Giữa dòng phim lấy bối cảnh câu chuyện ở thành thị thường ngập tràn các xung đột, kịch tính (drama)…, những bộ phim truyền hình về những người ở quê mang đến cảm giác dễ chịu hẳn nhờ bối cảnh khoáng đạt, yên bình, nội dung nhẹ nhàng, hài hước.
Phim về “người nhà quê” nhưng không “quê”
Kết thúc những chuỗi ngày nghẹt thở trong bi kịch của bộ phim Trạm cứu hộ trái tim, tác phẩm nối sóng Vui lên nào anh em ơi đem đến bầu không khí trái ngược. Câu chuyện về hành trình khởi nghiệp ở vùng quê của 3 thanh niên già Thắng, Tiến, Hưng chứa đựng nhiều tình huống hài hước. Vừa mở quán cà phê được vài tháng, cả ba đã phải sang quán, thanh lý đồ đạc vì ế ẩm. Gặp thêm hoàn cảnh Hưng khốn đốn kiếm tiền chữa trị cho bà, Thắng đành đi vay nặng lãi, Tiến âm thầm cuỗm vàng của vợ khiến vợ Tiến, cha mẹ Thắng đòi từ mặt chồng, con. Ngoài tiếng cười, phim còn thu hút nhờ bối cảnh đậm chất miền quê của vùng đất Ninh Bình. Người xem như chìm đắm trong không gian yên ả, màu xanh mướt mắt của những cánh đồng, hồ nước đầy sen, nhà cửa, đường sá, đình làng rợp bóng cây…
Bối cảnh làng quê êm đềm và nội dung hài hước như trong Vui lên nào anh em ơi là điểm thu hút ở những phim nông thôn hiện nay
Bối cảnh đẹp, nội dung phim vui, trẻ là những yếu tố lôi cuốn của các bộ phim về nông thôn, về “người nhà quê” trên màn ảnh nhỏ. Những tác phẩm trong 5 năm gần đây như Cô gái nhà người ta, Mùa hoa tìm lại, Lối về miền hoa, Phố trong làng, Làng trong phố hay 2 phim đang phát là Những nẻo đường gần xa, Vui lên nào anh em ơi khơi lại làn sóng dòng phim nông thôn vốn thịnh hành thời thập niên 2000 nhưng tươi mới hơn. Chân dung các nhân vật trọng tâm của phim không còn là người già mà là thế hệ trẻ năng động, nhiệt huyết. Chủ đề phim chủ yếu xoay quanh chuyện lập nghiệp của người trẻ. Cách tiếp cận và thể hiện mang màu sắc nhẹ nhàng, gần gũi, tươi sáng. Các nhân vật được xây dựng với những tính cách tốt đẹp như hào sảng, tự trọng, tự lập, tự tin.
Phim ở giai đoạn nào phản ánh hiện thực giai đoạn đó. Nông thôn thời 4.0 là nông thôn hiện đại, kiểu nửa làng, nửa phố. Những vấn đề ngày nay khác xưa. Ngày xưa thanh niên bỏ làng để đi lập nghiệp ở thành phố, nhưng bây giờ lại có nhiều bạn trẻ lại bỏ phố về quê để khởi nghiệp. Đời sống nông thôn ngày nay nâng cao về tinh thần lẫn vật chất, bắt kịp mọi xu hướng của xã hội hiện đại nên vấn đề, xung đột, câu chuyện mang tầm vĩ mô cũng khác đi.
Nông thôn ngày nay ngoài chuyện thanh niên làng lập nghiệp, còn nhiều chuyện khác như tranh chấp đất đai, nhà cửa, chuyện dòng họ, chuyện đền bù giải tỏa dự án, chuyện gia đình, chuyện xung đột nếp sống cũ và mới… Lựa chọn hướng khai thác như thế nào vừa phù hợp với thời đại, vừa phù hợp thị hiếu chung của khán giả và có giá trị với đời sống xã hội là bài toán lớn của cả ê kíp làm phim, không chỉ của riêng biên kịch. Biên kịch Huyền Lê (phim Mùa hoa tìm lại, Cô gái nhà người ta) |
Biên kịch cũng khéo léo bắt nhịp thị thành thông qua các lời thoại bắt “trend”, cho các nhân vật “đu” theo các trào lưu công nghệ (live stream, bán hàng qua mạng) khiến phim về người nhà quê nhưng không bị “quê”. Với dòng phim nông thôn, trước đây người xem nhớ đến cố đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Phần còn giờ là đạo diễn Vũ Minh Trí. Nhiều phim của anh như Mùa hoa tìm lại, Lối về miền hoa, Vui lên nào anh em ơi đều được yêu thích nhờ cách kể tự nhiên, gần gũi.
Mong chờ sự đột phá
Phim truyền hình về đề tài nông thôn đã có một quá khứ lẫy lừng trên màn ảnh nhỏ với những dấu ấn như Gió làng Kình, Ma làng, Đất và người, Bí thư tỉnh ủy, Sóng ở đáy sông, Người thổi tù và hàng tổng… Với nội dung khai thác những vấn đề gai góc, nhức nhối ở xã hội thời đó như cán bộ tha hóa, tranh chấp thu hồi đất đai, đô thị hóa, các tác phẩm đã để lại dư âm đến tận bây giờ. Bẵng đi nhiều năm, dòng phim nông thôn không còn thịnh hành trên màn ảnh nhỏ, mãi cho đến 5 năm trở lại đây.
So với những bộ phim làm về thành thị, số lượng phim về người nhà quê vẫn ít, nhưng bù lại đều chiếm thiện cảm người xem. Những bộ phim nông thôn hiện nay ghi điểm nhờ “giải ngấy” bối cảnh nhà lầu, xe hơi quen thuộc trong nhiều phim. Không chỉ tạo cảm xúc hoài niệm cho những người xa quê, phim còn giúp khán giả thư giãn nhờ không phải “hít drama” quá nhiều. Các câu chuyện thường xây dựng kết thúc có hậu, nhân vật ít chất phản diện, không mưu mô, tính toán, tham vọng mà thật thà, chân chất.
Các phim nông thôn đều đề cập giới trẻ và câu chuyện lập nghiệp như trong phim Những nẻo đường gần xa
Phim nông thôn đã vượt qua thời kỳ “ngủ đông” trên màn ảnh nhỏ. Nhưng để lấy lại hào quang rực rỡ có lẽ vẫn chưa. Những phim nông thôn thời trước có lợi thế chuyển thể từ tác phẩm văn học, do những cây bút cứng nghề viết nên cốt truyện sâu sắc, có giá trị cao. Phim nông thôn ngày nay ít đụng chạm đến những vấn đề gai góc, không chủ trương khai thác quá nhiều đến mặt trái của nông thôn mới, do đó “sức nặng”, tầm vóc của tác phẩm cũng giảm bớt phần nào.
Có thể thông cảm với hướng đi này của các nhà làm phim bởi những khó khăn trong vấn đề kinh phí, bối cảnh, con người, kịch bản. Tuy nhiên, sự lặp lại ở chủ đề trong dòng phim này đang là điểm gây băn khoăn. Các tác phẩm hiện chỉ khu trú ở chuyện giới trẻ lập nghiệp, ca ngợi tình bạn. Người xem mong chờ những bộ phim có đề tài rộng mở hơn, đề cập nhiều tầng lớp hơn, nhân vật trung tâm có sự đa dạng về tuổi tác thay vì chỉ có giới trẻ. Khán giả cũng hy vọng có nhiều hơn 1 cái tên đạo diễn Vũ Minh Trí lưu dấu với dòng phim này.
Theo Nguyễn Ngọc/PNO
Bình luận (0)