Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lan tỏa hệ sinh thái nhân văn

Tạp Chí Giáo Dục

6 chú voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (Đắk Lắk) vừa chính thức được ngừng phục vụ “cưỡi voi”. Đây là tin vui cho cộng đồng luôn yêu thương, bảo vệ động vật.

1. Ngày nhận tin về việc Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn ngừng khai thác dịch vụ cưỡi voi, rất nhiều người đã chia sẻ niềm vui trên mạng xã hội. Vấn đề cần ngừng khai thác voi làm du lịch/diễn xiếc phục vụ du khách đã được cộng đồng lên tiếng trong nhiều năm qua. Nhiều dự án sách, nhiều tổ chức nhân đạo đã cùng góp tiếng nói trong việc bảo vệ voi nói riêng và bảo vệ động vật hoang dã nói chung. 

“Cảm ơn vì đã để Đinh Đoong được nghỉ ngơi! Ngày thực hiện bộ sách Em yêu Việt Nam mình, điều tôi mong mỏi nhất chính là đây: lúc những chú voi được trở về với tự nhiên, với môi trường sống của nó. Không còn chú voi du lịch cõng khách đi dạo, không còn bóng cô voi Hồ Túc một mình cô đơn ở Buôn Đôn. Thật vui khi nghe tin này” – chị Nguyễn Chiều Xuân – Giám đốc Lionbooks – bày tỏ.

Những chú voi ở Buôn Đôn được ngừng “cõng khách” du lịch từ ngày 10/2 - ảnh: daklak.gov.vn

Những chú voi ở Buôn Đôn được ngừng “cõng khách” du lịch từ ngày 10/2. Ảnh: daklak.gov.vn

Năm ngoái, đơn vị cho ra mắt bộ sách tranh Tiếng rừng (gồm 3 tập: Mái nhà trên cao nguyên, Tiếng rừng  Trở về), nhân vật chính – chú voi Đinh Đoong được lấy cảm hứng từ hình ảnh cô voi hơn 40 tuổi phục vụ khách du lịch tại Buôn Đôn. Nguyễn Chiều Xuân từng chia sẻ, hình ảnh chú voi cô đơn và buồn bã khiến chị xúc động. Bộ sách Tiếng rừng kể cho các em nhỏ câu chuyện về Tây Nguyên nhưng đồng thời cũng gửi gắm thông điệp của nhà làm sách rằng “làm sao có thể chấm dứt được tình trạng khai thác voi làm du lịch và muôn loài có thể tự do sống trong môi trường tự nhiên của chúng”.

Không chỉ có voi nhà, động vật hoang dã cũng được tích cực bảo vệ qua những trang sách, thước phim cũng như các dự án bảo vệ động vật. Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn với các tác phẩm Trở về nơi hoang dã (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) và bộ sách tranh Chang hoang dã (Nhà xuất bản Kim Đồng, giải A Giải thưởng sách quốc gia 2021) đã và đang góp tiếng nói có ảnh hưởng trong và ngoài nước về việc bảo tồn/bảo vệ động vật hoang dã.

Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), nhà sáng lập là chị Hoàng Thị Minh Hồng – 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn vào năm 2019 – suốt 10 năm qua không ngừng truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm: voi, tê tê, tê giác. Liên minh bảo vệ chó châu Á từng thực hiện chiến dịch Về đi Vàng ơi! tại Việt Nam vào năm 2015, đến nay vẫn không ngừng có ảnh hưởng trong việc bảo vệ chó khỏi tình trạng bị ngược đãi (buôn lậu, giết mổ, đối xử tàn nhẫn). Việc chấm dứt khai thác voi làm du lịch tại Buôn Đôn cũng nhờ có sự hỗ trợ và viện trợ của Tổ chức Động vật châu Á…

Chang hoang dã- một trong những tập sách ã và đang góp tiếng nói có ảnh hưởng trong và ngoài nước về việc bảo tồn/bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh Internet

Chang hoang dã- một trong những tập sách góp tiếng nói về việc bảo tồn/bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Internet

Một giọt nước không làm nên dòng sông. Một tựa/bộ sách/dự án bảo tồn cũng không thể một sớm một chiều làm thay đổi nhận thức và ứng xử của cộng đồng. Nhưng sự cộng hưởng từ người có ảnh hưởng, các dự án phim/sách, các sự kiện/chương trình nhân đạo cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế suốt nhiều năm qua đã và đang hiện thực hóa giấc mơ nhân hậu: trả tự do và bình an cho muôn loài.

2. Chùa Trấn Quốc, ngày đầu năm

Bên ngoài cổng chùa, ven hồ Tây là một dãy hàng bán chim/cá phóng sinh. Người bán chào mời khách viếng chùa “mua cá làm phước”. Theo lời người bán, đó là những chú cá chép đang ôm trứng, thả một con là cứu được cả đàn. Thế nhưng, cá phóng sinh được thả vào một hồ nhỏ trong chùa, nhiều người băn khoăn liệu chúng có bị bắt, bán trở lại – như đã từng thấy ở nhiều điểm phóng sinh khác? 

Chim/cá được phóng sinh mang lại niềm vui cho cả người bán lẫn người mua, nhưng phóng sinh sai cách thì vô tình chúng lại trở thành nạn nhân của sự ngược đãi. Chia sẻ về việc phóng sinh, chị Mộc Nhiên (quận 7, TPHCM) nói chị và các con thường làm việc này theo ý niệm “tùy duyên”, không chờ đến mùng Một hay ngày rằm, mà sẽ hoan hỉ thả chim về trời, thả cá về sông bất cứ lúc nào phù hợp. “Tôi mong khi mình làm điều đó, bầu trời sẽ có thêm tiếng hót, dưới sông sẽ có thêm nhiều cá sinh sôi. Phóng sinh không phải chỉ để mua cho mình niềm an lạc tức thời mà không mang lại kết quả gì tốt cho chim/cá” – chị bày tỏ. 

Phóng sinh là trao cho sinh vật cơ hội tiếp tục sống. Đó vốn là hành động đẹp trong truyền thống nghi lễ Phật giáo, nhưng nếu làm sai cách, lòng nhân hậu của người này có thể vô tình tiếp tay cho người khác trục lợi và càng làm giảm cơ hội sống sót của loài được phóng sinh. Hiểu được điều này và thay đổi hành vi, thái độ tiếp nhận, phóng sinh đúng cách cũng là trao gửi đúng lòng từ bi của con người cho loài vật. 

3. Trồng cây gây rừng/bảo tồn rừng để chim muông về làm tổ, muôn loài có nơi sinh sống; làm nông nghiệp thuận tự nhiên giữ lại thảm thực vật/thức ăn cho các loài sinh vật; thả rùa về biển hay lên tiếng về việc giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ sinh vật biển… đều là những câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng. 

Dù bắt đầu với những thông điệp hay hành động nhỏ bé, việc cùng nhau bảo vệ/bảo tồn hay ngừng ngược đãi động vật đều là cách chúng ta lan tỏa thông điệp ý nghĩa về hệ sinh thái nhân văn. Đó cũng là cách con người hướng đến những giá trị lớn lao hơn: bảo vệ tự nhiên/môi trường sống cho muôn loài và phát triển bền vững. Sinh thái nhân văn từ ứng xử với tự nhiên và muôn loài còn là sự thông tuệ và từ bi của con người. Đối đãi tốt với tự nhiên và muôn loài, con người cũng nhận lại rất nhiều. 

Theo Bùi Tiểu Quyên/PNO

 

Bình luận (0)