Sách họa (cách gọi tắt của sách tranh/sách có tranh minh họa) đã và đang có nhiều ưu thế trên hành trình “ra thế giới”. Nhiều tác phẩm đã được bán bản quyền, phát hành tại nhiều nước.
Lưu dấu bằng “cảnh sắc Việt”
Một trong những tin vui được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng chia sẻ sau Hội sách Frankfurt lần thứ 75 (vừa diễn ra vào tháng Mười, tại Đức) là cuốn sách Những miền lưu dấu – Cảnh Việt trong văn chương trở thành 1 trong 200 tựa sách có mặt trong The White Ravens 2023. Đây là ấn phẩm xuất bản hằng năm, giới thiệu ngắn gọn 200 tựa sách mới đáng chú ý trong năm dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Những miền lưu dấu – Cảnh Việt trong văn chương là tác phẩm duy nhất của Việt Nam, vượt qua khoảng 5.000 tựa sách được đề cử (từ 57 quốc gia, với gần 40 ngôn ngữ) để có mặt trong danh mục năm nay.
Những miền lưu dấu – Cảnh Việt trong văn chương là sự kết hợp ấn tượng giữa văn chương và hội họa. Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Những miền lưu dấu – Cảnh Việt trong văn chương là sự kết hợp ấn tượng giữa văn chương và hội họa. Tác phẩm gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn nổi bật của văn học Việt Nam (trong đó có các đoạn trích đã được đưa vào sách giáo khoa): Người lái đò sông Đà, Lặng lẽ Sa Pa, Vợ chồng A Phủ, Tây Tiến, Việt Bắc, Hương rừng Cà Mau, Bên kia sông Đuống… Cùng với những trang văn đặc sắc là những bức họa giàu mỹ cảm của các họa sĩ: Vũ Xuân Hoàn, Đinh Quang Hải, Đỗ Đình Tân, Trương Văn Ngọc…
Trước đó, NXB Kim Đồng cũng từng có 2 tựa sách được chọn vào danh mục của The White Ravens và đều là sách họa: Lĩnh Nam chích quái (năm 2018) và Cái tết của mèo con (năm 2019). Tranh minh họa góp phần khoác lên các ấn phẩm những tấm áo mới đầy màu sắc, sinh động, bắt mắt. Đây cũng là ưu thế của sách họa trên hành trình “ra thế giới”. Phần lớn các tác phẩm được bán bản quyền và phát hành tại các nước thời gian qua là sách tranh: Chang hoang dã – Gấu (lời: Trang Nguyễn, minh họa: Jeet Zdũng, giải A giải thưởng Sách quốc gia năm 2021), Hành trình đầu tiên (Phùng Nguyên Quang – Huỳnh Kim Liên, NXB Kim Đồng), Lịch sử Việt Nam bằng tranh phiên bản màu (chủ biên: Trần Bạch Đằng, NXB Trẻ), Mùa hè bất tận (Du Bút, June Comics và NXB Thanh Niên), Đón tết về nhà và Đủng đỉnh trăng đi (Lionbooks liên kết với NXB Hà Nội và NXB Dân Trí ấn hành)…
Gian hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng tại hội chợ sách Frankfurt lần thứ 75. Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Nhiều tiềm năng từ sách họa
Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, tại Hội sách quốc tế Frankfurt vừa qua, các tựa sách nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị làm sách quốc tế là: Lĩnh Nam chích quái, Dế Mèn phiêu lưu ký (các bản do họa sĩ Tạ Huy Long minh họa) và bộ sách tranh Chang hoang dã – Gấu và Chang hoang dã – Voi. Một số tựa nhận được đề nghị mua bản quyền trong dịp này: Búp sen xanh, Lược sử nước Việt bằng tranh…
Tham gia nhiều hội sách quốc tế và khu vực, bà Nguyễn Lệ Chi – Giám đốc Công ty sách Chibooks – chia sẻ; sách tranh luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của các NXB nước ngoài. Bắt nhịp nhanh chóng cùng xu hướng xuất bản thế giới, những năm qua, nhiều đơn vị làm sách, xuất bản Việt Nam đã đầu tư cho sách tranh/sách có tranh minh họa. Nhiều tác phẩm ấn tượng, đa dạng thể loại và đề tài, có giá trị chiều sâu đã ra mắt và hoàn toàn đủ tự tin để bước ra sân chơi toàn cầu.
Harry Potter – Kỳ thư phù thủy có sự tham gia minh họa của họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc. Nguồn ảnh: Nhà xuất bản trẻ
Làm nên giá trị hội tụ và sức lan tỏa cho sách họa phải kể đến đội ngũ họa sĩ giàu nội lực gồm cả họa sĩ tên tuổi lẫn lực lượng trẻ. Đông A đầu tư Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật, với các tựa: Người kép già (Kim Lân, minh họa: Thành Chương), Bỉ vỏ (Nguyên Hồng, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng, minh họa: Thành Phong)… Với Lĩnh Nam chích quái, họa sĩ Tạ Huy Long đã vẽ hoàn toàn bằng tay, mô phỏng phong cách tranh khắc gỗ dân gian.
Thế hệ họa sĩ trẻ tài năng là những người đã được trao các giải thưởng quốc tế, có cơ hội hợp tác minh họa cho các dự án lớn ở nước ngoài… Có thể kể đến Phạm Quang Phúc – họa sĩ tham gia dự án vẽ minh họa cho tập truyện Harry Potter – Kỳ thư phù thủy của J.K. Rowling (vừa được NXB Trẻ cho ra mắt). Năm 2018, Phạm Quang Phúc và Hoàng Trang từng được trao giải nhất hạng mục tranh minh họa cho thể loại sách hư cấu thiếu nhi tại cuộc thi Sáng tác tranh minh họa cho trẻ em ASEAN (ICCRF).
Những gương mặt từng được trao giải quốc tế còn có: họa sĩ Khoa Lê với giải Grand Prize của Samsung KidsTime Author’s Award 2015 dành cho các tác giả Đông Nam Á (với tác phẩm Chị em Mặt Trăng và Mặt Trời), Can Tiểu Hy (giải Bạc giải thưởng Manga quốc tế Nhật Bản năm 2017, với Địa ngục môn), Hoàng Tường Vy được trao giải đồng cũng tại giải thưởng danh giá này vào năm 2022, với Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm…
Đội ngũ họa sĩ trẻ tham gia minh họa cho sách hiện nay rất đông đảo. Sự cộng hưởng giá trị từ sách, từ tranh không chỉ góp phần lan tỏa giá trị tác phẩm trong nước mà còn là tiềm lực cho sự vươn xa của sách họa.
Nhà văn Văn Thành Lê – Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại TPHCM: “Cần một chiến lược quảng bá, bài bản, dài hơi, có hệ thống” Phóng viên: Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của sách họa Việt trên hành trình “ra thế giới”? Nhà văn Văn Thành Lê: Khoảng một thập niên trở lại đây, thế hệ họa sĩ 8X, 9X đã “vẽ” một luồng gió mới, góp phần tạo nên bộ mặt sáng cho sách Việt. Nếu trước đây, đến các hội chợ sách quốc tế, người làm sách Việt từng trầm trồ và nghĩ “không biết bao giờ mình mới làm được những cuốn sách đẹp thế này” thì hiện tại khoảng cách với thế giới đã được rút lại rất ngắn. Sách tranh/artbook của chúng ta hiện nay, nhiều cuốn có thể tự tin xếp trên kệ cùng sách các nước phát triển mà không sợ lép vế về mỹ thuật. Vấn đề còn lại là nội dung, câu chuyện được chuyển tải là gì và chúng ta chào hàng ra thế giới thế nào mà thôi.
* Cũng có sự mâu thuẫn trong những góc nhìn về cơ hội “xuất khẩu” sách Việt: một bên là khai thác đề tài mang “tính quốc tế” một bên là cần chú trọng giá trị bản sắc. Anh nghĩ sao? – Những cuốn sách đề cập đến vấn đề có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, con người trong thời đại công nghệ… luôn có lợi thế khi bước ra với thế giới. Bằng chứng là Chang hoang dã – Gấu, Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em, Bỏ điện thoại xuống nào! và một số tác phẩm khác của NXB Kim Đồng thuộc nhóm đề tài này đã được bán bản quyền thành công ra các nước. Nhưng thế giới cũng rất chào đón những sắc màu văn hóa, lịch sử riêng biệt của mỗi quốc gia. Các tác phẩm Lược sử nước Việt bằng tranh, Đúng là tết!, Đường về nhà (bối cảnh Tây Nguyên), Hành trình đầu tiên (bối cảnh miền Tây Nam Bộ), tác phẩm văn học Truyện đồng thoại và Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng) hay một số tác phẩm tranh truyện dân gian Việt Nam đã được các NXB của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… mua bản quyền. Gần nhất, tại hội chợ sách Frankfurt 2023 vừa qua, NXB Seuil Jeunesse (Pháp) đặc biệt quan tâm đến tác phẩm Lĩnh Nam chích quái. Tôi cho rằng, ở đây không có sự mâu thuẫn. Chúng ta cần đi bằng 2 chân, vừa hòa nhập đại chúng vừa giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử của mình. Và thế giới sẽ chào đón cả 2. * Theo anh, điều gì có thể làm/cần làm để hành trình ra thế giới của sách họa Việt rộng mở hơn? – Nhiều họa sĩ trẻ đã chủ động chào hàng và đưa tác phẩm ra thế giới thông qua các cuộc thi hay dự án sáng tạo cá nhân. Thậm chí, có nhiều tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài rồi các đơn vị trong nước mới mua bản quyền xuất bản sau. Nhưng đó là sự nỗ lực từ mỗi cá nhân/nhóm tác giả. Chúng ta cần một chiến lược quảng bá, chào hàng sách Việt bài bản, dài hơi, có hệ thống hơn, thống nhất từ các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và xuất bản. Chỉ có như vậy thì việc sách Việt được thế giới nhận diện mới đồng bộ, rõ ràng và hiệu quả hơn. * Xin cảm ơn anh. Cầm Thi (thực hiện) |
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)