Hội nhậpThế giới 24h

Làn sóng rời Dubai của lao động nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Không nằm ngoài vòng xoáy của bão tài chính, miền đất hứa Dubai, vốn tập trung đông nguồn nhân lực “nhập ngoại”, đang phải chứng kiến ngày càng nhiều lao động bỏ cuộc vì lý do kinh tế.

Theo Bộ Lao động Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), với những quy định nhập khẩu lao động đa quốc gia, Dubai có khoảng 3,62 triệu lao động nước ngoài, trong đó, khoảng 2/3 số người đến từ các quốc gia Nam Á với 1,2 triệu công nhân xây dựng. 

“Bỏ của chạy lấy người”

Những vụ “bỏ của chạy lấy người” trở nên phổ biến khi các lao động “nhập ngoại” tại Dubai phải đối mặt với làn sóng sa thải nhân công rầm rộ và mắc những khoản nợ khó trả. Theo luật Sharia được áp dụng tại Dubai, những người vỡ nợ sẽ bị phạt tù rất nặng. 

Ngày càng có nhiều lao động nước ngoài tại Dubai mất việc. Ảnh minh họa

Cảnh sát Dubai cho biết, trong tháng một, có gần 50 con mèo, một loại thú cưng được ưa chuộng ở thành phố này, bị bỏ hoang trên các đường phố. Đồng cảnh ngộ là 3.000 chiếc xe hơi đắt tiền bị bỏ lại bên ngoài sân bay quốc tế. Hầu hết xế hộp, cả vài chiếc Mercedes, còn cắm nguyên chìa trong ổ khoá của lao động nước ngoài bỏ lại. “Mỗi ngày, chúng tôi lại tìm thấy thêm nhiều xe mới. Giáng sinh là thời điểm tệ nhất, chúng tôi thu gom được hơn 20 chiếc chỉ trong một ngày. Bãi để xe gần nhà ga số một chứa đầy các loại xe phủ bụi. Mỗi chiếc một tư thế đỗ khác nhau, không thành hàng lối. Không ít xe đã ở đây khoảng 6 tuần hoặc lâu hơn thế”, một quan chức an ninh sân bay giấu tên nói.

Simon Goldsmith, phát ngôn viên của Đại sứ quán Anh ở Dubai cho hay, có khoảng 100.000 người Anh làm việc tại đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, đại sứ quán vẫn chưa thể thống kê con số chính xác những người Anh rời Dubai về nước. Ông Simon nói: “Chúng tôi cũng được thông tin về làn sóng hồi hương này. Song đây là những cuộc trở về nước thầm lặng nên rất khó nắm bắt được số người cụ thể”.

Theo ước tính của ngân hàng Thụy Sĩ UBS, dân số Dubai có đến 85% là người lao động nhập cư, có thể sẽ giảm 8% trong năm 2009 và 2% vào năm 2010 bởi thiếu việc làm. UBS còn dẫn chứng trường hợp của Nakheel – Công ty xây dựng từng cho ra đời những hòn đảo nhân tạo nổi tiếng hình cây cọ, chỉ riêng trong tháng 1một cắt giảm 500 nhân công nước ngoài.

Một thời vang bóng

Một công việc tuyệt vời với mức lương hậu hĩnh, bổng lộc “ngất ngưởng” mà không phải trả một đồng thuế thu nhập nào và sau đó là những buổi tiệc tùng tận hưởng cuộc sống – là những yếu tố “mật ngọt” từng thu hút lao động trẻ đến Dubai. Kashif Arbab, một người Anh gốc Pakistan, làm việc cho Công ty chứng khoán Killik & Co. ở Dubai, bày tỏ: “Dubai đã trở thành một cục nam châm thu hút giới trẻ – những người muốn có một môi trường làm việc kiếm được nhiều tiền, đầy đủ điều kiện giải trí”.

Cách đây vài tháng, vào bất kỳ buổi tối nào, người ta cũng có thể nhìn thấy những chiếc xe hơi đắt tiền như Ferrari, Lamborghini đỗ gần các quán bar và nhà hàng ở các khu giải trí như Marine Resort hay Boudoir – một nhà hàng có vũ trường. Nhưng đến nay, theo nhận định của ông Carlos Sabugueiro, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn bảo hiểm Zurich (ZIL): “Kết quả điều tra này cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính đối với cuộc sống của người dân bản xứ cũng như người lao động nước ngoài. Họ đang phải điều chỉnh lại cách chi tiêu. Nếu không làm vậy, họ sẽ phải “méo mặt” với hàng loạt hóa đơn thanh toán”.

Theo một cuộc điều tra mới đây của ZIL, có tới 83% người được hỏi cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu đến 24% và chỉ mua sắm những vật dụng cần thiết, trong khi đó 43% thừa nhận các khoản nợ đang ngày càng chồng chất. 

 

Hiện Việt Nam có hơn 15.000 lao động làm việc tại UAE. Người lao động Việt Nam, do các công ty nhà nước và tư nhân cung cấp cho U.A.E, phần đa là người trẻ tuổi có tay nghề, làm nhiều ngành nghề như: xây dựng, thợ sắt, sản xuất đồ gỗ …, có mức thu nhập 350 – 450 USD một tháng tùy theo ngành nghề (chưa kể làm thêm giờ). Riêng bậc kỹ sư, lương tối thiểu là 700 USD một tháng.

Bích Diệp(baodatviet)

Bình luận (0)