Sau hơn 2 năm Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông đi vào thực tế, nhìn từ TP.HCM, có thể thấy thông tư đã góp phần tích cực vào hiệu quả đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong các cơ sở giáo dục.
Các quy định đánh giá chuẩn hiệu trưởng nhằm hướng tới xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh (ảnh minh họa)
Tích cực tự học thêm ngoại ngữ; đăng ký học thêm các khóa học trực tuyến về tin học; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về các phương thức giáo dục hiện đại, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục tích cực, đổi mới… là những bước chuyển mình hiện hữu mà hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đã thực hiện, tạo nên làn sóng đổi mới rõ rệt trong từng đơn vị.
Cải thiện chất lượng giáo dục nhà trường
Qua quá trình tự đánh giá, thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) nhận “mình đạt ở mức khá”. Nhìn nhận trong các tiêu chí đánh giá chuẩn hiệu trưởng, thầy Tuấn cho hay, bản thân vẫn còn “gặp khó” trong việc sử dụng ngoại ngữ bởi đặc thù môi trường giáo dục công lập khó có thể sử dụng thành thạo được. “Nhìn ra điểm yếu, hạn chế của bản thân trong hoạt động quản trị chính là một trong những điều “được” của quy định đánh giá chuẩn hiệu trưởng. Khi dựa trên những tham chiếu trong hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra, bản thân người hiệu trưởng sẽ biết mình yếu ở tiêu chí nào để phấn đấu, khắc phục. Tuy nhiên, việc phấn đấu không chỉ là “lời hứa suông” mà còn được đề ra cụ thể trong kế hoạch học tập phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường của bản thân trong năm học tiếp theo. Với bản thân tôi là việc tự học thêm ngoại ngữ, tạo thêm môi trường sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên trong nhà trường”, thầy Tuấn bày tỏ.
Ngoài ra, theo thầy Tuấn, tính khách quan của việc đánh giá còn được thể hiện qua việc có sự đánh giá ở cả “ba bề, bốn bên” từ giáo viên nhà trường cho đến cấp quản lý chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá của hiệu trưởng. Mỗi tiêu chí đánh giá đều có những minh chứng tương ứng đi kèm thể hiện qua kế hoạch giáo dục, chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục nhà trường… “Sự tham dự của giáo viên, của cấp quản lý trong khâu đánh giá sẽ một lần nữa giúp rà soát lại, đánh giá lại chức năng nhiệm vụ hiệu trưởng qua nhiều góc độ, gắn với chất lượng giảng dạy của đơn vị. Như vậy, bản thân hiệu trưởng không thể nào làm không tốt mà đánh giá mình tốt được. Chính tính khách quan đó sẽ buộc hiệu trưởng phải thật sự nỗ lực, đổi mới, hoàn thiện năng lực lãnh đạo, quản lý, cải thiện tốt hơn nữa môi trường giáo dục nhà trường nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Nhìn lại hai năm áp dụng đánh giá chuẩn hiệu trưởng, cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) cho biết bản thân cô tự thấy mình đã tiến bộ rất nhiều. Điều này được nhìn thấy qua việc tập thể đội ngũ giáo viên nhà trường với trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng vững, tinh thần làm việc cống hiến ngày càng hăng say. Và đặc biệt là môi trường giáo dục xuyên suốt 2 năm qua luôn thân thiện, tích cực. “Bản thân hiệu trưởng trước hết phải thật sự gương mẫu, nêu cao tinh thần lao động, cống hiến. Người hiệu trưởng phải hiểu đội ngũ mình từ khó khăn trong đời sống cho đến vướng mắc trong chuyên môn thì chỉ đạo mới sâu sát, hiệu quả. Có như vậy đội ngũ mới “nể, phục”. Không những chỉ nắm tâm tư nguyện vọng của giáo viên mà còn phải nắm tâm tư của học sinh, từ đó từng bước xây dựng môi trường giáo dục tiệm cận nhất với học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, rèn luyện, phát triển bản thân”, cô Dung chia sẻ.
Học sinh được thụ hưởng nhiều hơn
Thông tư 14 đặt ra 5 tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đi cùng với 5 tiêu chuẩn là 18 tiêu chí tương đương, mỗi tiêu chí lại yêu cầu những minh chứng đính kèm. Với thông tư này, hiệu trưởng sẽ tự đánh giá chu kỳ một năm/một lần vào cuối năm học, cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp sẽ đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ 2 năm/một lần (chu kỳ đánh giá có thể rút gọn trong trường hợp đặc biệt). Các tiêu chí được đánh giá theo 4 mức độ: chưa đạt, đạt, khá, tốt. Đạt 2/3 mức nào thì chuẩn hiệu trưởng sẽ được đánh giá ở mức đó.
Tuy nhiên, không đơn thuần là đánh giá hiệu trưởng thể hiện qua các mức độ, quy định của thông tư chính là lằn ranh, ba-rem để mỗi hiệu trưởng tự soi rọi, đối chiếu hoàn thiện bản thân mình, từ đó thay đổi đội ngũ, môi trường giáo dục của đơn vị. Bản thân hiệu trưởng luôn được coi là “đầu tàu” của mỗi ngôi trường. Khi hiệu trưởng có tư tưởng cấp tiến, chịu đổi mới, dám thay đổi bản thân theo hướng tích cực thì môi trường giáo dục, môi trường sư phạm của ngôi trường cũng phát triển theo chiều hướng cấp tiến và ngược lại. “Trước đây, khi chưa có các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể thì hiệu trưởng vẫn là người phải nêu gương, đổi mới. Tuy nhiên, khi các tiêu chuẩn, tiêu chí được nêu ra một cách chi tiết, rõ ràng thì việc thay đổi cũng như hoàn thiện bản thân của người hiệu trưởng trở nên dễ dàng hơn, không còn quá khó khăn, lúng túng. Nhất là khi đặt trong môi trường, đặc thù đơn vị thì sẽ có hướng phát triển đơn vị theo tinh thần đổi mới, xây dựng được chiến lược, lộ trình cụ thể”, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) chia sẻ.
Từ khi áp dụng đánh giá chuẩn hiệu trưởng, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Gò Vấp đánh giá môi trường giáo dục nhà trường đã có những chuyển biến rõ rệt, không chỉ là làn sóng đổi mới trong tập thể đội ngũ nhà trường mà còn về tinh thần dân chủ, công khai, chất lượng giáo dục đào tạo học sinh. “Bản thân tôi trước đây khâu nắm bắt tâm tư nguyện vọng của tập thể đội ngũ không được tốt lắm, vì vậy đôi lúc trong trường vẫn còn chuyện này, chuyện kia. Thế nhưng, từ khi áp dụng đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, khâu nắm dư luận xã hội được tôi thực hiện bằng nhiều kênh, sâu sát với đội ngũ nhiều hơn, nhờ đó mà công tác dân vận được thực hiện tốt hơn”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Đối chiếu một cách tổng quan, cô Vũ Thị Ngọc Dung cho biết cuối cùng thì điều được nữa trong việc hiệu trưởng thay đổi, hoàn thiện bản thân vẫn là những “thụ hưởng của học sinh”, tạo ra một hệ thống tích cực, phấn đấu. “Điều vui nhất là trong năm 2020 vừa qua, nhà trường đã tăng thêm nhiều phần chăm lo cho học sinh khó khăn trong mùa dịch Covid-19, để không một học sinh nào vì khó khăn mà phải nghỉ học hay mặc cảm với bạn bè. Kết quả này có được chính là sự đơm hoa, kết trái của tinh thần đoàn kết, yêu thương của cả tập thể nhà trường, sự ủng hộ tin tưởng của phụ huynh, sự chung tay của mọi nguồn lực xã hội”, cô Dung vui mừng nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)