Bài 3: Tương lai nào cho trường tư?
Thực tế việc chuyển từ nhà đầu tư này sang một nhà đầu tư khác có tiềm lực tài chính vững mạnh thì tương lai phát triển của một trường ngoài công lập (NCL) sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không có cái tâm và cái tầm thì nguy cơ bất ổn và đổ vỡ vẫn luôn thường trực.
Đã 20 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đến khi bán vẫn chưa có được một cơ sở đàng hoàng, toàn đi thuê mướn. |
Mua trường dễ hơn thành lập trường
So với Quyết định 07/2009, Quyết định số 64/2013 của Thủ tướng ban hành điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học (ĐH), học viện có nhiều quy định siết chặt hơn. Theo đó, từ ngày 1-1-2014, học viện, trường ĐH được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ 5 điều kiện, trong đó nổi bật là có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính không dưới 5ha, đối với trường tư thục phải có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng…
Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech) phân tích: “2 điểm khó nêu trên đã khiến nhiều nhà đầu tư kiểu “lướt sóng” không dám thành lập trường mới. Thực tế, nếu có 250 tỷ đồng và 5ha đất thì cũng chưa thể mở được trường. Muốn mở được trường phải xây dựng cơ sở, đầu tư trang thiết bị, mở ngành, tuyển giảng viên… Như vậy, ngoài các thủ tục theo đúng quy định, muốn mở một trường ĐH tư thục mới thì ít nhất phải có khoảng 1.000 tỷ đồng. Với số tiền này thì chỉ có những tập đoàn lớn hoặc các công ty đa quốc gia mới dám thử sức”.
Chính vì lẽ đó, hiện nay nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào làm giáo dục không còn cách nào khác là mua lại trường đã có sẵn. Cho đến nay, các trường đã được chuyển nhượng thường lâm vào cảnh đổ nát. Tuy nhiên, với cách tính của nhà đầu tư thì dù có bỏ ra hàng trăm tỷ hay vài chục tỷ đồng mua lại đống đổ nát cũng có lợi hơn nhiều so với thành lập trường tư thục mới.
Những vị đắng
Trước bối cảnh khó khăn về mọi mặt thì việc có nhà đầu tư mới để ổn định và mở ra tương lai tươi sáng hơn cho trường là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế không phải sự “kết duyên” nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Sự kiện Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) trở thành nhà đầu tư chiến lược của Trường ĐHDL Văn Hiến khiến cán bộ giảng viên trong trường phấn khởi. Đó là vì nhà đầu tư mới cam kết rót 180 tỷ đồng để chuyển đổi trường sang loại hình trường tư thục và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường, cam kết đảm bảo tốt quyền lợi và đời sống của giáo viên, nhân viên, giảng viên cơ hữu (người lao động) của trường như của VTC. Tuy nhiên, đã gần một năm, tất cả vẫn chỉ là con số không, thậm chí nhiều người “vỡ mộng”, quay sang đối đầu kịch liệt với nhà đầu tư mới.
Một câu chuyện buồn nữa lại diễn ra đối với một ngôi trường tính đến nay đã ngót 20 năm thành lập. Ngày 5-5-2009, Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM đăng thông báo kêu gọi góp vốn xây dựng và phát triển trường. Chỉ 1 tháng sau, trường cùng với 5 nhà đầu tư ký biên bản thỏa thuận góp vốn và được tổ chức công bố nhà đầu tư mới. Kết quả là trường bị đình chỉ tuyển sinh từ năm 2012 đến nay, nhiều sinh viên bị đuổi học, hội đồng quản trị xung đột và phải tố nhau ra tòa…
Có thể nói, khi trường được chuyển nhượng cho một chủ đầu tư mới thì bao giờ người lao động (cán bộ giảng viên, công nhân viên) cũng là người phải nơm nớp lo lắng. Điều đầu tiên mà họ nghĩ đó là không biết mình có bị thay thế hay không, trường sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? Theo ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Văn Hiến: “Trước một sự thay đổi hay chuyển giao thì người lao động vẫn là người mang nhiều âu lo nhất. Do đó, khi chúng tôi trở thành nhà đầu tư mới của trường, điều đầu tiên chúng tôi cam kết (bằng văn bản) là sẽ tăng lương, không thay thế bất cứ ai trong vòng 3 năm, cam kết đầu tư, lộ trình giải phóng mặt bằng và dùng tiền học phí của sinh viên để tái đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo cho trường”.
Giải pháp nào là bền vững
Thực tế cho thấy, việc “mua đứt bán đoạn” một trường từ chủ đầu tư này cho một hay nhiều nhà đầu tư khác không gặp quá nhiều phức tạp. Tuy nhiên, việc mua bán ngầm, thâu tóm cổ phần của một số nhà đầu tư ở một số trường hiện nay mới là vấn đề đáng báo động. Sự kiện này được minh chứng qua trường hợp của Trường ĐH Hoa Sen. Trường đang trên đà phát triển và tạo được sự tín nhiệm của xã hội nhưng bỗng chốc rơi vào lùm xùm, nhóm cổ đông chiếm 30% cổ phần của trường đứng lên tổ chức Đại hội cổ đông bất thường nhằm phế truất Hội đồng quản trị cũ…
Một hiệu trưởng trường NCL tại TPHCM đặt vấn đề: “Theo quy định hiện nay, nếu các cổ đông chiếm 30% cổ phần thì có quyền triệu tập ĐH cổ đông bất thường, có quyền đứng lên lật đổ, thay đổi định hướng phát triển của trường. Như vậy, các trường phải tìm cách để hạn chế tình trạng này như thế nào?”. Theo hiến kế của vị hiệu trưởng này thì: “Ví dụ một trường có 3 đồng do 3 người sở hữu thì nhà đầu tư dễ dàng tìm cách mua của 1 trong 3 người là có thể chiếm trên 30% cổ phần của trường. Nhưng nếu 3 đồng đó có 9 người sở hữu thì việc thâu tóm cho đủ 30% sẽ khó hơn và lại càng khó hơn nữa khi 3 đồng được mở rộng cho 100 hay 300 người”. Cũng theo vị hiệu trưởng này, muốn làm được như vậy và để trường phát triển theo đúng định hướng phi lợi nhuận thì hội đồng quản trị phải có tâm và có tầm, giữa đồng tiền và trí tuệ phải có sự hài hòa thì trường mới có thể phát triển đúng hướng, đào tạo mới có chất lượng, uy tín.
Nhìn một cách thận trọng, TS Kiều Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Hutech, cho rằng: “Trong thời gian tới sẽ có hàng loạt trường rao bán và có nguy cơ giải thể vì tình hình tuyển sinh khó khăn. Không có nhà đầu tư nào có thể trụ nỗi khi liên tục bù lỗ. Do đó, điều cốt lõi và quan trọng nhất là các trường đừng tự so sánh với nhau, đừng so sánh giữa trường công và trường tư mà hãy tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu không có chất lượng thì đừng nghĩ sẽ có người theo học”.
Theo Thanh Hùng/ SGGP
Bình luận (0)