Y tế - Văn hóaThư giãn

Làn sóng phản đối ăn thịt chó trên thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Từ châu Âu, châu Mỹ cho tới châu Á, ngày càng có nhiều người phản đối giết mổ chó làm thức ăn, kể cả ở những quốc gia mà thói quen ăn thịt chó đã có từ rất lâu và rất phổ biến.

Dân châu Á thay đổi dần nhận thức 

Chú thích ảnh

Chó bị nhốt chờ ngày làm thịt. Ảnh: Getty

Tòa án ở thành phố Bucheon Hàn Quốc mới đây đã đưa ra phán quyết rằng giết chó lấy thịt là bất hợp pháp. Phán quyết được đưa ra trong vụ xét xử một chủ trang trại chó bị tổ chức quyền động vật Care kiện. Tổ chức này kiện chủ trang trại giết động vật mà không có lý do chính đáng và vi phạm quy định vệ sinh. Chủ trang trại bị phạt 3 triệu won (62 triệu đồng).

Các nhà hoạt động vì quyền động vật cho rằng phán quyết này có thể dọn đường cho một luật cấm ăn thịt chó ở Hàn Quốc.

Thịt chó từ lâu đã là một phần trong nền ẩm thực Hàn Quốc. Tiêu thụ thịt chó là một vùng xám trong luật nước này. Dù không có luật cấm cụ thể nhưng giới chức Hàn Quốc thường viện dẫn quy định về vệ sinh hoặc luật bảo vệ động vật để đóng cửa các trang trại chó và nhà hàng bán thịt chó trước thềm các sự kiện quốc tế lớn.

Chú thích ảnh

Ngày càng nhiều người châu Á tẩy chay thịt chó. Ảnh: AP

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, 60% người Hàn Quốc ăn thịt chó thường xuyên và khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt hàng năm. Nước này có khoảng 17.000 trang trại chó. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dưới áp lực của các nhóm hoạt động, thói quen ăn thịt chó đã giảm và việc ăn thịt chó trở thành điều cấm kị với thế hệ trẻ. Một khảo sát năm 2017 cho biết 70% người Hàn Quốc không ăn thịt chó.

Ngoài Hàn Quốc, người dân nhiều nước châu Á cũng có thói quen ăn thịt chó như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Philippines… Thậm chí, Trung Quốc còn tổ chức lễ hội thịt chó hàng năm. 

Tại các nước này cũng xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến phản đối ăn thịt chó. Năm 2010, các nhà ủng hộ động vật ở Trung Quốc đã tranh cãi với những người coi ăn thịt chó là truyền thống văn hóa. Cuộc tranh cãi xoay quanh đề xuất cấm ăn thịt chó mèo và phạt tù người vi phạm 15 ngày, phạt tiền 5.000 nhân dân tệ với cá nhân và 10.000-500.000 nhân dân tệ với doanh nghiệp vi phạm. Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc có dự luật về quyền động vật trình lên chính phủ.

Nhiều nước phương Tây đề xuất luật cấm ăn thịt chó

Gần đây, nhiều quốc gia phương Tây chưa cấm ăn thịt chó cũng có động thái tiến tới hạn chế hoặc cấm tiêu thụ loại thịt này.

Chú thích ảnh

Chó được coi là bạn của con người. Ảnh: Shutterstock

Ở Mỹ, Hạ viện đã ngày 13/9 đã thông qua dự luật cấm giết mổ chó mèo làm thức ăn. Giết mổ chó mèo dù hiếm nhưng hợp pháp ở 44 bang tại Mỹ. Dự luật do hạ nghị sĩ Cộng  hòa , ông Vern Buchanan và hạ nghị sĩ Dân chủ Alcee Hastings đều ở bang Florida trình. Ông Buchanan hi vọng Thượng viện sẽ thông qua dự luật trước mùa thu này. Bảo vệ động vật là một trong những vấn đề hiếm hoi mà các nghị sĩ hai đảng có thể nhất trí.

Theo dự luật, cố tình giết mổ, vận chuyển, sở hữu, mua bán, hiến tặng chó mèo để tiêu thụ. Người vi phạm có thể bị phạt tới 5.000 USD.

Tại Anh, những người tham gia chiến dịch hồi tháng 8 đã kêu gọi Thủ tướng Theresa May cấm ăn thịt chó ở Anh sau khi cho rằng thói quen này đang ngày càng gia tăng ở châu Âu. Tổ chức quốc tế vì phúc lợi loài chó Liên minh Chó Thế giới đang phát động một chiến dịch ở Anh để cấm hoàn toàn tiêu thụ thịt chó. Tại Anh, giết cho để ăn thịt vẫn hợp pháp. 

Cách đây vài năm, các nghị sĩ quốc hội Thụy Sĩ cũng chịu áp lực cấm ăn thịt chó mèo. Khác với nhiều nước phương Tây, Thụy Sĩ có quan điểm tự do hơn về tiêu thụ thịt. Ở một số vùng nông thôn, thịt chó, mèo vẫn được ăn vào dịp Giáng sinh. Khoảng 3% người Thụy Sĩ ăn thịt chó lén lút vì sợ bị chỉ trích.

Tổ chức SOS Chats Noiraigue phát động chiến dịch cấm ăn thịt chó nói: “Một lãnh đạo chính trị nói với chúng tôi rằng quốc hội sẽ không làm gì trừ khi mọi người nổi loạn”. 

Trước đây, giới chức Thụy Sĩ cho rằng ăn thịt chó hay không là vấn đề thuộc về nhạy cảm đạo đức của mỗi cá nhân và và không cần luật hóa.

Thùy Dương/Báo Tin tức

 
 

 

Bình luận (0)