàn cầu ICPC năm 2006, hiện là Tổng Giám đốc Ahamove; Lưu Thế Lợi, thành viên đội tuyển OLP/ICPC năm 2010, hiện là Chủ tịch của Kyber Network, Tiến sĩ đầu tiên ở châu Á về lĩnh vực Blockchain; Nguyễn Thành Trung, thành viên đội tuyển dự Chung kết toàn cầu ICPC năm 2014, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Axie Infinity; Lê Yên Thanh, dự Chung kết toàn cầu ICPC năm 2014 và 2016, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Phenikaa Mass; Lâm Xuân Nhật, hiện là Giám đốc Công nghệ của Công ty Autonomous.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)