Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lan Phương – cầu nối khán giả Việt – Hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: nhân vật cung cấp

Phòng trà 2B nằm trong Trung tâm Văn hóa quận 5, vốn được xem là điểm sinh hoạt văn hóa lớn nhất của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM. Ở đây hằng đêm có một nữ ca sĩ vẫn cất cao những ca khúc Việt, Hoa.

Ngay khi mới chào đời, những tiếng đờn, nhịp ca của sân khấu cải lương đã ăn sâu vào tâm khảm của cô bé Lan Phương, bởi có cha là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hợp -Trưởng ban nhạc của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Là "con nhà nòi" nên những tố chất về ca diễn của Lan Phương bộc lộ rất sớm, cô bé cũng vẽ vời một viễn cảnh "lớn lên thế nào cũng trở thành cô đào cải lương". 13 tuổi, Lan Phương đã là một cây văn nghệ xuất sắc của trường học, của địa phương nơi gia đình cô đang sinh sống. Vốn liếng lúc này không phải là những bài ca cổ mà là những ca khúc tân nhạc đang thịnh hành thời đó. Rồi Lan Phương theo bạn bè đi hát phục vụ trong các tiệc cưới, thù lao chỉ là "hương hoa" nhưng rất vui vì có tiền để mua vài thứ lặt vặt rất… con gái, đôi khi còn lo được những khoản học phí.

Bước ngoặt trong đời Lan Phương là khi cô đoạt được giải nhì Cuộc thi Ca khúc yêu thích nhất của tôi do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 18 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng (1993), với ca khúc Vì sao em chết (Thanh Trúc). Từ thành công đầu đời này Lan Phương đã gặp và được anh Thanh Liêm đưa vào hát ở các vũ trường nổi tiếng thời đó như New Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Intershop, Palace, Đông Kinh… Những tháng ngày này là cơ hội thật tốt để Lan Phương trau dồi thêm kỹ năng và kinh nghiệm của nghề ca hát. Và cũng từ môi trường này, Lan Phương được tiếp cận với nhiều ca sĩ như Bảo Chấn, Bảo Phúc, Dương Thụ… Nhạc sĩ Bảo Chấn từng đưa Lan Phương về hát và thu âm cho Sài Gòn Audio, chuẩn bị ký hợp đồng dài hạn nhưng do bản tính nhút nhát, rụt rè nên cô đành bỏ lỡ cơ hội "chen vai" với các ca sĩ cùng trang lứa, đành chấp nhận đi hát trong bình lặng… Trong những năm tháng đi hát sau đó, đã có một cơ hội nữa để Lan Phương về cộng tác với Bến Thành Audio, lần này là do nhạc sĩ Phương Uyên (trưởng nhóm Ba Con Mèo) giới thiệu nhưng Lan Phương vì đã "lên lịch"… lấy chồng, nên cũng đành để vuột.
Một kỷ niệm đẹp đối với Lan Phương là chỉ mới cách đây mấy tháng (sau Tết Kỷ Sửu), khi đang hát ở một quán cà phê sân vườn, Lan Phương nhận được một tờ giấy yêu cầu cô hát bài Sao đành xa em. "Tôi đã rất xúc động, vì bài hát này đã gắn bó với Lan Phương trong những ngày mới chập chững bước vào nghiệp ca hát. Người yêu cầu hẳn biết về tôi rất rõ. Sau này tôi mới biết đó là một khán giả quen biết từ lâu không gặp. Đây cũng là niềm động viên để tôi tiếp tục lao động nghệ thuật…".

Nghỉ hát, theo chồng làm kinh tế nhưng sau khi sinh con (2002), thì đời sống kinh tế của gia đình Lan Phương gặp phải biến cố, thua lỗ đến mức trắng tay. Lan Phương suy sụp đến độ tưởng chừng không thể gượng nổi. Nhưng rồi nhờ vào sự an ủi động viên của bố mẹ, của ông xã, Lan Phương quyết đứng dậy, trở lại với nghiệp ca hát.

Cái sự "trở lại với nghiệp ca hát" của Lan Phương cũng thắt lòng. Không còn dám làm phiền một ai tiến cử, giới thiệu (vì mình đã từng từ chối hai lần), Lan Phương tìm kiếm những thông tin trên báo, thấy có một quán bar ở đường Hồ Xuân Hương (Q.3) tuyển… ban nhạc. Có ban nhạc thì phải có hát, nghĩ như vậy nên Lan Phương tìm đến địa chỉ trên. Thử giọng và được nhận ngay. Tuy nhiên, đêm đầu hát xong, cầm khoản cát-sê hết sức khiêm tốn để mua sữa cho con, Lan Phương nghẹn ngào rơi nước mắt. Cô tự nhủ phải quyết tâm nuôi dưỡng niềm đam mê và phải "sống chết" với cái nghề "đã mang lấy nghiệp vào thân"…

Cuộc sống lây lất rồi cũng qua khi một lần nữa nhạc sĩ Phương Uyên lại đưa Lan Phương về giới thiệu với ca sĩ Mỹ Hạnh – chủ phòng trà 2B. Từ đó, hoạt động âm nhạc của Lan Phương luôn gắn liền với phòng trà 2B. Ngoài những ca khúc sở trường thuộc dòng nhạc tiền chiến, chất giọng của Lan Phương còn thích hợp với các ca khúc trữ tình hiện đại Thành phố buồn, Phút cuối (Lam Phương), Tôi đưa em sang sông (Y Vũ – Nhật Ngân), Lạnh lùng (Đinh Việt Lang), Chiếc bóng mong manh, Thiên đường không xa (Lê Hựu Hà)… Đặc biệt khi phòng trà 2B dời về khu vực quận 5 thì Lan Phương như được chắp thêm cánh, để khả năng hát tiếng Hoa của cô được phát huy một cách hiệu quả nhất. "Về đây, với Lan Phương như là… về nhà!", Lan Phương cười cho biết khoảng đầu thập niên 1980, gia đình cô sinh sống tại đường An Điềm (Q.5). Sống giữa những người gốc Hoa, cô cũng nói, cũng hát tiếng Hoa bởi mẹ của cô vốn có một nửa dòng máu Trung Hoa. Thời gian đó Lan Phương tham gia sinh hoạt trong CLB Ca nhạc người gốc Hoa (thuộc TTVH quận 5). Chính ở địa điểm mà phòng trà 2B vừa chuyển về, cách đây mười mấy năm Lan Phương đã đăng quang khi cô đoạt giải nhất Cuộc thi mùa thu hát nhạc Hoa, với ca khúc tạm dịch là Người tình hiếm có. Bây giờ Lan Phương hát xen kẽ với nhạc Việt là những ca khúc Hoa như: Em đã từng yêu anh, Chuyến bay đêm, Mùa thu lá bay, Hỡi người tình… vì ở sân khấu này, số khán giả gốc Hoa cũng chiếm một phần đáng kể.

Hà Đình Nguyên (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)