Hội nhậpThế giới 24h

Làn gió nữ giới trên chính trường Iran

Tạp Chí Giáo Dục

Sự xuất hiện của những gương mặt nữ đem lại làn gió mới lạ cho cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp tại Iran diễn ra hôm nay (12-6).

 

Ủng hộ viên của ứng viên Mehdi Karroubi – Ảnh: Reuters

Lần bầu tổng thống này được ghi nhận có nhiều cái đầu tiên, như tổ chức tranh luận giữa từng đôi ứng viên được truyền hình trực tiếp, hoặc đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thách thức ba ứng viên còn lại công khai tài sản và các đối thủ đều chấp nhận, hay việc một số ứng viên tận dụng Internet trong chiến dịch vận động tranh cử… Nhưng có lẽ điều đặc biệt thú vị là sự xuất hiện lần đầu tiên của lực lượng phụ nữ bên cạnh mỗi ứng viên, trong đó nổi bật vai trò của một số phu nhân chính khách. Với một xã hội Hồi giáo nghiêm khắc như Iran, hiện tượng này quả là mới lạ.

Cổ động viên nữ

Cả bốn ứng viên tổng thống đều có đội quân phụ nữ làm cổ động viên nhiệt thành. Phu nhân của Tổng thống Ahmadinejad ít xuất hiện công khai, nhưng đội ngũ ủng hộ viên nữ của ông được em ruột là bà Barwaynejad và bà Fatima Rajbi (có chồng là người phát ngôn chính phủ) lĩnh xướng. Ứng viên Mohsen Rezai có bà vợ hai Ma’soum Khadnak và Layla Brujradi là cháu gái của cố giáo chủ Khomeini. Ứng viên Sheikh Mehdi Karroubi được phu nhân Fatima Karroubi cùng nhà báo nữ Jameela Kadio’r hậu thuẫn.

Nổi bật nhất là phu nhân của ứng viên Mir Hossein Mousavi – cựu thủ tướng và được coi là “đối thủ số 1” của ông Ahmadinejad lần này. Bà Zahra Rahnavard đã làm một việc chưa từng có là tổ chức họp báo tại Tehran ngày 7-6: yêu cầu Tổng thống Ahmadinejad phải xin lỗi vì trong cuộc tranh luận trực tiếp với chồng bà ngày 3-6, đương kim tổng thống đã tỏ ra hoài nghi về học vị tiến sĩ của bà. Bà này nói sẽ kiện lên tòa án nếu ông Ahmadinejad không xin lỗi.

Bà Zahra Rahnavard là tiến sĩ mỹ thuật và có bằng cao học chính trị, một người ham mê nghệ thuật điêu khắc. Ở tuổi 61, bà đã có cháu nội.

Tuy vẫn dùng khăn trùm đầu màu đen truyền thống, vẫn nhỏ nhẹ mỗi khi trả lời các câu hỏi của phóng viên, nhưng bà đang mở một chiến dịch để thay đổi quan niệm của xã hội về phụ nữ và vai trò của họ. Bà cho rằng không có lý do gì ngăn cấm phụ nữ tham gia các định chế hoạch định chính sách và cầm quyền tại Iran. Theo BBC, hiện nay bà Rahnavard là người phụ nữ nổi tiếng nhất Iran mà báo giới cả trong và ngoài nước đua nhau tiếp xúc.

Quan tâm hơn đến nữ giới

Không chỉ có phụ nữ lớn tiếng khẳng định vai trò của mình, mà các ứng viên tổng thống lần này cũng thể hiện sự quan tâm chưa từng có đến nữ giới. Mohsen Rezai tuyên bố nếu ông được làm tổng thống thì một quý bà sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao. Mehdi Karroubi nói không có gì cản trở phụ nữ tham gia nội các. Riêng Ahmadinejad không đề cập trực diện vấn đề này, nhưng ông cũng tự biện hộ khi nhắc lại chính ông là người đề nghị cho phụ nữ được vào sân vận động tham gia cổ vũ bóng đá. Ông cũng có những phụ nữ lên tiếng bảo vệ. Bà Kazhem, ủng hộ viên của đương kim tổng thống, nói với BBC: “Ahmadinejad không gây khó gì cho phụ nữ để phải nhờ đến Mousavi giải phóng cho họ”. Còn bà Sultani thì khẳng định: “Ahmadinejad đem lại vinh quang cho đất nước, tức là vinh quang cho phụ nữ Iran và cho toàn thể dân tộc”.

Có số liệu cho rằng phụ nữ chiếm đến 25 triệu trong tổng số 49 triệu cử tri của cả nước. Trong các tổ chức xã hội, phụ nữ và nhân quyền, có nhiều tiếng nói công khai đòi phụ nữ phải được ứng cử tổng thống. Họ nói hiến pháp Iran không cấm điều này.

Nhưng phe bảo thủ giải thích rằng hiến pháp không cho phụ nữ ứng cử tổng thống và 42 phụ nữ ghi danh ứng cử lần này đều bị cơ chế giáo quyền Iran loại bỏ cùng với khoảng 470 người đăng ký khác. Nhiều người cho rằng đông đảo phụ nữ Iran tham gia tích cực vào các hoạt động tranh cử của bốn ứng viên lần này không chỉ vì ủng hộ cho mỗi ứng viên, mà chính là dọn đường đi tới một tương lai không xa rộng mở cho phụ nữ tham gia chính quyền.

NGUYỄN NGỌC HÙNG (TTO)

Bình luận (0)