Năm 2020 – Canh Tý, chuột lên ngôi, là năm thứ 37 trong lục thập hoa giáp. Dù xuất hiện trên trái đất từ vài chục triệu năm, và cộng cư cùng loài người cũng đâu chừng khoảng 2 triệu năm, tuy đôi lúc có lợi dụng nhau, nhưng chuột luôn gây phiền toái cho con người trong mối quan hệ đối đầu là chủ yếu.
Chuột trong đời sống
Chuột là loài vật quen thuộc trong cuộc sống người nông dân Việt. Từ bao đời nay, tồn tại sóng đôi cùng nền văn minh nông nghiệp lúa nước, chuột đã trở thành con vật gắn liền với đời sống người dân. Hiếm có loài vật nào có phần số bi đát, hẩm hiu như con chuột, bởi cuộc sống của nó luôn gắn với một kẻ thù truyền kiếp, như sự mặc định trong từ điển tiếng Việt khi giải nghĩa về từ mèo: “Thú nhỏ cùng họ với hổ báo, nuôi trong nhà để bắt chuột”. Cho nên cứ hễ nhắc chuột là ta nghĩ đến mèo và ngược lại, khi nói về mèo là thường nhớ ngay đến chuột; chúng thành một cặp đôi gắn bó mật thiết không thể tách rời trong cuộc sống, song hành tồn tại cùng nhau kéo dài từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, trong thực tế có vài loài chuột rất có ích cho đời sống con người, đó là:
– Chuột chù: cỡ nhỏ, hình dạng như chuột, nhưng mõm dài, đuôi ngắn, tiết mùi hôi, không thuộc loài gặm nhấm, mà thuộc loài ăn sâu bọ, góp phần bảo vệ mùa màng.
– Chuột chũi: thú ăn sâu bọ, cùng họ với chuột chù, sống ở hang.
– Chuột bạch và chuột lang: được các nhà khoa học nuôi để làm thí nghiệm trong lĩnh vực y khoa và dược phẩm, nghiên cứu về các bệnh của con người. Trong ngành khoa học không gian, chuột cũng được đưa vào vệ tinh thám hiểm, trước khi con người bước lên tàu vũ trụ.
Hầu hết các loài chuột còn lại đều cắn xé đồ đạc, gây hại cho con người, đúng như lời giải nghĩa về chuột trong từ điển: “Thú gặm nhấm, mõm nhọn, tai bầu dục, đuôi thon dài, thường phá hoại mùa màng và có thể truyền bệnh dịch hạch”. Như vậy, xét một cách tổng thể thì chuột là loài vật gây hại nhiều hơn sinh lợi, nhưng loài người bắt buộc phải chung sống một cách bất đắc dĩ với chuột hàng triệu năm qua; dù luôn tìm mọi cách trừ diệt nhưng chỉ tạm thời thắng thế chứ chưa bao giờ loại bỏ được chuột khỏi đời sống con người.
Chuột trong văn hóa Việt
Từ bao đời nay, chuột đã trở thành con vật gắn liền với đời sống người dân. Cho dù ghét nó, chuột vẫn hiện hữu quanh ta. Hình ảnh chuột trong văn hóa dân gian, bên cạnh những tính không tốt cũng tồn tại những nét tích cực như thông minh, nhanh trí, đại diện cho sự sung túc và thịnh vượng.
Trong văn hóa Việt Nam, chuột tồn tại sóng đôi với nền nông nghiệp lúa nước, ở đâu có lúa, ở đó có chuột. Loài chuột tinh khôn, ranh ma gây hại cho loài người nên bị con người thù ghét, luôn tìm cách trừ khử. Thế nhưng quan hệ người – chuột lại luôn mang tính nước đôi: Con người ghét chuột, thù chuột, lại cũng vẫn nuôi chuột, quý chuột, thậm chí sợ chuột. Có lẽ do cuộc chiến tranh truyền đời giữa người và chuột cứ triền miên tiếp diễn, mà phần thắng chưa bao giờ thuộc về con người, nên ông bà ta xưa kia cảm thấy bất lực – thậm chí ở nhiều vùng quê cho đến nay vẫn còn tôn xưng chúng là… “ông Tý”, có lẽ nhằm lấy lòng chuột, cầu mong được chúng thương hại, khỏi trả thù, bớt phá hoại mùa màng; cất giấu vật gì ở đâu cũng thầm thì thật nhỏ vì sợ chuột nghe thấy! Rõ ràng, con người đã mâu thuẫn trong chính quan niệm của mình khi nghĩ về loài chuột.
Tuy bị ghét như vậy, nhưng loài chuột vẫn hiên ngang chiếm vị trí đầu tiên trong 12 con giáp, đứng trước bao nhiêu loài vật to lớn, oai phong khác. Trong văn hóa dân gian, chuột được gắn liền với sự nhanh nhẹn, thông minh, còn theo phong thủy, chuột tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng, là linh vật phong thủy trong đời sống con người.
Hình ảnh sự gắn bó truyền đời của cặp đôi mèo – chuột hiện diện trong đời sống văn hóa, in sâu trong tâm tưởng của bao thế hệ người Việt từ thuở thiếu thời qua trò chơi dân gian quen thuộc “Mèo đuổi chuột” quanh những gốc cây, mà trong trò chơi đó thì trẻ em chơi cứ tranh nhau làm chuột để trêu ghẹo, chọc giận chú mèo, để được… bị mèo đuổi. Nó còn khắc sâu dấu ấn qua các bài đồng dao thường thức “Con mèo, con chuột có lông…”, qua tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”…
Chuột trong từ vựng nước nhà
Vì quá am hiểu, tường tận đặc tính các giống loài chuột, nên khi nói đến một điều nào đấy người Việt lại hay mượn hình ảnh con chuột. Có lẽ do vậy nên trong từ vựng tiếng Việt, hình ảnh vị khách bất đắc dĩ, người bạn phải chung sống ngoài mong muốn là chú chuột xuất hiện tương đối nhiều, không chỉ gắn liền với các từ mà còn hiện diện trong các thành ngữ lẫn tục ngữ.
Về mặt từ ngữ, dựa trên sự tương đồng về hình dáng hoặc đặc điểm của chuột, khá nhiều từ ngữ trong từ vựng tiếng Việt có sự tồn tại hình ảnh con chuột như: Dưa chuột, dưa quả dài có gai mềm ở ngoài vỏ, trái thon giống thân con chuột; đuôi chuột, chiếc rễ cái của cây cắm thẳng xuống đất; pháo chuột, còn gọi là pháo xì, là loại pháo nhỏ, khi đốt thì chỉ tạo khói chứ không nổ, sáng rực rỡ, quay tít mù, chạy theo quỹ đạo ngoằn ngoèo trên mặt đất (giống chuột chạy) và cuối cùng xịt ra một đám khói. Từ pháo chuột còn dùng để chỉ những loại pháo bánh cỡ nhỏ.
Khi nói khái quát về việc nam nữ tán tỉnh, ve vãn nhau, người ta dùng hai từ chim chuột; nhà ổ chuột, ví nhà ở chui rúc, chật hẹp và bẩn thỉu tựa như hang ổ của chuột. Từ con chuột còn dùng để gọi khối cơ bắp ở cánh tay có dạng thuôn dài như thân chuột, và chuột rút là hiện tượng bắp thịt co rút và đau đột ngột. Trong đời sống công nghệ, từ chuột còn được mượn đặt cho một số vật dụng như con chuột (mouse) trong máy tính, con chuột (starter) trong bộ bóng đèn huỳnh quang (néon).
Con chuột – ngoài đời là loài đáng ghét, nhưng trong những câu thành ngữ, tục ngữ, chúng hiện lên sinh động với sự ví von chứa nhiều suy ngẫm dân gian qua ẩn dụ hình ảnh chuột giàu ý nghĩa biểu tượng như: Ướt như chuột lột (ướt sũng, ướt hết từ đầu đến chân); mèo nhỏ bắt chuột con (làm việc vừa phải, phù hợp, tương xứng với khả năng, sức lực của mình); nói dơi nói chuột (nói linh tinh, không có cơ sở, căn cứ gì hoặc không có nội dung cụ thể); mèo ra cửa, chuột xướng ca, nghĩa tương tự thành ngữ “vắng chủ nhà gà bới bếp”; chuột gặm chân mèo (chỉ sự liều lĩnh, dại dột làm việc nguy hiểm hoặc lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, phải thực hiện hành vi táo bạo, bất lợi); đầu voi đuôi chuột (ví sự việc lúc khởi đầu có vẻ to tát, nhưng khi kết thúc lại không có gì); cháy nhà ra mặt chuột (ví trường hợp việc xảy ra mới lộ rõ bộ mặt thật xấu xa); chuột sa chĩnh gạo (ví hoàn cảnh bỗng nhiên được sống vào trong một gia đình giàu có, hưởng cảnh sung túc); chuột chạy cùng sào (ví tình thế đến bước đường cùng, hết đường, hết cách). Hoặc Mèo hay khen mèo dài đuôi/Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo (chỉ những người hay tự khen, tự khoe những ưu điểm của mình, không ai chịu nhường ai).
Năm Canh Tý – cầm tinh con chuột đã đến, chúc bạn đọc Báo Giáo dục TP.HCM năm mới đạt mọi điều tốt đẹp như linh vật tượng trưng cho con giáp của năm: khéo léo, nhanh nhạy, gia đình bình an, vui vẻ hạnh phúc, tài lộc thịnh vượng cả năm!
Võ Thường Danh
Bình luận (0)